|
TTTĐ - Trong các giai đoạn khác nhau, vai trò của người đứng đầu vô vùng quan trọng. Thực tiễn đã chứng minh, trong gian khó càng cần tới sự bản lĩnh, can trường của người lãnh đạo. Sự vững vàng, tiên phong, không lùi bước trước khó khăn, thử thách của người đứng đầu sẽ tạo niềm tin và động lực để tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân cùng chiến thắng mọi kẻ thù. Trong cuộc chiến chống kẻ thù “giặc” COVID-19, những người đứng đầu từ thành phố đến cơ sở, bằng bản lĩnh, trí tuệ đã và đang lãnh đạo Thủ đô “vượt bão” dịch, bảo vệ “trái tim” Hà Nội, phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. |
Năm 2021, biến chủng Delta đã gây ra đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước đến nay ở nước ta với con số kỷ lục hàng nghìn người mắc mỗi ngày. Trong thời khắc đầy khó khăn này, Đảng bộ, chính quyền Hà Nội chủ động ngăn chặn, đối phó với dịch bệnh bằng những quyết sách thần tốc, linh hoạt, quyết liệt từng bước chiến thắng đại dịch. Đặc biệt, hình ảnh những cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu thường xuyên có mặt tại các điểm nóng về dịch để kiểm tra, chỉ đạo, chia sẻ động viên tuyến đầu chống dịch, Nhân dân… đã để lại ấn tượng hết sức tốt đẹp trong lòng mỗi người dân Thủ đô. |
Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát, biến thể virus Delta lây lan rất nhanh và mạnh, tại nhiều tỉnh, thành phố lớn có mật độ dân cư cao, là đầu mối giao thông huyết mạch của cả nước, nhiều khu công nghiệp trọng điểm. Khi đó, Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Ở bên trong thành phố đã phát sinh những ổ dịch rất phức tạp, trong khi 8 tỉnh xung quanh đều có dịch. Trước những gian nguy, thách thức mới đang đặt ra, tại Hà Nội, quyết tâm bảo vệ bằng được sự an toàn cho Thủ đô, đặt tính mạng và sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước hết được thành phố đặt lên cao nhất. Ngày 23/7, cả nước ghi nhận hơn 7.300 ca mắc COVID-19 mới, Hà Nội ghi nhận 53 ca mắc (trong đó có 32 ca tại cộng đồng), nhiều ca không rõ nguồn lây. Đứng trước nguy cơ bùng phát dịch, có thể mất kiểm soát như một số tỉnh, thành phố khác, chiều cùng ngày, tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo thành phố đứng trước câu hỏi: “Có giãn cách toàn thành phố hay không?” Mặc dù các điều kiện, mong muốn đều hướng đến câu trả lời: “Có”, bởi nguy cơ thì cao, trong khi số người trong độ tuổi tại Hà Nội được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mới đạt 26,5%, lại chủ yếu là mũi 1. Nhưng để quyết đáp một việc ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống, nhất là kinh tế, phải rất thận trọng. |
Chủ trì hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy biểu quyết để phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể cho tình huống này. Hội nghị đã thống nhất 100% giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND chính thức thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày, từ 6h00 ngày 24/7/2021. |
"Thành phố sẽ tập trung chuyển trạng thái từ “không COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh như Chính phủ chỉ đạo." Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng |
Nhờ chuẩn bị tốt và được ủng hộ của người dân, Hà Nội thực hiện biện pháp “đóng băng” này rất thành công, không bị sốc, bằng chứng là không xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Đó là minh chứng cao nhất cho thấy sự tin tưởng, sự vững tâm của Nhân dân Thủ đô vào các quyết sách của lãnh đạo thành phố. Đến ngày 5/9, Hà Nội đã 3 lần thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, bằng việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, quyết liệt, đồng bộ, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tại hầu hết các quận, huyện; Từ ngày 6/9 đến ngày 21/9, thành phố thu hẹp áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg chỉ còn 10 quận, huyện và 1 phần của 5 quận, huyện khác, 15 quận, huyện còn lại nới lỏng dần một số hoạt động. Từ 6 giờ 00 ngày 6/9/2021 đến 6 giờ 00 ngày 21/9/2021, TP Hà Nội quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng Tính chung, Hà Nội đã thực hiện tròn 60 ngày giãn cách xã hội. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất và cũng gây thiệt hại lớn nhất cho kinh tế Thủ đô. Nhưng đổi lại, Hà Nội đã tận dụng hiệu quả “thời gian vàng” để khống chế, kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt với chiến dịch thần tốc tiêm phủ mũi 1 vắc xin cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố ngày 13/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm giao thương, đầu mối giao thông, nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn rất cao. Do đó, phải ưu tiên, nhanh chóng đưa Thủ đô trở thành nơi an toàn, vững chắc từ đó kết nối, chi viện cho các địa phương khác. Hà Nội đã có quyết định giãn cách xã hội rất kịp thời, tránh nguy cơ khủng hoảng về y tế và kinh tế - xã hội. Trong tổ chức thực hiện đã cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thái độ dứt khoát với nhiều biện pháp rất cụ thể, sáng tạo, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở. Các quyết sách của thành phố đã thấm đến người dân, được cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên dưới một lòng hưởng ứng, tham gia thực hiện. |
