Bài 4: Bữa ăn có bị chi phối?
Để những bữa ăn bán trú của học sinh được an toàn, ngoài việc cơ quan chức năng phải kiểm tra thường xuyên thì cần gắn trách nhiệm cho hiệu trưởng... Ảnh minh họa.
Bài liên quan
Bất an chất lượng bữa ăn bán trú -Bài 1: Phụ huynh canh cánh nỗi lo…
Bất an chất lượng bữa ăn bán trú - Bài 2: Những bữa ăn… không đáng có
Bài 3: Có quy trình nhưng buông lỏng giám sát
Có hay không lợi ích nhóm?
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố hiện có gần 2.800 trường học có bếp ăn bán trú. Đa số bếp ăn nhập thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo từng lứa tuổi. Nguồn nước sử dụng hằng ngày hợp vệ sinh. Nhân viên nhà bếp được khám sức khỏe định kỳ, được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Dù vậy, đâu đó vẫn xảy ra những vụ mất an toàn thực phẩm từ các bếp ăn trường học. Điển hình là vụ hơn 200 học sinh trường Mầm non Xuân Nộn (huyện Đông Anh) bị ngộ độc thực phẩm tập thể vào tháng 11/2018 khiến dư luận hoang mang. Điều này cho thấy, có sự quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm soát dẫn đến thực phẩm chưa đạt chuẩn lọt vào trường học.
Sau khi sự việc tuồn thực phẩm bẩn vào trường Mầm non Thanh Khương ở Bắc Ninh bị phát giác, mọi người mới biết, Công ty TNHH Hương Thành đang cung cấp thực phẩm cho 19 trường học tại Bắc Ninh và nhiều bếp ăn tập thể. Câu hỏi đặt ra, tại sao công ty này lại được cung cấp suất ăn cho nhiều trường và nhiều đơn vị như vậy? Sự việc phụ huynh nghi ngờ cũng đã được phản ánh lên lãnh đạo nhà trường trước đó nhưng tại sao họ vẫn tiếp tục được tồn tại? Phải chăng có sự chi phối sau lưng công ty này?
Tại Hà Nội, cũng có một số công ty đang cung cấp suất ăn cho rất nhiều trường. Có hiệu trưởng cho biết, họ không được quyết trong việc lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm cũng như công ty cung cấp suất ăn sẵn. Phần lớn, trường đều lựa chọn dưới sự “gửi gắm”, giới thiệu của cấp trên.
Nhiều ý kiến cho rằng, để những bữa ăn bán trú của học sinh được an toàn, ngoài việc cơ quan chức năng phải kiểm tra thường xuyên thì cần gắn trách nhiệm cho hiệu trưởng. Ngoài việc xử lý công ty cung cấp thực phẩm bẩn nên nghiêm trị cả người làm giáo dục, vì sức khỏe của học sinh là lương tâm của thầy cô.
Một lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo đã về hưu cho biết, để học sinh ăn thực phẩm không an toàn thì không chỉ có trách nhiệm của hiệu trưởng mà còn của các cơ quan chính quyền. Do vậy, cần làm rõ những biểu hiện can thiệp trong việc cung ứng thực phẩm cho trường học, có chuyện đó thì phải nghiêm trị. Các hiệu trưởng phải nhận thức được trách nhiệm, không vì cả nể mà lấp lửng, rồi lựa chọn đơn vị cung cấp thiếu an toàn. Bên cạnh đó, phụ huynh phải được quyền thường xuyên vào kiểm tra thức ăn hằng ngày của con.
Đặc biệt, các cấp chính quyền như phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các cấp phải để các trường chủ động lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm cho bữa ăn bán trú.
