Bài 3: Xây dựng Đoàn vững mạnh từ cơ sở
Bài 1: Cái khó bó cái khôn Bài 2: Những thủ lĩnh dám đi vào “tâm bão” |
Coi tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp là khách hàng
Dành tâm huyết cho công tác Đoàn nên thời gian công tác chưa quá nhiều nhưng chị Ngô Thị Liên, Bí thư Đoàn Thanh niên các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã có cái nhìn sâu sắc về phong trào thanh niên ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Theo chị Liên, việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, chế xuất còn nhiều khó khăn bởi: Doanh nghiệp chưa tạo đièu kiện cho thành lập Đoàn.
Tuy nhiên lý do chủ quan là do Đoàn chưa thực sự thể hiện dược vai trò đối với doanh nghiệp. Vì thế, chủ doanh nghiệp chưa thấy được việc có tổ chức Đoàn Thanh niên tại công ty là cần thiết. Vì thế, việc đầu tiên cần làm là phải đẩy mạnh tuyên truyền vai trò của Đoàn tại doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có nhiều hoạt động của Đoàn mang lợi ích về cho công nhân, doanh nghiệp như chăm lo cho đời sống công nhân.
Chị Ngô Thị Liên |
Bản thân chị Liên trăn trở tìm câu trả lời cho câu hỏi: Làm sao để lãnh đạo doanh nghiệp thấy được vai trò của tổ chức Đoàn tạo môi trường gắn kết, cùng làm, cùng vui chơi và thi đua lao động sản xuất? Làm sao để thanh niên công nhân nhận thức được tham gia tổ chức Đoàn sẽ được tương trợ, học hỏi… để lãnh đạo ghi nhận và trưởng thành? Phải làm sao chứng minh được tính hiệu quả, vai trò của Đoàn tại doanh nghiệp bằng chính các đơn vị đã có tổ chức Đoàn để tạo tính lan tỏa?...
Chị sử dụng lối tư duy mới: Coi các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và chế xuất là khách hàng tiềm năng; Coi Đoàn cơ sở là các khách hàng thân thiết của mình. Vì đã là khách hàng thì phải quan tâm, chăm sóc, nâng niu và luôn luôn sợ mất. Chị coi đoàn viên là chiến hữu, là anh chị em, bạn bè vì thế không dùng phong cách cấp trên - cấp dưới mà là đồng chí, anh em, luôn nỗ lực cùng làm và yêu thương nhau vô điều kiện.
“Tôi tự đặt mình vào vị trí một người làm kinh doanh. Kinh doanh chính thương hiệu của Đoàn Khu công nghiệp và chế xuất mà hiệu quả không tính bằng tiền hay hiện vật. Hiệu quả được tính bằng số lượng tổ chức Đoàn tại doanh nghiệp ngày càng tăng. Hiệu quả được tính bằng khả năng thu hút tập hợp để ngày càng có nhiều thanh niên công nhân yêu thích các hoạt động của Đoàn”, chị Liên cho biết.
Ngoài “chăm sóc”, duy trì tốt tổ chức Đoàn đã được thành lập tại các đơn vị, chị luôn nỗ lực vận động, thành lập thêm các cơ sở Đoàn mới. Đặc biệt, chị chủ động tham mưu về cơ chế, chính sách, kết nối các nguồn lực chăm lo cho thanh niên công nhân. Vì thế, số lượng tổ chức Đoàn được thành lập tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chế xuất ngày càng tăng.
