|
Nhiều việc mới, việc khó ở cơ sở nếu không có cán bộ nhiệt huyết, dấn thân sẽ khó hoàn thành. Điều đặc biệt là họ đang ngày càng biến dấn thân thành lẽ sống, lan toả tinh thần cống hiến tới đông đảo cán bộ và người dân.
Những ngày rong ruổi tại cơ sở để tìm kiếm những câu chuyện về gương cán bộ, tôi lạc vào "thế giới" của những nữ cán bộ phường phụ trách lĩnh vực trật tự đô thị. Họ giới thiệu về nhau bằng những danh xưng tếu táo “cán bộ chuyên dẹp chợ” và dù cho được hỏi rất nhiều lần bí kíp để một nữ cán bộ có thể đảm đương lĩnh vực trật tự đô thị - vốn rất khó và phức tạp, thì các chị vẫn chỉ cười hiền “làm nhiều sẽ quen”.
Tôi hiểu rằng, không phải cứ quen là dễ, có những lĩnh vực dù có quen đến đâu vẫn đầy những áp lực và khó khăn phát sinh, nhất là với trật tự đô thị ở Hà Nội.
Trong câu chuyện buổi chiều muộn với chị Nguyễn Thị Anh Thu, Chủ tịch UBND phường Thổ quan và chị Lê Hương Giang, Phó Chủ tịch phụ trách văn xã và trật tự đô thị của UBND phường mới thấy được muôn vàn những khó khăn, bất cập trong công tác này.
Phường Thổ Quan là 1 trong những phường đông dân của quận Đống Đa, có diện tích tự nhiên 0, 3 km2, dân số trên 17 nghìn người chia làm 15 tổ dân phố, 12 khu dân cư. Diện tích nhỏ hẹp, dân số đông, chưa kể tới xây dựng các khu dân cư văn minh sạch đẹp, cải thiện môi trường sống của người dân trong các con ngõ, thì chỉ riêng việc đảm bảo đi lại của người dân được thông thoáng, thuận lợi, công tác phòng cháy, chữa cháy được bảo đảm; vệ sinh môi trường được cải thiện cũng đã là việc khó rồi.
Như bao con ngõ nhỏ của Hà Nội, ngõ Thổ Quan có mật độ tham gia giao thông rất đông, thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng và giờ tan tầm buổi chiều.
Năm 2023, để mở rộng ngõ Thổ Quan, đảm bảo việc đi lại cho người dân được thông thoáng, UBND phường phải vận động hiến đất tại hai số nhà đã sử dụng từ trước năm 1998. Trong đó, số nhà 20B Ngõ Kiến Thiết, chiếm 1/2 ngõ, dự kiến sau khi phá bỏ 3,2m sẽ làm bảng tin cho Khu dân cư, không gian cho cô và trò trường Mầm non Nắng Hồng.
|
Nhà còn lại ở cổng Chợ Thổ Quan cũng đua ra 1/2 đường, diện tích phá bỏ là 12m. Cả 2 địa chỉ trên đều không có sổ đỏ nhưng gia đình đã sử dụng trước 1998, có trong bản đồ địa chính, hiện tại vẫn đang sử dụng.
Để vận động các hộ dân, ngoài tiến hành khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng; làm việc với khu dân cư để năm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, vận động các hộ dân hiến tặng lại phần đất gia đình, Chủ tịch UBND phường Thổ Quan Nguyễn Thị Anh Thu đã xuống địa bàn trực tiếp gặp gỡ, vận động với từng hộ dân. Từ sự công khai minh bạch và giải thích rõ ràng, các hộ dân đã nhận thức được những lợi ích lâu dài cho địa phương.
Chia sẻ với phóng viên, chị Thu cho biết: “Với Nhân dân, mỗi mét đất cho đi là làm 1 việc ý nghĩa cho cả cộng đồng. Chính quyền vận động người dân hiến đất, nói cho cùng là xin bà con nhường lại một phần đất của mình. Nhân dân có đồng thuận với chính quyền, có ủng hộ, có hiến đất thì mới mở được rộng đường. Nhưng đất trung tâm là tấc đất tấc vàng, để người dân thoải mái với suy nghĩ diện tích thu hẹp đi một chút, nhưng đổi lại ngõ Thổ Quan có con đường to rộng, đẹp thênh thang, giúp cho việc đi lại thuận lợi, đặc biệt là xe cứu thương, xe chữa cháy có thể vào dễ dàng thì cần cách làm khéo léo, mềm dẻo, linh hoạt trong hình thức tuyên truyền vận động.
