“Sứ mệnh” lưu giữ ký ức tuổi thơ |
Trải qua 25 năm phát triển làng nghề, Thạch Xá vẫn luôn là một điểm đến nổi bật thu hút cả người lớn và trẻ em. Vẻ đẹp độc đáo của chuồn chuồn tre tại làng nghề này bừng lên từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân dân gian. Từ cây tre xanh được chọn lọc kỹ lưỡng, các nghệ nhân sáng tạo ra những chú chuồn chuồn tre tinh xảo, màu sắc bắt mắt mà bất kỳ ai nhìn thấy cũng mê. Hơn 25 năm qua, tiếng cắt, cạo tre, đục, mài đã đồng hành cùng gia đình anh Nguyễn Văn Tái. Từ bàn tay tài hoa của anh và những người thợ, những chú chuồn chuồn tre đã ra đời sinh động và đầy màu sắc. Anh Tái cho biết, nghề làm đồ chơi chuồn chuồn, chim từ tre mới xuất hiện khoảng 25 năm trở lại đây và anh cũng là người đầu tiên đưa nghề về làng. |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tái cho ra đời những chú chuồn chuồn tre sinh động và đầy màu sắc |
“Làng Thạch Xá có nghề truyền thống làm rổ rá từ tre nhưng một lần tình cờ nhìn thấy con chuồn chuồn được làm từ thứ nguyên liệu quen thuộc này, tôi tự hỏi: “Sao người ta làm được mà mình lại không”? Ý nghĩ đó khiến tôi quyết tâm đưa nghề làm chuồn chuồn tre về làng”, anh Nguyễn Văn Tái tâm sự. Nhìn bề ngoài, những tưởng chuồn chuồn tre chỉ là món đồ chơi nhỏ xinh đơn giản làm từ tre nứa. Song để làm ra được một sản phẩm này lại mất khá nhiều thời gian và công sức. Đặc biệt, nguyên liệu sử dụng phải là tre khô tự nhiên, không được sử dụng tre ngâm, bị mối mọt... |
Những cánh chuồn ra đời bằng đôi bàn tay tài hoa của anh Tái trở thành món quà lưu niệm độc đáo
Để làm ra một chú chuồn chuồn hoàn chỉnh phải trải qua khoảng nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và chính xác như: Chẻ thanh, vót nhẵn, khoan lỗ, tra cánh, sơn, vẽ họa tiết, phơi khô… Không những thế, người làm phải đam mê, đo đạc cẩn thận, tính toán kĩ lưỡng mới cho ra được một sản phẩm đẹp và có thể đứng thăng bằng. Mỗi sản phẩm mang màu sắc riêng. Điều đặc biệt là chúng có khả năng đậu ở mọi nơi nhờ vào nguyên lý cân bằng trọng lực mà không cần bất kỳ thiết bị hay động cơ nào. Quá trình làm ra các chú chuồn chuồn này đòi hỏi sự tỉ mẩn và tài nghệ của những người nghệ nhân với đủ lứa tuổi, người già chọn tre và người trẻ trang trí tô vẽ. |
“Sải cánh” muôn phương |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tái cho biết, việc chọn nguyên liệu thô ban đầu là cây tre rất quan trọng. Tre bánh tẻ là lựa chọn phù hợp vì cây sẽ không quá non hoặc quá già. Cây tre khi mang về sẽ cạo đi lớp vỏ xanh bên ngoài, phơi nhiều nắng nhằm bốc hơi hết nước của thân, rồi chia chúng thành những thanh nhỏ dần, để gọt giũa thành các bộ phận của con chuồn chuồn. Bởi nguyên lý của chú chuồn chuồn tre này là sự thăng bằng nên các bộ phận cấu thành như: Thân, cánh, mình... phải được làm một cách tỉ mỉ, theo tỉ lệ riêng. Quan trọng nhất là phần mỏ vì khi đó trọng tâm sẽ dồn vào duy nhất một điểm này, giúp chúng có thể đứng được mà không sợ rơi. Đầu tiên là chiếc mỏ, được làm cong bởi thanh sắt được nung nóng đỏ, sau đó mới lắp ghép các bộ phận khác vào thân chuồn chuồn. |
Làng Thạch Xá không chỉ là nơi sản xuất chuồn chuồn tre, mà còn là nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ. Đến đây, du khách có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng, tham gia vào trang trí chuồn chuồn tre |