Xây dựng đội ngũ cán bộ “chuẩn” ngay từ chi đoàn
Tình trạng “trắng Đoàn” không chỉ có ở các khu công nghiệp, chế xuất mà ngay tại địa bàn dân cư cũng có nơi xảy ra tình trạng này. Nguyên nhân dân do đoàn viên, thanh niên đi học, đi làm xa, các hoạt động của Đoàn chưa hấp dẫn…
Chị Hoàng Thị Yến |
Theo chị Hoàng Thị Yến, Bí thư Đoàn xã Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội), để không xảy ra tình trạng “trắng Đoàn” phải thường xuyên thay đổi cách hoạt động, đặc biệt là cấp cơ sở. “Cấp trên nên quan tâm trực tiếp, sao sát với cơ sở chứ không phải làm chiếu lệ, qua loa để cho có phong trào. Đối với cấp cơ sở thường xuyên trực tiếp gặp gỡ trao đổi với đoàn viên, thanh niên để nắm bắt tâm tư của họ”, chị Yến chia sẻ.
Tuy nhiên, theo chị Yến muốn làm được điều này phải xây dựng đội ngũ cán bộ chuẩn từ chi đoàn. Đó phải là những người thực sự tâm huyết với Đoàn. Bạn trẻ nào có khả năng, nhiệt huyết phải được thường xuyên động viên, bồi dưỡng, dẫn dắt. Quan trọng hơn, muốn thanh niên gắn kết, tích cực tham gia hoạt động Đoàn, người thủ lĩnh phải có tư duy sáng tạo, xây dựng được các phong trào, hoạt động hấp dẫn, bắt kịp được với tâm lý thanh niên.
Mặt khác, đời sống của cán bộ Đoàn phải được đảm bảo nên cấp trên cần quan tâm hơn đến việc tăng kinh phí, phụ cấp.
“Một tín hiệu đáng mừng là rất nhiều phụ huynh họ đã gọi điện trực tiếp mình để xin cho con em mình tham gia đoàn. Vì họ thấy môi trường của Đoàn Thanh niên rất bổ ích, có thể giúp con em họ thêm mạnh dạn, giao tiếp, quan hệ với xã hội, đặc biệt là kỹ năng. Điều đó cho thấy hoạt động Đoàn đi đúng hướng sẽ luôn có sức sống”, chị Yến chia sẻ.
Hiểu thanh niên muốn gì?
Tháng 3/2022, lễ công bố quyết định thành lập Chi đoàn khu chung cư Nam Thăng Long I - The Legend được tổ chức. Anh Nguyễn Thế Nam, bác sĩ trẻ của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội đóng trên địa bàn quận Thanh Xuân, làm Bí thư Chi đoàn lâm thời. Mới thành lập nhưng Chi đoàn này đã thu hút được 16 đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt.
Anh Nguyễn Thế Nam nhận quyết định thành lập chi đoàn |
Theo anh Nam thành lập được tổ chức Đoàn tại các khu chung cư, khu đô thị có ý nghĩa rất lớn, không chỉ tạo sân chơi cho thanh niên mà còn tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc thành lập và duy trì tốt hoạt động Đoàn ở đây không hề đơn giản.
“Tại các chung cư, khu đô thị rất nhiều gia đình trẻ sinh sống. Lực lượng thanh niên ở đây đông đảo nhưng thu hút họ rất khó bởi phần lớn thời gian đi làm. Mặt khác an ninh tại đây khá nghiêm ngặt nên khó tiếp cận, vận động thanh niên tham gia các hoạt động của Đoàn”, anh Nam chia sẻ.
Anh Nam đã nhờ chính những người tại khu chung cư tìm hiểu mong muốn, sở thích của thanh niên tại đây. Mặt khác, anh thường xuyên cùng Tổ trưởng tổ dân phố đến các gia đình thăm hỏi. Dần dần thành quen nên việc vận động thanh niên dễ dàng hơn.
Anh Nam cho biết: “Ngoài tích cực vận động các thanh niên khu dân cư xung quanh tham gia vào Chi đoàn, chúng tôi tổ chức các chương trình, hoạt động thiết thực, tạo sân chơi bổ ích để kết nạp thêm được nhiều đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt, công nghệ thông tin phát triển chúng ta có thể tận dụng nhóm Zalo, Facebook của các tòa nhà để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thanh niên. Đoàn phải thực sự hiểu thanh niên muốn gì mới có thể thu hút, tập hợp họ”.