Xây dựng và bảo vệ nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong kỷ nguyên số đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi song cũng đầy thách thức. Làm thế nào để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại 4.0 không còn là câu chuyện của riêng ai, trong đó thế hệ trẻ có vai trò và trách nhiệm rất lớn. Nhận thức được điều đó, thời gian qua, tuổi trẻ Thủ đô đã có nhiều công trình, phần việc thiết thực.
Văn hóa là những giá trị, truyền thống và lịch sử đã hình thành nên hồn cốt dân tộc, bản sắc riêng của mỗi quốc gia. Văn hóa cũng chính là tấm "hộ chiếu" để khẳng định gương mặt, hình ảnh, bản lĩnh của một quốc gia trên đường hội nhập với thế giới. Công cuộc chấn hưng văn hóa luôn phải được bắt đầu từ yếu tố trung tâm là con người, trong đó nhấn mạnh là thế hệ trẻ, bởi họ là những người sung sức nhất trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, hành vi của họ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hành vi văn hóa của cộng đồng.
Trong kỷ nguyên số, vai trò của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và chấn hưng văn hóa không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một trách nhiệm thiêng liêng. Thanh niên chính là cầu nối văn hóa giữa quá khứ và tương lai. Với tình yêu và sự sáng tạo không ngừng, thanh niên Việt đang từng bước thực hiện nhiệm vụ biến di sản văn hóa thành nguồn cảm hứng; đánh thức sức sống, sự độc đáo của văn hóa dân tộc trong thế giới số hóa.
Biển hiệụ công trình thanh niên có gắn QR code để du khách quét mã truy cập thông tin. |
Dựa trên những ứng dụng của công nghệ số, với sự sáng tạo và động lực lớn, thanh niên Việt có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa số độc đáo.
Tuy nhiên, trong môi trường số hóa, sự tiếp cận rộng rãi của văn hóa quốc tế thông qua phương tiện truyền thông và mạng xã hội có thể làm mất đi sự tập trung vào văn hóa dân tộc. Một số thanh niên có thể mất đi sự kết nối với văn hóa truyền thống. Sự thiếu hiểu biết và tự hào về văn hóa dân tộc cũng có thể là một thách thức lớn đối với tầng lớp thanh niên. Vì thế, vấn đề bảo vệ văn hoá tư tưởng trên không gian mạng sẽ là một bài toán khó đối với giới trẻ hiện nay.
Theo báo cáo của Datareportal vào quý I năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng Internet, trong đó tỷ lệ truy cập ở mức 79,1%. Trong số những người dùng internet là giới trẻ, có tới 94% là sinh viên, trí thức trẻ. Nền tảng được dùng nhiều nhất là Facebook và Youtube.
Với số lượng người sử dụng mạng xã hội nhiều như vậy thì “rác” trên không gian mạng đang là rào cản không dễ vượt qua trong công cuộc chấn hưng văn hóa.
Anh Nguyễn Việt Phú - Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây cho rằng, với tốc độ phát triển và lan truyền chóng mặt của Internet, nếu thanh niên không nhận thức đúng đắn sẽ để lại những hậu quả khó lường, đặc biệt là những phát ngôn, bình luận trên môi trường mạng. Vì vậy, chúng ta cần coi mỗi thanh niên là một “sứ giả” văn hóa và đặc biệt chú trọng việc đào tạo nâng cao trình độ, khơi dậy tình yêu mãnh liệt về văn hóa lịch sử dân tộc.
“Đối với sứ mệnh “chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số”, Ban Chấp hành Đoàn trường thường xuyên tuyên truyền, triển khai tới các chi đoàn. Bên cạnh đó, Đoàn trường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, qua đó thúc đẩy tình yêu với văn hóa dân tộc cho đoàn viên, thanh niên như Hội chợ quê, các hoạt động thể thao, nhảy dân vũ, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho sinh viên”, anh Phú cho biết.
Các di sản văn hóa được bảo tồn và tái hiện bằng các công nghệ kỹ thuật số như 3D, VR, AR... giúp cho người xem có những trải nghiệm mới mẻ và sinh động. Tuổi trẻ Hà Nội đã và đang tận dụng những lợi thế đó của công nghệ số để truyền tải thông điệp nhằm xây dựng, bảo vệ, gìn giữ văn hóa dân tộc.
