Bài 3: Sẻ chia, giúp đỡ cùng vượt qua dịch Covid-19
Người Hà Nội sẻ chia, động viên nhau cùng vượt qua dịch Covid-19
Bài liên quan
Bài 1: Loại bỏ đáng kể những thói quen xấu của người Hà Nội
Nền kinh tế thế giới sẽ có nhiều thay đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh
Bác sĩ Raphael Kot khẳng định không tham gia tư vấn chống dịch Covid-19 ở Việt Nam
Giới trẻ rộ trào lưu làm nước rửa tay chống dịch Covid-19
Covid-19 tiếp tục lan rộng 76 quốc gia, Hàn Quốc có 4335 ca mắc bệnh
Nhân văn mà giản dị
Mỗi ngày cuối tuần, chị Huyền (ở Hà Đông, Hà Nội) đều nín thở chờ xem các con có nghỉ học tiếp hay không. Thông tin cập nhật chi tiết trên báo chí, các phương tiện truyền thông cho thấy tình hình dịch bệnh còn hết sức phức tạp. Trong trường hợp nhà trường đã mở cửa đón trẻ trở lại chưa chắc chị Huyền đã dám cho con đi học.
Còn để con ở nhà thì thực sự là một vấn đề nan giải khiến chị Huyền đau đầu tính toán. Hai đứa con chị, một đứa học lớp hai, một đứa bốn tuổi. Chồng chị làm nhân viên thị trường của một nhãn hàng, dãi dầu trên đường từ sáng sớm đến tối muộn mới đủ doanh số. Chị là nhân viên phòng hành chính một công ty tư nhân, thời gian cũng eo hẹp không kém.
Trong khi đó, ông bà nội ngoại hai bên đều đã già yếu. Anh chị em nhà chị cũng đều bận rộn, không thể gửi con về lâu như thế. Suốt từ Tết Nguyên đán đến nay, khi học sinh, sinh viên nghỉ phòng chống dịch chị đã phải tìm mọi cách khắc phục.
Thi thoảng lắm chồng chị mới cho đứa lớn cùng đi làm, còn lại hai anh em đều phải tự trông nhau. Cơm nước chị cắm sẵn, trưa hai đứa tự ăn, tự ngủ. Trong căn phòng đi thuê có gác xép, chật hẹp, đồ đạc nhiều, chị Huyền cứ lo thon thót. Chẳng may các con nghịch điện, hai đứa trêu đùa nhau mà ngã cầu thang…
May sao, từ hai tuần nay, bà Hồng hàng xóm thấy có những trưa con bé út nhà chị khóc ra rả anh không tài nào dỗ nổi thì thương quá, bảo mang cả hai đứa sang bà trông hộ. Ban đầu chị cũng ngại sợ các con bà Hồng phản đối vì sợ lây lan bệnh dịch nhưng bất ngờ là họ cũng rất thông cảm với hoàn cảnh của chị.
“Để con ở nhà nhỡ nó thế nào thì ân hận cả đời. Sang chơi bên này với mấy đứa nhà cô, thêm đông thêm vui, chúng nó tự giác bảo nhau lại ngoan hơn ấy”, bà Hồng động viên chị Huyền. Chị chỉ biết rớt nước mắt vì xúc động.
Xóm nhà bà Thuần (ở Hoàng Mai, Hà Nội) mấy tuần nay cũng nhộn nhịp bởi trẻ nhỏ. Ngoài những đứa “sơ tán” về quê, một số gia đình có người trông, giữ trẻ trong nhà nên xóm vắng vẻ hơn thường ngày.
Cháu bà Thuần hiếu động, không chịu ngồi yên, cứ chạy túa ra ngõ, gặp ngay mấy bạn khác bố mẹ bận đi làm cũng thả ra ngõ tự trông nhau nên bày đủ trò. Hết chơi đồ hàng chỗ sân gạch thoáng, rộng đầy nắng gió lại kéo nhau rầm rập về nhà một bạn để “cắm trại”.
Bà Thuần sức còn dẻo dai, vừa tranh thủ đi bộ nâng cao sức khỏe vừa trông luôn mấy đứa nhỏ nhà hàng xóm. Có khi đến bữa bà nấu cơm cho gần chục cháu ăn rồi gọi điện thông báo để bố mẹ chúng yên tâm đi làm.
Giống như những ngày Hà Nội thời chiến cách đây mấy chục năm, dù trường học có đóng cửa nhưng các hoạt động sản xuất, lao động khác vẫn diễn ra bình thường. Có xảy ra bệnh dịch như thế này mới thấy, ở đâu đó có một vài người chỉ cần “đèn nhà ai nhà nấy rạng” nhưng truyền thống “hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau” vẫn đong đầy trong từng khu phố, ngõ xóm Hà Nội.
