Tăng cường xử lý học sinh đi bộ sang đường sai quy định
Phát triển phố đi bộ Hoàn Kiếm thành không gian văn hóa xứng tầm Cấm người đi bộ và phương tiện lưu thông qua cầu Long Biên Đầu tư thêm cầu vượt đi bộ và bài toán phát huy hiệu quả |
Vi phạm nhiều, xử lý còn ít
Đi bộ qua đường không đúng nơi quy định đã và đang là thói quen thường ngày của nhiều người. Trong đó, không ít trường hợp là học sinh, sinh viên các trường THPT, Đại học.
Theo ghi nhận, vào giờ tan học buổi chiều, tại tuyến đường Trường Chinh, nhiều học sinh đột ngột băng sang đường giữa dòng xe đông đúc đang di chuyển.
Nhiều học sinh thản nhiên băng ngang đường mọi lúc, mọi nơi |
Tương tự, theo phản ánh của người dân, trước cổng trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy), vào giờ tan học buổi trưa, giao thông ùn tắc, ô tô và xe máy của các bậc phụ huynh dừng, đỗ chật ních trên vỉa hè và dưới lòng đường. Mặc dù điểm cầu bộ hành chỉ cách cổng trường vài bước chân nhưng theo ghi nhận của phóng viên, chỉ có một số ít các bậc phụ huynh và các em học sinh lên cầu để đi sang bên kia đường. Nhiều em cùng cha mẹ chọn cách “thản nhiên” băng qua đường mặc cho dòng xe cộ đang nườm nượp.
Khi được hỏi tại sao không lên cầu mà lại băng qua đường lúc các phương tiện đang di chuyển nguy hiểm như vậy, một em học sinh của trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy) trả lời: “Em thấy đi sang đường luôn thì nhanh hơn so với việc phải leo lên cầu thang để đi lên cầu”.
Đây không phải là tình trạng chỉ diễn ra ở cầu đi bộ nối tiếp giữa Trường THCS Dịch Vọng và Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy) mà còn là tình trạng chung của các cầu bộ hành, chủ yếu ở các nút giao cắt và khu vực gần trường học, bệnh viện tại thành phố Hà Nội.
Tại các điểm có cầu vượt đường bộ như: Đường Nguyễn Chí Thanh (gần Trường Đại học Luật Hà Nội), đường Nguyễn Trãi, đường Giải Phóng (gần Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội), đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên)…, rất nhiều người đi bộ vẫn đi qua đường, băng qua dải phân cách, có thể gây nguy hiểm cho người khác và chính bản thân họ.
Anh Nguyễn Văn Hiến (31 tuổi, ở Khu đô thị Kiến Hưng, Hà Nội) chia sẻ: "Có lần, tôi lái ô tô trên đường thì bất ngờ thấy hai học sinh băng qua đường. Không có đèn tín hiệu nhưng tôi vẫn chủ động giảm tốc nhường đường. Thế nhưng do tôi phanh gấp nên hai xe ô tô đi phía sau tông vào phía sau xe tôi. Trong những trường hợp này mà không quy định chặt chẽ có thể rối loạn giao thông, tạo ùn tắc, tai nạn giao thông".
Bất chấp luật lệ chỉ vì sự tiện lợi
Có thể nhận thấy mặc dù đa phần người dân nhận thức rõ được sự nguy hiểm khi băng qua đường và không chấp hành luật lệ giao thông nhưng vì sự tiện lợi, nhanh chóng trước mắt mà họ cố tình “nhắm mắt làm ngơ” cầu đi bộ.
Để xử lý tình trạng vi phạm giao thông đường bộ, trong năm 2024, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) đã giao Đội Cảnh sát giao thông số 6 phối hợp cùng Công an quận Cầu Giấy và các lực lượng khác tuyên truyền xử lý người đi bộ cố tình vi phạm, cắt mặt dòng xe cộ để băng qua đường trên tuyến phố Xuân Thuỷ, quận Cầu Giấy. Đây là điểm giao thông phức tạp, lưu lượng xe cộ lớn, qua khảo sát khu vực tuyến đường Xuân Thủy có khoảng 7 trường Đại học, Cao Đẳng…
Khu vực trên, thành phố đã xây dựng 2 cầu vượt bộ hành kèm lối lên xuống khá thuận tiện, gần điểm chờ xe buýt và cổng trường học. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm băng qua đường, gây nguy cơ tai nạn và khiến các dòng xe cộ xung đột và ùn tắc giao thông.
Lực lượng chức năng xử lý người đi bộ sai quy định |
Theo Thiếu tá Trần Ngọc Long, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 6, thời gian qua, Đội Cảnh sát giao thông số 6 đã triển khai những giải pháp như phối hợp cùng chính quyền địa phương, các trường học xây dựng dải phân cách mềm trên vỉa hè hướng dẫn người dân qua đường đúng nơi quy định. Tuy nhiên trong khung giờ cao điểm, nhiều người dân ý thức chưa cao, vẫn cố tình vi phạm. Bên cạnh việc xử phạt răn đe, lực lượng Cảnh sát giao thông còn tăng cường việc tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không tái phạm.
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 9 Nghị định số: 100/2019/NĐ-CP, người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ hay sang đường không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 60.000 - 100.000 đồng. Bên cạnh đó, tại Khoản 2, Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định nếu không phải người phục vụ việc quản lý, bảo trì cao tốc mà người đi bộ đi vào đường cao tốc thì sẽ có mức phạt cao nhất đối với hành vi này là 200.000 đồng. |
Theo chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình, cần xử phạt thật nghiêm đối với hành vi qua đường không đúng quy định của người đi bộ. Quy định ban hành nhưng không xử phạt thì không ai quan tâm. Thậm chí, với những trường hợp lấy lý do không có giấy tờ, không có tiền nộp phạt cần áp dụng thêm chế tài tạm giữ tại công an phường cho đến khi nộp phạt hoặc gọi người nhà đến nộp phạt thì được ra về.
Đối với những vụ tai nạn mà người đi bộ là nguyên nhân chính gây ra, cần quy trách nhiệm 100% đối với người đi bộ. Thậm chí nếu phương tiện xe máy, ô tô đâm phải bị hư hỏng, lái xe máy, ô tô bị thương tích, người đi bộ cũng cần phải bồi thường. Cần xử nghiêm như vậy, người dân mới có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi đi bộ sang đường.