![]()
TTTĐ - Trong bối cảnh thông tin đa chiều, xã hội cần một điểm tựa vững chắc, đó là sự đồng thuận. Không phải là thứ đồng thuận mơ hồ hay áp đặt, mà là sự đồng thuận được hình thành từ hiểu biết, đối thoại và niềm tin. Không ít người trẻ với sự năng động, hiểu biết công nghệ và tinh thần phản biện đang trở thành lực lượng chủ lực kiến tạo sự đồng thuận xã hội này. Khi mỗi cá nhân chủ động kiểm chứng thông tin, lựa chọn chia sẻ nội dung tích cực và biết lên tiếng trước cái sai, chính là những "mũi tên ngược chiều" mạnh mẽ, góp phần củng cố “hàng rào miễn dịch” truyền thông cho cộng đồng, nơi lẽ phải được lan tỏa và sự thật được bảo vệ. Từ "người dùng" đến "người lan tỏa" Trong xã hội hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu ở mọi lĩnh vực, trong đó có công tác tư tưởng, lý luận và bảo vệ nền tảng của Đảng. Việc ứng dụng công nghệ số giúp mở rộng không gian truyền thông, nâng cao tính lan tỏa, kịp thời và hiệu quả của các nội dung định hướng tư tưởng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời, chuyển đổi số cũng là công cụ để nhận diện, phản bác và xử lý kịp thời các thông tin sai trái, xuyên tạc trên không gian mạng. Theo đánh giá của TS. Lê Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Báo chí Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, công nghệ số mở ra nhiều cơ hội như tăng cường khả năng tiếp cận thông tin chính thống, cá nhân hóa nội dung tuyên truyền, mở rộng các hình thức truyền thông mới như podcast, infographic, eMagazine, mạng xã hội… Tuy nhiên, cũng có những thách thức lớn: Thông tin xấu độc lan truyền nhanh hay AI bị lợi dụng để bóp méo sự thật và khoảng trống pháp lý trong xử lý sai phạm. Trước những thách thức nêu trên có thể thấy, mạng xã hội hiện nay không đơn thuần là sân chơi kết nối bạn bè, theo dõi tin tức hay giải trí. Nó đã trở thành một mặt trận mới để các bạn trẻ góp tiếng nói phản biện, đấu tranh để bảo vệ sự thật.
Bạn trẻ Nguyễn Đình Sáng (Phó ban Truyền thông Hội Sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay, người trẻ đã có nhiều sáng tạo trong nội dung nhằm thể hiện trách nhiệm của công dân, mình xem và thấy khá ấn tượng trước những video hay các thông tin được truyền tải một cách sáng tạo. Bản thân mình, trước mỗi luồng thông tin gây tranh cãi, mình luôn tìm hiểu từ nguồn thông tin chính thống để kiểm chứng rồi nghĩ cách để hành động, bảo vệ quan điểm đúng đắn”. Điều này thể hiện qua các hoạt động của Đoàn - Hội Trường Đại học Văn hoá Hà Nội trong thời gian qua. Theo đó, có rất nhiều đợt phát động tuyên truyền, chiến dịch truyền thông rất sáng tạo, thu hút các bạn trẻ tham gia sôi nổi như: “Hòa bình đẹp lắm”, “60 ngày lan tỏa nghị quyết”, hay “Đoàn của chúng ta”… thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia và có nhiều ý tưởng sáng tạo. Mỗi hành động ấy, tưởng nhỏ bé lại chính là “mũi tên ngược chiều” chống lại dòng thông tin độc hại đang ngày càng tinh vi. Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền hình sinh viên, cũng là một trong những bạn trẻ tích cực trên không gian mạng, Phạm Phương Anh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Với vai trò định hướng nội dung, tôi cùng Câu lạc bộ Truyền hình sinh viên luôn kiểm chứng thông tin từ nguồn chính thống, kiên quyết không lan truyền tin sai lệch. Bên cạnh đó, chúng tôi đề cao việc sản xuất các sản phẩm truyền thông tích cực, tôn vinh gương người tốt, việc tốt và lan tỏa trên mạng xã hội theo cách gần gũi, trẻ trung”. Không cần những khẩu hiệu đao to búa lớn, chính những hành động nhỏ, bình dị như thế lại góp phần lan tỏa sự thật, củng cố niềm tin và tạo dựng nền tảng vững chắc cho đồng thuận xã hội. Đó không chỉ là trách nhiệm của người trẻ, mà còn là một lựa chọn thể hiện lòng yêu nước rõ ràng và thiết thực trong thời đại mới. ![]() Bạn Nguyễn Đình Sáng luôn tự ý thức và nhìn nhận trước các quan điểm đó có phải là thông tin chính thống không, hay nó là thông tin từ các trang phản động Biến mạng xã hội thành “vùng xanh” thông tin Khi người trẻ chủ động lên tiếng, đấu tranh với thông tin sai lệch và lan tỏa những giá trị đúng đắn trên mạng xã hội, đó không chỉ là hành động mang tính cá nhân, mà còn tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực, sâu rộng. Sự vào cuộc của giới trẻ trong mặt trận truyền thông đã và đang định hình một thế hệ công dân số bản lĩnh, có chính kiến, dám bảo vệ cái đúng và dám lên tiếng trước cái sai. TS. Nguyễn Nga Huyền, Phó Chủ nhiệm bộ môn Truyền thông, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội tâm niệm: “Tôi luôn cho rằng việc đào tạo một sinh viên biết viết tin, biết làm video… chưa đủ. Điều quan trọng hơn là giúp các em phát triển “miễn dịch truyền thông”, một khả năng phân biệt đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin bóp méo, gài bẫy". Đặc biệt, là người có nhiều năm đi tập huấn cho các quận, huyện ở Hà Nội về sáng tạo tác phẩm thể loại video và audio về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, TS. Nga Huyền cho biết: “Trong bối cảnh thông tin giả mạo, xuyên tạc, thù địch ngày càng tinh vi, sinh viên truyền thông phải là những người "gác cổng" thông tin hiện đại, biết kiểm chứng nguồn tin, phân tích bối cảnh và phản biện trên cơ sở lý luận truyền thông vững vàng”.