Đối tượng nào, phương pháp ấy” như: Đối với hộ gia đình có đủ điều kiện mà không hưởng ứng thì kiên trì thuyết phục, đối với hộ có hoàn cảnh khó khăn thì tìm cách hỗ trợ giúp đỡ; lấy hộ dễ làm trước, thuyết phục hộ khó làm sau...”
Có muôn vàn khó khăn trong công tác quản lý đô thị, nên dù với phương pháp nào nếu không trách nhiệm, quyết tâm, thì việc khó không thể hoàn thành. Cán bộ nếu ngại va chạm thì việc dễ cũng thành việc khó.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ lâu đã được biết đến là một chiến sĩ phòng chống “giặc lửa” không đeo quân hàm.
Trước khi được điều chuyển về phường Hàng Gai, chị Huyền đã có 12 năm gắn bó với địa bàn phường Hàng Bài, phụ trách toàn diện công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) ở cơ sở. Sinh ra và lớn lên ở phường Đồng Xuân, nên chị Huyền hiểu tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ trong những con ngõ nhỏ của phố cổ. Sự hình dung về mối hiểm họa tiềm ẩn cháy, nổ trong khu dân cư luôn hối thúc chị từng ngày, từng giờ, từng đêm khuya soi đèn cùng lực lượng Công an cơ sở đi từng ngõ, gõ từng nhà để ghi nhận thực tại “trong địa đạo” giữa lòng phố cổ.
Với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với lĩnh vực được giao, chị đã không ngừng nghiên cứu tài liệu và bám sát địa bàn nắm bắt tình hình thực tế tại cơ sở để chủ động tham mưu Đảng ủy, UBND phường ban hành văn bản, nghị quyết lãnh đạo và chỉ đạo. Đặc biệt, các phương án PCCC-CNCH tại 7 tổ dân phố theo đặc điểm khu phố cũ, từng tuyến phố, khu tập thể do chị đề xuất thực hiện đã phát huy hiệu quả tích cực về PCCC. Trong đó điển hình là Mô hình ký kết thi đua “Tổ dân phố đạt chuẩn an toàn PCCC&CNCN”; mô hình “ Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm 4 tại chỗ”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền PCCC tới từng hộ dân trên địa bàn. |
Chị Huyền cho biết, xây dựng mô hình là quá trình không dễ, nhưng để huy động mỗi người dân thấy trách nhiệm của mình trong đó lại càng khó hơn. Chính vì thế công tác tuyên truyền phải đa dạng, bền bỉ và quyết liệt.
Điều đặc biệt là ở mỗi chuyên đề, mô hình chị Huyền luôn thể hiện rõ vai trò đầu tầu, phương pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá và rút kinh nghiệm khép kín, thường xuyên. Mỗi lần như vậy cũng là cách thức đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy.
“Trong mỗi nhiệm vụ cần có thủ lĩnh khơi dậy tinh thần, trách nhiệm, do vậy chúng tôi huy động, lan tỏa từ các Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Đội trưởng, Đội phó dân phòng PCCC hiện sinh sống tại tổ dân phố, ở gần dân, sát dân, họ hiểu rõ đặc điểm tình hình hoạt động của tổ mình. Để từ đó, trực tiếp truyền đạt, thông tin, kinh nghiệm, kiến thức về PCCC&CNCH đến từng người dân”- chị Huyền tâm sự.
Bản thân mình, vào ngày nghỉ chị dành để đến các tuyến phố xem nghề hàn thiếc, nơi bán sơn, điểm kinh doanh hóa chất, có nhiều cơ sở lưu trú, Di tích lịch sử văn hóa... trên địa bàn để xem cần phải làm ngay việc gì trong PCCC. “Để hạn chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, trách nhiệm của chúng tôi là chỉ ra những nguy hiểm, xây dựng biện pháp phòng ngừa, trang bị phương tiện, kiến thức kỹ năng và tuyên truyền liên tục, thường xuyên để mỗi người dân thấy được trách nhiệm của mình, qua đó chung tay vì sức khoẻ, sự an toàn của người dân. Xây dựng thế trận an toàn phòng cháy ở khu dân cư là thay đổi nhận thức để người dân tích cực với phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH ” - chị Huyền cho biết.
Phát huy vai trò của những người có uy tín tại địa phương để thực hiện những nhiệm vụ khó là một “bí quyết” của hệ thống Mặt trận. Thực tế phương thức này luôn đem lại hiệu quả nhanh chóng, nhờ tính nêu gương, tinh thần không sợ khó, sợ khổ của những cán bộ cơ sở - đồng thời là người có “tiếng nói” ở địa phương.
