eMag azine
13/11/2024 06:00
Bài 3: Nỗi day dứt khôn nguôi ở vùng biên Pá Khoang

13/11/2024 06:00

TTTĐ - Dù biết nơi vùng biên khó khăn nhưng là nhân viên đội Vận động quần chúng, nên anh luôn đau đáu muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp người dân Pá Khoang thay đổi hủ tục và phát triển.
Bài 3: Nỗi day dứt khôn nguôi ở vùng biên Pá Khoang

"Thắp sáng" miền biên viễn

Bài 3: Nỗi day dứt khôn nguôi ở Pá Khoang

Dù biết nơi vùng biên khó khăn nhưng là nhân viên đội Vận động quần chúng, nên Đại uý Lò Văn Thoại luôn khôn nguôi, đau đáu muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp người dân Pá Khoang thay đổi hủ tục và phát triển.

Từ năm 2019 đến nay, anh Lò Văn Thoại tham gia vào công tác xoá mù chữ ở nhiều bản vùng cao tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào, anh đã giúp người dân ở đây từng bước nhận biết được chữ, số; sử dụng điện thoại…

Thắm thiết tình quân dân

Anh Lò Văn Thoại, sinh năm 1981, là Đại uý Quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên Đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La.

Là người dân tộc Lào, sinh ra và lớn lên tại bản Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, anh thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của người dân địa phương. Chính điều đó đã thôi thúc anh cố gắng nỗ lực để vươn tới tương lai tươi sáng.

Đại uý Lò Văn Thoại kể, đầu năm 2022, thực hiện quyết định điều động của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, anh được về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Nậm Lạnh - đơn vị quản lý tại xã Nậm Lạnh và Mường Và. Đây cũng là hai xã rất xa, đường xá đi lại vô cùng khó khăn. Người dân địa phương trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển, đặc biệt là các bản giáp biên giới.

Dù biết nơi vùng biên khó khăn nhưng là nhân viên đội Vận động quần chúng, nên anh luôn đau đáu muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp người dân thay đổi hủ tục và phát triển.

Bài 3: Nỗi day dứt khôn nguôi ở vùng biên Pá Khoang

Thầy giáo Lò Văn Thoại tận tâm hướng dẫn đồng bào học từng con chữ

“Năm 2022, trong một lần công tác tại xã Mường Và, khi đi đến bản Pá Khoang - cách trung tâm xã khoảng 20km, chúng tôi chỉ nghĩ chắc đi khoảng 40 - 50 phút sẽ tới bản nhưng rồi lội qua suối, vượt qua đèo hơn hai tiếng đồng hồ, trong điều kiện thời tiết nắng, mới lên tới nơi. Nếu trời đổ mưa thì có thể nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Ở Pá Khoang 2 ngày, chúng tôi nhận thấy nơi đây còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đường xá, đi lại; về kinh tế, văn hóa, xã hội; tình trạng tái mù chữ và mù chữ; tảo hôn liên tục diễn ra”, anh Thoại chia sẻ.

Tình trạng đó đã khiến người lính trẻ luôn băn khoăn, day dứt khôn nguôi - làm thế nào giúp được bà con nơi đây biết đọc chữ, biết viết tên của họ, biết đọc báo, biết phương pháp làm kinh tế hộ gia đình, áp dụng tiến bộ khoa học vào lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Điều đầu tiên anh nghĩ, trước hết bà con phải biết chữ thì mới làm được việc khác, mới thoát được nghèo đói. Như thế nên anh Thoại đã phối hợp với cấp ủy, cán bộ ở bản rà soát, lập danh sách các trường hợp tái mù chữ và mù chữ, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp để mở lớp xóa mù chữ tại bản Pá Khoang. Từ đó, anh được cấp ủy, chỉ huy đơn vị phân công trực tiếp giảng dạy đồng bào.

Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc

Lúc đầu, công tác vận động học viên đến lớp của Đại uý Thoại cũng gặp không ít khó khăn, vì nhiều người ở đây là lao động chính trong nhà. Ban ngày, họ phải đi làm nương, nên lớp học phải mở vào buổi tối. Tuy nhiên, sau nhiều lần tuyên truyền vận động, từ lớp có 7 - 8 học viên vào một số buổi đầu, đến nay đã có 24 người tham gia với độ tuổi từ 14 - 45.

Thầy giáo

Mỗi buổi tối, lớp dạy học xoá mù chữ cho đồng bào vùng biên giới lại sáng đèn

“Những buổi đầu tiên lên lớp, tôi cũng gặp không ít khó khăn vì học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ già tới trẻ, ai cũng lâu rồi không cầm bút. Vì vậy, đôi khi, tôi phải cầm tay học viên viết những nét chữ ê, a... đặc biệt là học ghép chữ, ghép vần... nhưng với phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, tôi không quản ngại khó khăn; tích cực nghiên cứu tài liệu, phương pháp giảng dạy phù hợp”, Đại uý Thoại chia sẻ.

Thế rồi, không phụ công miệt mài của người thầy quân hàm xanh, các học viên từ không biết chữ, số, điện thoại, sau hơn 5 tháng đi học, đã có thể tự đọc, viết, lưu tên người thân trên điện thoại và ngày càng thích đến lớp.

Các học viên của anh Thoại đã nhận thức được việc học chữ không chỉ giúp họ đọc hiểu sách, mà còn giúp ích rất nhiều trong cuộc sống thường ngày như: Quan tâm đến việc học tập, chăm sóc sức khỏe cho con cái, biết chăn nuôi làm kinh tế và tự tin hơn khi giao tiếp...

Cũng từ đó, Đại uý Lò Văn Thoại rất cảm động khi được bà con Nhân dân bản Pá Khoang gọi với cái tên trìu mến “Thầy giáo Thoại” hay “Thầy giáo quân hàm xanh”. Những tình cảm ấy càng tiếp thêm động lực cho anh trong giảng dạy cũng như hướng dẫn học viên và Nhân dân làm ăn, phát triển kinh tế.

Bài 3: Nỗi day dứt khôn nguôi ở vùng biên Pá Khoang

Thầy và trò chăm chỉ miệt mài bên ánh đèn trong đêm để tìm cái chữ

Trong mỗi buổi học, làm việc cùng Nhân dân, anh thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền việc chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, an ninh - quốc phòng, để Nhân dân biết được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử xấu thường lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương.

“Tôi luôn mong muốn, các học viên sau khi hoàn thành khóa học sẽ biết vận dụng kỹ năng, phương pháp phát triển kinh tế hộ gia đình, quan tâm nhiều hơn đến việc học tập, chăm sóc sức khỏe cho con cái, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống sẽ không còn xảy ra, góp phần cùng địa phương xây dựng quê hương, bản làng ngày càng giàu đẹp; tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, Đại uý Thoại bày tỏ.

Với những đóng góp tích cực của Đại uý Lò Văn Thoại cho sự nghiệp giáo dục và công tác vận động quần chúng, anh được nhận nhiều giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; Hội Khuyến học tỉnh Sơn La và đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến của Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La.

Anh cũng là một trong những tấm gương thầy cô giáo tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Bài viết liên quan:

Bài 1: Lớp học tình thương ở biên giới Việt Nam - Campuchia Bài 2: Cái chữ có đổi được xe máy, đổi được gạo không?

Bài viết: Lê Dung

Trình bày: Bình Minh

Lê Dung