Cần công khai, minh bạch
Các bậc phụ huynh luôn có quyền lên tiếng cho quyền lợi chính đáng cũng như sức khỏe con em mình. Trước đây, một số phụ huynh trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) đã chia sẻ trên mạng xã hội về bữa ăn bán trú của con được cho là quá ít, không đảm bảo dinh dưỡng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra lại kết luận bữa ăn bán trú ở trường này đủ số lượng và dinh dưỡng. Nhiều phụ huynh vẫn cho rằng, họ chưa tin bởi không biết kiểm tra như thế nào ra được kết quả đó. Vấn đề là với giá tiền như thế, bữa ăn có tương xứng không? Rõ ràng, việc tổ chức bữa ăn bán trú rất cần sự công khai để phụ huynh hiểu.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, để bữa ăn bán trú được an toàn, cần sự nhận thức, trách nhiệm của Ban giám hiệu các trường, thầy, cô giáo, nhân viên bếp ăn, cha mẹ học sinh, người sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm... Cùng với đó, giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh cần có sự phối hợp để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các trường chủ động công khai thực đơn, thực phẩm trên website hoặc cổng thông tin điện tử của trường; công khai các đơn vị được lựa chọn cung ứng thực phẩm. Giá thành suất ăn cho học sinh được UBND các quận, huyện xây dựng hàng năm dựa trên thực đơn khẩu phần ăn từng cấp học và mặt bằng giá cả thực phẩm tại địa phương.
Về vấn đề công khai thực đơn, thực phẩm lên mạng, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, quận đã xây dựng định lượng khẩu phần ăn cho các lứa tuổi học sinh và đưa vào phần mềm áp dụng. Các trường lúc đầu cũng khó chịu nhưng quận đã quyết tâm đưa vào phần mềm định lượng khẩu phần ăn nên đến nay đã thực hiện ổn định. Đến 9 giờ sáng hàng ngày, các thông tin định lượng bữa ăn được đưa lên mạng để nhà trường và phụ huynh kiểm soát. Phụ huynh nào quan tâm có thể đến tận nơi kiểm tra.
Nhờ sự công khai, minh bạch, đa số các phụ huynh đã đồng tình với chương trình sữa học đường (Trong ảnh: Niềm vui của học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội khi uống sữa học đường). |
Mới đây, Hà Nội tổ chức đấu thầu công khai chương trình sữa học đường với những quy chuẩn khắt khe nhằm chọn ra nhà cung cấp uy tín, có đủ năng lực sản xuất và giá rẻ nhất. Cuộc đấu thầu công khai của Hà Nội diễn ra khá khốc liệt khi có tới 11 đơn vị tham gia. Đến ngày 12/11/2018, Hà Nội chính thức mở gói thầu công khai với sự chứng kiến của các bên liên quan. Kết quả, Vinamilk đã trúng thầu chương trình sữa học đường của Thủ đô.
Mặc dù thừa nhận sữa học đường là chương trình nhân văn và cần thiết thực hiện nhưng ban đầu không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng và có phần e ngại. Nhiều phụ huynh muốn biết khi thực hiện chương trình sữa học đường thì liệu chất lượng sữa có được đảm bảo; loại sữa con họ uống vào hàng ngày là sữa gì, có đúng tiêu chuẩn hay không; giá liệu có bị “khống” lên…?
Tất nhiên, những băn khoăn này có thể giải quyết bằng sự công khai, minh bạch. Đó chính là đấu thầu chọn ra các nhà cung cấp uy tín, đủ năng lực cung cấp sữa đạt chuẩn chất lượng theo Bộ Y tế. Đến nay, đa số các phụ huynh đã đồng tình với chương trình sữa học đường và sự công khai, minh bạch về vấn đề này của ngành Giáo dục Hà Nội.
Từ việc đấu thầu sữa học đường thành công, sau một thời gian thực hiện đã khiến nhiều phụ huynh tin tưởng, nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng cũng mở rộng mô hình này sang thực phẩm, suất ăn cho bữa ăn bán trú? Mục đích cuối cùng là chất lượng bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Việc đấu thầu công khai sẽ hạn chế tối đa những sự cố tiêu cực xảy ra trong quá trình xét duyệt hồ sơ cũng như việc đỡ lưng cho một số công ty cung cấp thực phẩm vào trường học.
(Còn nữa)