Là địa phương có lực lượng thanh niên hùng hậu, tập trung ở các cơ sở giáo dục, các đơn vị hành chính, doanh nghiệp, tổ chức…, Thành đoàn Hà Nội luôn thể hiện vai trò tiên phong trong cả nước triển khai các hoạt động tuyên truyền và hiện thực hóa các nhiệm vụ của thanh niên trong công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc.
Số hóa địa chỉ đỏ - Hành trình lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa. |
Bên cạnh việc tổ chức nhiều diễn đàn, tạo sân chơi cũng như môi trường để thanh niên Thủ đô hiểu về vai trò sứ mệnh của mình trong gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, Thành đoàn Hà Nội còn triển khai các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ số nhằm quảng bá và gìn giữ văn hóa dân tộc.
Các cấp Đoàn thành phố Hà Nội tích cực tham gia triển khai số hoá các di tích lịch sử cách mạng. Thông qua việc số hóa các dữ liệu lịch sử đã giúp việc quảng bá văn hóa truyền thống của Thủ đô đến với nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, để lan toả hơn, Thành đoàn Hà Nội có kế hoạch, phối hợp cùng với các trường THCS, THPT đưa sản phẩm đã được số hóa vào bài giảng. Qua đó, khi giáo viên giảng về di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn thành phố, học sinh có thể quét mã QR để vào tham quan 360 độ, di chuyển theo sơ đồ thực tế, có thuyết minh song ngữ…
Triển khai các chỉ đạo của Thành đoàn Hà Nội, Tuổi trẻ quận Tây Hồ đã triển khai công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch Tây Hồ”. Qua đó đã tiến hành số hóa các thông tin của 39 di tích lịch sử đã được xếp hạng, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của quận Tây Hồ; thực hiện cấp mã QR code, tổ chức lắp đặt các điểm quét mã QR code tại 39 di tích để phục vụ khách du lịch tìm hiểu thông qua các thiết bị thông minh.
Quận đoàn Tây Hồ cũng đã triển khai công trình thanh niên: “Mã hoá dữ liệu địa chỉ đỏ trên địa bàn”. Thông qua việc sử dụng công nghệ VR360 để số hoá các địa chỉ đỏ, tạo thành những tour tham quan thực tế ảo, mô phỏng lại toàn thể không gian bên ngoài và trong di tích lịch sử. Đây là cách làm hay và sáng tạo về ứng dụng công nghệ số cần được nhân rộng trong việc bảo tồn văn hoá truyền thống.
Từ công trình trên cho thấy hiệu quả từ việc thanh niên "bản địa số" dựa vào sự nhạy bén, linh hoạt trong ứng dụng công nghệ thông tin để sáng tạo nội dung trực quan, âm nhạc, phim ảnh, video, blog… và các ứng dụng số để thể hiện giá trị văn hóa dân tộc.
Dự án Mã hóa dữ liệu địa chỉ đỏ trên địa bàn TP Hà Nội.
Mỗi thanh niên là một “sứ giả” văn hóa trong hành trình chấn hưng văn hoá ở kỷ nguyên số hiện nay. Những “sứ giả” ấy đang ngày ngày lấy cái đẹp dẹp cái xấu, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đơn cử, tại Quận đoàn Ba Đình, thời gian qua đã tích cực triển khai cuộc vận động “Tuổi trẻ Ba Đình ứng xử văn minh trên không gian mạng” với các tiêu chí, quy tắc ứng xử cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi khi tham gia mạng xã hội, các kỹ năng nhận biết các thông tin xấu, độc, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” tại các cơ sở Đoàn - Hội - Đội trực thuộc…
Theo Bí thư Quận đoàn Ba Đình Nguyễn Thị Thanh Phượng, Đoàn thanh niên từ quận tới cơ sở đã nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai các hoạt động tuyên truyền, thông qua việc triển khai các trang mạng xã hội của tổ chức Đoàn quận tới cơ sở. Thông tin tuyên truyền được truyền tải dưới dạng bài viết, infographic, video… dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của đoàn viên, thanh niên.