Câu chuyện của ông Nguyễn Hữu Bằng, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu dân cư số 3, phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) là một minh chứng. Bằng sự tâm huyết, trách nhiệm, ông Nguyễn Hữu Bằng đã góp phần làm thay đổi thói quen của người dân trong đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng khu phố văn minh.
Tại ngõ 9, phố Đào Tấn thuộc địa bàn Khu dân cư số 3 từng tồn tại điểm tập kết rác tự phát suốt 20 năm. Trên vỉa hè khu đất trống duy nhất trong con ngõ, rác thải phế liệu, rác thải sinh hoạt theo thói quen nhiều năm của người dân dồn thành đống ngày này qua ngày khác.
Nhận thấy tồn tại này đang làm xấu đi hình ảnh phường Đội Cấn văn minh, hiện đại, chính quyền địa phương đã phối hợp với MTTQ, đoàn thể khu dân cư đã tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng Nhân dân đổ rác vào đúng nơi quy định. Dù vậy, việc thay đổi thói quen đã tồn tại suốt 20 năm là việc không mấy dễ dàng.
Năm 2023, ông Nguyễn Hữu Bằng, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu dân cư số 3, phường Ngọc Khánh đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng biến điểm rác thành sân thể thao phục vụ lợi ích cho cộng đồng cư dân.
Sau khi có văn bản của UBND phường cho ý kiến về chủ trương trên, ông Bằng đã trực tiếp tới vận động từng hộ dân và cơ sở kinh doanh và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ xã hội hóa từ các hộ. Tiếp đó các đảng viên, người dân cũng trực tiếp được mời lên nhà máy chọn dụng cụ và báo giá.
Một mặt, tổ dân phố, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên nhanh chóng ra quân thu dọn điểm tập kết rác. Bản thân ông Bằng cũng trực tiếp sắn tay áo đẩy từng xe rác, chung tay dọn dẹp “mặt bằng” trước khi lắp đặt thiết bị tập thể dục tại đây.
Bằng sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể, chỉ trong 1 tháng, điểm tập kết rác ô nhiễm đã được xóa bỏ, trở thành sân tập thể thao ngoài trời cho người dân, thu hút đông đảo người dân trong khu dân cư tham gia, thậm chí người dân các khu dân cư lân cận cũng tìm tới, xếp hàng chờ được tập thể dục.
| | ||
Điểm thu gom rác tại cổng trụ sở Quận ủy - HĐND - UBND quận Đống Đa - số 59 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. |
“Không phải không ai nghĩ ra phương án này nhưng không ai dám làm vì sợ người dân không đồng thuận và ngại va chạm. Chủ trương đúng đắn cũng phải cần cách tiếp cận phù hợp thì mới tạo được chuyển biến về nhận thức và hành vi của người dân. Quan trọng là điều đó phải có lợi cho dân”, ông Bằng chia sẻ.
Sau thành công của sân thể thao ngoài trời, ông Bằng hiện đang ấp ủ xây bồn hoa, lắp thêm máy tập tại những khu đất trống trong khu dân cư. Ngoài “ra tay” xử lý những vấn đề khó trên địa bàn, ông Bằng luôn tích cực vận động người dân tham gia vệ sinh môi trường, vẽ tranh bích họa “xanh hóa” khu dân cư, phòng chống sốt xuất huyết, xây dựng các quỹ khuyến học cho con em trên địa bàn...
Trước khi về hưu, ông Bằng từng công tác tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô. Sau một thời gian nghỉ ngơi vui vầy cùng con cháu, ông được tin tưởng động viên tham gia công tác tại địa phương với vai trò là Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu dân cư số 3. Bí quyết để tập hợp, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, theo ông Nguyễn Hữu Bằng, đó là từ người cán bộ cơ sở. Người cán bộ ở cương vị nào cũng cần trách nhiệm, lăn xả trong mọi nhiệm vụ.
“Khi tôi tự tay đẩy từng xe rác, con trai tôi thắc mắc, sao bố là Bí thư Chi bộ mà lại phải trực tiếp làm việc này. Tôi bảo rằng mình là người đứng đầu cơ sở mà không làm, thì ai còn nghe mình nói” - ông Bằng chia sẻ.
(Còn nữa)
|
Thực hiện: Hạnh Nguyên - Phạm Mạnh |