“Nếu không có chị Nhung trông con hộ, tôi chỉ còn biết xin nghỉ không lương để ở nhà với bọn trẻ thôi”, chị Ngọc (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự. Chị Ngọc kể, chị Nhung hàng xóm nhà chị làm nghề may mặc tại nhà. Hai con chị Ngọc mới lên sáu và ba tuổi, chỉ cần ngồi chơi với con chị Nhung, có người để mắt, có người cho ăn thế là tốt lắm rồi.
Điều đặc biệt, hầu hết mọi người đều tự giác, tự nguyện giúp đỡ nhau. Bà Hồng, bà Thuần không lấy tiền công của những nhà gửi con. Chị Nhung cũng chỉ bảo chị Ngọc góp chút đồ ăn cho các con chứ không nhận thêm bất cứ khoản tiền nào khác.
Sự tương trợ lẫn nhau của các gia đình với nhau cho thấy lòng nhân văn sâu sắc mà người Hà Nội đã thể hiện nhằm san sẻ bớt gánh nặng, làm giảm bớt nỗi lo và áp lực trong khi bệnh dịch đe dọa toàn cầu.
Không giống như các miền quê, Hà Nội là nơi người tứ xứ đổ về, đa phần đều không có người ruột thịt để nương tựa. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” là vì thế. Những lúc như thế này, nương tựa vào nhau không chỉ làm công tác phòng chống dịch được hiệu quả hơn mà còn khiến mỗi người vững tin vào cộng đồng, có thêm động lực để vượt qua ngày tháng khó khăn này.
Đoàn kết đuổi dịch
Nếu những việc như trông trẻ nhỏ, đi chợ mua thức ăn, chăm sóc người ốm đau giúp nhau xảy ra trong một ngõ xóm, khu chung cư, từng tổ dân phố thì hoạt động vì cộng đồng đã lan tỏa khắp cả thành phố. Có thể nói, sau những năm tháng chiến tranh gian khổ, đến bây giờ người Hà Nội mới lại quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia với nhau trên phạm vi rộng như thế này.
Ngay từ những ngày đầu sau Tết Nguyên đán, chị Hải Yến cùng nhóm bạn của mình đã đi kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân chung tay góp sức mua khẩu trang, xà phòng diệt khuẩn để phát miễn phí tới người dân. Hiểu được nỗi lo lắng của nhân dân và sự cần thiết của những phương tiện phòng, chống dịch, những ai có điều kiện đều hăng hái tham gia.
Chị Yến cho biết, tính riêng trong ngày 15/2, tại trường Tiểu học Tân Mai, chợ Trương Định, bến xe Giáp Bát... UBND quận Hoàng Mai ra quân kết hợp cùng với các đơn vị phát gần 20 ngàn chiếc khẩu trang tới người dân trên địa bàn phường Tân Mai.
Chị Hải Yến và nhóm bạn tổ chức những buổi phát khẩu trang miễn phí để phòng chống dịch Covid-19 và được đông đảo mọi người ủng hộ |
Trước đó, chị cùng bạn bè cũng đã phát khẩu trang miễn phí tại nhiều điểm của Hà Nội như trường học, các chợ dân sinh… Mệt nhưng vì làm được việc tốt nên ai nấy đều vui, chị Yến nói. Cả hai vợ chồng chị đều tích cực làm công việc này đến mức phát hết sạch, đến khi chồng chị phải vào bệnh viện khám thì… trong nhà không còn chiếc khẩu trang nào.
Điều đó cho thấy sự vô tư, mong muốn mang đến mọi người chút sẻ chia, động viên và cung cấp cho họ các phương tiện để giảm nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong lúc những thứ này đang khan hiếm.
Còn rất nhiều nhóm như của chị Hải Yến, được báo chí đưa tin hoặc âm thầm làm việc tử tế và nhân văn này. Có thể kể đến nhóm bạn của chị Mai Liên (công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam). Họ là người sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Phúc hoặc bạn bè của người Vĩnh Phúc.
Chị Mai Liên và nhóm bạn gửi đến quê hương mình những phương tiện để chống dịch Covid-19 |
Khi xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) bắt đầu cách ly, trong vòng một ngày, cả nhóm mua 500 chai nước sát khuẩn tặng hai trường cấp 3 (THPT Bến Tre và THPT Xuân Hòa); cùng 50 chai gửi tặng những gia đình trong nhóm đang ở Phúc Yên. Cùng với lời động viên gửi gắm “Vĩnh Phúc cố lên”, họ đã cho thấy, dù đã sống và làm việc tại Hà Nội nhưng họ không quên nơi sinh ra, lớn lên.
Việc làm này cũng thể hiện tình cảm của người Hà Nội hướng về nơi có nhiều người nhiễm virus Corona nhất ở Việt Nam, động viên và ngăn chặn virus có thể lây lan ra cộng đồng.
Tất cả những hoạt động trên chính là những việc làm cụ thể, biến nỗi lo lắng, yêu thương, động viên của những người trong cuộc để cùng động viên, chung tay, đoàn kết cùng với chính quyền, cơ quan chức năng trong “cuộc chiến” cam go này.
(Còn nữa)