Muốn bảo vệ nền tảng tư tưởng vững chắc, phản bác các luận điều sai trái trên không gian mạng thì giới trẻ cần phải tự trang bị cho bản thân những “tấm khiên” vững chắc về tư tưởng, đạo đức. Muốn vậy, họ cần phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ nhận thức. Vì thế, việc phát triển văn hóa đọc sẽ tạo ra sức mạnh nội sinh cho giới trẻ, để họ đủ khả năng phân biệt và chọn lọc tiếp nhận những thông tin đúng đắn trên không gian mạng.
Trong bài phát biểu khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chấn hưng văn hóa đọc cũng là chấn hưng cái gốc của một dân tộc, thúc đẩy văn hóa đọc chính là tạo ra sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển đất nước. Mỗi người tạo thói quen đọc sách sẽ góp phần chấn hưng văn hóa của cả quốc gia.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn mọi tầng lớp trong xã hội đều cần đọc sách: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024, hàng trăm người dân đã đến thăm hội sách ở Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) để chọn cho mình những đầu sách bổ ích.
Trên cả những phong trào phát động, đọc sách là một thói quen được hình thành bởi sự ảnh hưởng trong môi trường gia đình và nhà trường.
Trước sự phát triển như vũ bão về văn hóa nghe nhìn, mạng xã hội và các hình thức giải trí nhanh gọn, sự định hướng, quan tâm của gia đình, nhà trường và các tổ chức Đoàn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc thúc đẩy văn hóa đọc của thanh thiếu niên.
Thư viện sách thân thiện của Đoàn Thanh niên - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam xã Tân Triều (huyện Thanh Trì). |
Hiểu được điều đó, nhiều cơ sở Đoàn trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai nhiều công trình phần việc thiết thực. Đơn cử, Đoàn thanh niên xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã triển khai công trình “Thư viện sách thân thiện”.
Công trình có diện tích xây dựng khoảng 30m2 với kinh phí trên 60 triệu đồng. Trước đây, vị trí này là bờ ao, đầm lầy, người dân sử dụng để vật liệu xây dựng, kinh doanh, bán hàng gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… Vì vậy Đoàn thanh niên kết hợp cùng các đơn vị tại xã đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia xã hội hóa kinh phí và ngày công để thực hiện công trình thư viện sách.
Sau hơn 2 tháng thi công, ngày 8/5, công trình đã đi vào hoạt động với 4 tủ đựng sách, 1.600 đầu sách ở nhiều lĩnh vực: Tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam, khoa học công nghệ, kỹ năng, pháp luật, sách thiếu nhi, truyện tranh… và 10 bộ bàn ghế phục vụ đọc sách.
Đồng chí Bùi Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì mong muốn mô hình “Thư viện sách thân thiện” sẽ được nhân rộng trên địa bàn xã, qua đó lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến với đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn, góp phần chung sức cùng hệ thống chính trị hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã thành phường trong thời gian tới…
Có thể thấy, trong kỷ nguyên số với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, thanh niên Việt Nam đang hòa mình vào dòng chảy đó song cũng không quên nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ và chấn hưng văn hóa dân tộc. Mỗi bạn trẻ hiện đã và đang tìm hiểu, học hỏi những văn hoá truyền thống, tích cực vận dụng tham gia các hoạt động đoàn thể để quảng bá văn hoá địa phương. Bên cạnh đó, họ không ngừng học tập, vận dụng tốt nhất những lợi thế mà công nghệ thông tin mang lại, thực hiện tốt ứng xử văn hoá và có trách nhiệm trên môi trường số… để dòng chảy công nghệ số không bào mòn giá trị văn hóa dân tộc trong mỗi cá nhân, từ đó lan tỏa tới mọi người dân trong cộng đồng, xã hội, góp phần xây dựng, gìn giữ, bảo vệ và chấn hưng văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên số.
(còn nữa)
|
Bài viết: Diệu Linh Trình bày: Phạm Mạnh |