Để tô điểm cho chuồn chuồn tre những màu sắc rực rỡ, họa tiết nổi bật, nghệ nhân sẽ sơn bằng sơn dầu. Anh Tái khẳng định, chỉ sơn dầu mới đảm bảo được độ bóng khi lên màu và chống nước tốt. Nếu thường trời mát và hanh thì làm xong chỉ cần phơi một đêm nhưng khi trời nồm sẽ cần tới hai ngày đế sơn khô. Muốn màu sắc chuồn chuồn đẹp, bền việc tô màu cũng đòi hỏi nghệ nhân phải có kỹ thuật khéo léo để màu ra được đều tay… Tận dụng tre, một loại nguyên liệu sẵn có ở nước ta tạo ra các sản phẩm thủ công tinh xảo, đẹp mắt và mang ý nghĩa văn hóa là động lực để anh Tái và nhiều người dân Thạch Xá cố gắng duy trì, gìn giữ sản phẩm nghề truyền thống của địa phương. Vì thế, làng Thạch Xá không chỉ là nơi sản xuất chuồn chuồn tre, mà còn là nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân. Đến đây, du khách có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng và thậm chí là tham gia vào trang trí những chiếc chuồn chuồn tre. Trải nghiệm này sẽ đưa bạn trở về tuổi thơ, khám phá sự kỳ diệu và tài nghệ độc đáo của làng quê Việt Nam. Rời Thạch Xá trong túi của ai cũng có ít nhất một chú chuồn chuồn tre rực rỡ màu sắc, đó cũng là thành quả của quá trình trải nghiệm, khám phá văn người Việt nói riêng, người dân xứ Đoài nói riêng. Trong thời buổi công nghệ ngày nay, mọi người đang dần đắm chìm trong thế giới hiện đại của những thiết bị điện tử mới mẻ, những trò chơi trên mạng đầy hấp dẫn mà vô tình lãng quên đi những món đồ chơi truyền thống thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc mọi thứ sẽ bị mai một mà cần có sự thích ứng linh hoạt theo nhu cầu của xã hội. Chuồn chuồn tre của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tái cùng nhiều người dân tại làng nghề Thạch Xá đã thích ứng với cách thức quảng bá và giá trị mới như thế. Những nghệ nhân của làng vẫn miệt mài sáng tạo, thổi hồn vào từng chú chuồn chuồn tre. Lớp trẻ tiếp nối lớp cha anh học hỏi và phát huy nghề truyền thống. Nhiều bạn trẻ phát huy lợi thế về công nghệ thông tin tích cực quảng bá, truyền thông sản phẩm từ cây tre rừng của gia đình, làng xóm trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Các fanpage trên mạng xã hội về chuồn chuồn tre vẫn thu hút lượng tương tác, theo dõi nhất định từ cộng đồng. Vì thế, những chú chuồn chuồn tre, sản phẩm độc đáo của làng nghề Thạch Xá đã theo du khách đi muôn phương. Hiện những mặt hàng này không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Pháp, Anh… thông qua các công ty mỹ nghệ, quà tặng. Món quà đặc biệt là những chú chuồn chuồn tre ấy tiếp tục “kể” cho bạn bè về văn hóa, sự tài hoa, khéo léo và tinh tế của con người Thủ đô Hà Nội. |
Những năm gần đây, một số gia đình ở Thạch Xá đã kết hợp với một số tổ chức xã hội như Trung tâm Nghiên cứu và Bảo trợ trẻ em Cenforchil (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), tổ chức MyHanoi (Việt Nam) thực hiện dự án nghiên cứu và bảo tồn đồ chơi Việt. Mặt khác, chuồn chuồn tre Thạch Xá đã xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt, người Nhật Bản với sở thích sử dụng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được làm từ vật liệu tự nhiên, các sản phẩm nghệ thuật của họ cũng gắn liền với thế giới động vật, côn trùng, nhất là chuồn chuồn nên mặt hàng khá ổn định. Tuy nhiên, để bảo tồn nghề truyền thống Thạch Xá không chỉ là bài toán khó đối với cả chính quyền và người dân địa phương mà phải bắt nguồn từ chính sách. Có chính sách phù hợp thì nghề truyền thống không chỉ được bảo tồn, mà còn có cơ hội phát triển, đặc biệt có thể phục vụ công cuộc phát triển ngành công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa và xuất khẩu sản phẩm sáng tạo. |
(Còn nữa)
Bài viết: Vũ Thoa
Trình bày: Lê Dung
Bài viết liên quan:
Quà tặng "kể chuyện" văn hóa Hà Nội Bài 2: Duyên dáng áo dài Trạch Xá |
|