dịch bệnh
TTTĐ - Năm 2021 sắp khép lại trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, song vượt lên chính mình, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu với kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Thành phố đã “biến thách thức thành cơ hội”, là điểm sáng của cả nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19... Có được kết quả trên là sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô; Sự gương mẫu, bản lĩnh của người đứng đầu của cấp uỷ, chính quyền từ thành phố xuống cơ sở đã lan toả, từ đó huy động sức dân, gắn kết mỗi người dân lại với nhau để cùng Thủ đô vượt qua “sóng lớn”. |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, trong đó nhấn mạnh việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của Nhân dân, được đặt lên trên hết và trước hết. Điều đó được thể hiện rõ quan điểm đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta hết sức nguy hiểm, từ ngày 27/4/2021 đến nay, nhiều địa phương phải phong toả, giãn cách từng khu vực hoặc toàn bộ địa bàn, làm ảnh hưởng lớn đời sống của hàng chục triệu người. Trước tình hình trên, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tinh thần “lấy dân làm gốc”, gắn kết mỗi người dân Việt Nam lại với nhau để cùng đất nước vượt qua khủng hoảng. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống dịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội phát động phong trào thi đua đặc biệt “Toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” trên địa bàn thành phố. Dưới sự lãnh đạo thống nhất từ Thành ủy đến Ban chỉ đạo, sở chỉ huy, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở đã cùng vào cuộc, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng lòng, tự giác của Nhân dân. Thực tế triển khai cho thấy, nơi nào Nhân dân cùng vào cuộc thì hiệu quả sẽ rất cao, kể cả khi giãn cách xã hội và khi nới lỏng thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Hà Nội còn đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các cấp, các ngành qua đó phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ các cấp. Với tinh thần mỗi xã, phường là một “pháo đài”, mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch, thành phố đã phát huy tinh thần chủ động, quận lo cho quận, huyện lo cho huyện, phường, xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố cũng phải chủ động tự lo cho mình. Từng gia đình, người dân phải có trách nhiệm với chính mình, gia đình và cộng đồng, Thủ đô, đất nước. |
Phát huy tinh thần đó nhiều quận, huyện, xã, phường đã căn cứ vào tình hình địa phương, xây dựng các phương án chống dịch một cách sáng tạo. Tiêu biểu là huyện Đông Anh với mô hình cách ly “3 lớp” đã có 7 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đột xuất. Trong những thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã quán triệt trong cả hệ thống chính trị tinh thần xác định phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1, lấy hiệu quả công tác phòng, chống dịch là “thước đo” năng lực, uy tín cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Cụ thể hóa tinh thần này, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số số 05-CT/TU ngày 30/7/2021 về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19”. Cấp ủy chỉ đạo sát sao, Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy được phân công phụ trách địa bàn, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ về hiệu quả chống dịch; UBND, Chủ tịch UBND các cấp được xác định rõ vai trò “tư lệnh” toàn quyền chỉ huy. Hà Nội sẽ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp Đặc biệt, thành phố luôn xác định “dân là gốc”, mọi chủ trương dù có hay đến mấy mà người dân không ủng hộ thì cũng không thực hiện thành công. Người dân đã được đặt vào vị trí trung tâm, chủ thể của công tác phòng chống dịch. Không chỉ có ý thức tự giác cao chấp hành các quy định mà thành phố đề ra, người dân Thủ đô còn nêu cao tinh thần chủ động, đoàn kết cộng đồng, đã lập ra hàng trăm tổ tự quản cộng đồng, bảo vệ “vùng xanh”, tham gia góp công, góp sức với hơn 4.500 tổ COVID-19 cộng đồng gồm gần 30.000 nhóm… Trải qua 4 lần bùng phát dịch COVID-19, người dân Hà Nội luôn biết phát huy những truyền thống quý báu, tương thân tương ái, đoàn kết để chung sức, chung lòng gánh vác cùng Đảng bộ, chính quyền Thủ đô. Những ngày qua, các lực lượng tuyến đầu, lực lượng quân đội, công an, y, bác sĩ, tình nguyện viên… và đặc biệt sự vào cuộc thực chất của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, luôn thầm lặng hy sinh đóng góp to lớn trong công tác phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh, quyết tâm bảo vệ Thủ đô và cuộc sống bình yên, an toàn cho Nhân dân. |
Quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy Hà Nội là phải thực hiện tốt “mục tiêu kép”, “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn tới tình hình sản xuất, kinh doanh, nhưng tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm ước đạt khoảng 2,35-3%. Mặc dù không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7,5%), nhưng vẫn duy trì ổn định; cân đối thu - chi ngân sách vẫn đảm bảo: Thu ngân sách nhà nước ước đạt 108,3% dự toán Trung ương giao, bảo đảm các nhiệm vụ chi theo dự toán, nhất là các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch bệnh, an sinh xã hội… Thành phố đã tổ chức thành công hai hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… |
Theo Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, qua diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã khẳng định những kết quả đáng trân trọng trên các lĩnh vực; Thực sự là nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Ngược lại, đại dịch cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém, bất cập của nhiều ngành, nhiều cấp đã được nhận diện trước đây nhưng chưa được cải thiện, nay thể hiện rõ nét hơn trước khó khăn, thách thức. Chủ tịch UBND TP cho rằng, "trong nguy có cơ”, đã tạo ra áp lực và động lực để các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy nội lực và hành động để thích ứng với tình hình mới, qua đó góp phần thực hiện và hoàn thành cao nhất nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo. Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, với phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đề cao chế độ làm việc tập thể UBND thành phố kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố. “Nhận thức rõ nhiệm vụ năm 2022 là rất nặng nề với những khó khăn, thách thức tiềm ẩn phía trước còn rất lớn, UBND thành phố sẽ quyết tâm nỗ lực hết mình, hành động khẩn trương, quyết liệt. Thành phố kêu gọi các tầng lớp Nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống Văn hiến - Anh hùng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, huy động sức mạnh đại đoàn kết, sức sáng tạo của mỗi cấp, mỗi ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô với mục tiêu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà HĐND đã quyết nghị, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố”, đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh. Đại dịch COVID-19 xảy ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế- xã hội, đời sống của người dân nhưng trong khó khăn càng khẳng định bản lĩnh của hệ thống chính trị thành phố, giúp Nhân dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Đó là những bài học kinh nghiệm quý báu của Hà Nội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong năm 2022. |
Bài viết: Anh Đức Đồ họa: Phạm Mạnh |