Hơn thế, khi sự thật được lan tỏa bởi chính thế hệ trẻ, thế hệ đang chịu ảnh hưởng lớn nhất từ không gian mạng thì niềm tin vào Đảng, Nhà nước cũng được củng cố một cách tự nhiên, thuyết phục hơn, mang tính lan truyền ngang hàng, gần gũi và hiệu quả hơn cả những hình thức tuyên truyền áp đặt. Không chỉ vậy, TS. Nguyễn Nga Huyền còn nhấn mạnh: “Nếu mỗi người trẻ hiểu rằng một bài viết chia sẻ sai lệch có thể gây tổn thương niềm tin công chúng, thì họ cũng sẽ hiểu rằng một bài viết đúng đắn, tử tế và có dẫn chứng thuyết phục cũng đủ để khơi lại niềm tin. Khi ấy, mạng xã hội không còn là nơi của tin giả, mà là nơi bảo vệ nền tảng tư tưởng, đúng như tinh thần của Nghị quyết 35 đặt ra cho thời đại số”. Góp phần định hướng dư luận, xây dựng đồng thuận xã hội Là một giảng viên, cũng là Phó Viện trưởng Viện Báo chí Truyền thông, TS. Lê Thu Hà cho rằng, để người trẻ trở thành “người lan tỏa tích cực” trên mạng xã hội, cần giúp họ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với đất nước trong môi trường số. Bên cạnh đó là trang bị kiến thức chính trị nền tảng, kỹ năng số, kỹ năng truyền thông, để không chỉ đọc mà còn hiểu, phân tích và phản biện. Quan trọng hơn, người trẻ cần sáng tạo ra những nội dung “có gu”, “bắt trend” nhưng vẫn truyền tải được giá trị cốt lõi, như các clip Tiktok lịch sử, infographic thời sự, podcast về chủ trương, chính sách… Đó là cách lan tỏa tích cực, đúng với tinh thần của thế hệ gen Z: Hiện đại, trách nhiệm, sáng tạo.
Cũng theo TS. Lê Thu Hà, để đào tạo người trẻ có “sức đề kháng” trên mạng xã hội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng như giảng viên luôn coi trọng việc tích hợp nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng trong từng học phần, không tách rời mà gắn với thực tiễn truyền thông số. Các nhóm ngành như Báo chí, Truyền thông đại chúng, Truyền thông đa phương tiện… đều lồng ghép ví dụ thực tế về xử lý tin giả, phản bác thông tin sai trái, xây dựng nội dung chính luận trên nền tảng số… “Với vai trò là một giảng viên, trong thời đại số, tôi nhận thức sâu sắc rằng trách nhiệm của đội ngũ giảng viên không chỉ dừng lại ở việc đào tạo nghiệp vụ báo chí, truyền thông cho sinh viên, mà còn là lực lượng tuyến đầu trong việc lan tỏa lý luận chính trị, tư tưởng Đảng và góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giới trẻ. Vì thế, tôi cho rằng, nhà trường là "pháo đài tư tưởng" trong môi trường học thuật. Việc trang bị cho các em bản lĩnh chính trị vững vàng, hiểu rõ lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng là yêu cầu bắt buộc. Điều này được thực hiện thông qua việc tăng cường giáo dục lý luận chính trị, lồng ghép nội dung tư tưởng vào các học phần chuyên ngành và các hoạt động ngoại khóa.
Bên cạnh đó, giảng viên là người truyền cảm hứng và truyền lửa tư tưởng. Vì thế tôi luôn xác định vai trò của người thầy không chỉ là người giảng bài, mà còn là người truyền cảm hứng cách mạng, lý tưởng sống đẹp và ý thức công dân trong kỷ nguyên số…", TS. Thu Hà chia sẻ. Đặc biệt là để tạo ra một thế hệ nhà báo có tâm, có tầm, có lý tưởng, nữ giảng viên luôn nhấn mạnh với sinh viên rằng nghề báo không chỉ là nghề đưa tin mà còn là nghề phụng sự lý tưởng. Một nhà báo chân chính cần có đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần bảo vệ lẽ phải, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. "Để đào tạo được những người trẻ như trên, chúng tôi luôn phải đổi mới phương pháp dạy học để phù hợp với truyền thông số. Cụ thể, chúng tôi khuyến khích sinh viên sử dụng nền tảng số để sáng tạo nội dung tuyên truyền, xây dựng các chiến dịch truyền thông tích cực, phản bác thông tin sai trái. Việc kết hợp giữa lý luận chính trị và công nghệ truyền thông hiện đại chính là cách để thông điệp của Đảng được lan tỏa một cách gần gũi, hấp dẫn hơn với giới trẻ…”, TS. Lê Thu Hà nhấn mạnh. Nói cách khác, người trẻ truyền thông sự thật không chỉ bảo vệ nhận thức cá nhân, mà còn góp phần định hướng dư luận, xây dựng đồng thuận xã hội và giữ vững niềm tin vào con đường phát triển mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Đó là sứ mệnh lớn lao nhưng được bắt đầu từ những hành động nhỏ bé và tự nguyện mỗi ngày trên không gian mạng.
|