Đồng chí Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra phòng, chống dịch tại cơ sở |
Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và phương châm “Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu”, không chỉ thực hiện kịp thời, đúng quy định chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Hà Nội còn chủ động mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ. Ngoài 12 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, thành phố đã ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ thêm 12 nhóm đối tượng khó khăn khác. Tính đến ngày 12/11, hơn 4,82 triệu lượt người dân trên địa bàn đã được thụ hưởng các khoản hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng gần 5.313 tỷ đồng. Hàng vạn lao động ngoại tỉnh kẹt lại Hà Nội và sinh viên khó khăn, người nước ngoài chỉ cần có xác nhận của tổ dân phố, Mặt trận Tổ quốc địa phương cũng đã nhận được hỗ trợ 500.000 đồng/người. |
Hơn lúc nào hết, trong nguy nan càng cần phát huy cao độ phẩm chất nêu gương của người cán bộ lãnh đạo, người đảng viên. Sự dấn thân, tinh thần trách nhiệm, sâu sát, gần dân còn thể hiện ở chỗ mỗi khi trên địa bàn xuất hiện các ca bệnh, những điểm “nóng”, lãnh đạo TP lập tức kiểm tra, chỉ đạo truy vết khẩn trương, kiên quyết. Trong những giai đoạn gam go nhất của dịch bệnh, người dân không quên hình ảnh lãnh đạo thành phố ngày đêm chỉ đạo phòng, chống dịch; Sát sao thị sát, chỉ đạo ở từng điểm “nóng” của dịch. Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy cũng thường xuyên bám sát địa bàn được phân công; Liên tục kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch đảm bảo hiệu quả. Khi xuất hiện những biểu hiện chủ quan, buông lỏng ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương, sẽ chỉ đạo phải chấn chỉnh ngay. |
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở |
Đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã trực tiếp vào các chốt kiểm soát, tìm hiểu qua những thành viên tổ COVID-19 cộng đồng, hộ dân trên phố Nguyễn Khuyến, Trần Quý Cáp (phường Văn Miếu), ngõ Văn Chương (phường Văn Chương) để lắng nghe tiếng nói cơ sở và quyết đáp luôn những chỉ đạo cần thiết, thật sâu sát đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Đón nhận sự quan tâm, động viên của lãnh đạo thành phố, bà Lê Thị Giang, Trưởng ban Công tác mặt trận Tổ dân phố số 2, phường Văn Miếu vô cùng xúc động. Bà đã 74 tuổi nhưng còn sức là còn làm. Ngày ngày, bà Giang vẫn gương mẫu tuyên truyền, vận động người dân tham gia tổ COVID-19 cộng đồng, cùng với các lực lượng luân phiên tham gia trực chốt. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại quận Đống Đa Bà Giang cho biết, thực hiện tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy ngăn chặn dịch từ các ngõ, ngách, người dân trên địa bàn, Tổ dân phố số 2 đã tích cực tham gia tự quản phòng dịch. Hằng ngày, tổ phân công người già trực sáng, thanh niên trực tối để kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ tại các chốt, quyết tâm giữ bằng được “vùng xanh”, không để dịch xâm nhập. Với phương châm bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, ngay khi quận Thanh Xuân bùng phát ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã trực tiếp thị sát từng con ngõ và yêu cầu các lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát chặt khu phong tỏa; Thiết lập chốt ở đúng vùng trọng điểm, khóa cứng vùng lõi trong ổ dịch; Đồng thời, phát huy vai trò tự quản của Nhân dân; Huy động sự tham gia của các đoàn thể...
Những chỉ đạo của thành phố đang được đẩy mạnh, quyết liệt, sát thực tế, cho thấy sự sát sao của lãnh đạo thành phố với công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Các cuộc thị sát, kiểm tra thực tế cũng được thực hiện có mục đích và rõ kết quả. Không chỉ chủ động, bản lĩnh trong ra quyết định chiến thuật, lãnh đạo thành phố thể hiện rõ tư duy chiến lược phòng, chống Covid-19 khoa học, bài bản. Tính toán chiến lược của thành phố tập trung vào việc xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn, không chỉ ở cấp thành phố, mà ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị cũng theo hướng này. Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã hoàn tất chuẩn bị 10.000 giường điều trị và đang tích cực triển khai phương án 20.000 giường và 40.000 giường. Đối với khu cách ly tập trung F1, thành phố đã chủ động với phương án 30.000 chỗ tại các huyện, thị xã; Đồng thời sẵn sàng kích hoạt các cơ sở khác để bảo đảm 75.000 và 100.000 chỗ… Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đánh giá: “Cái hay trong kinh nghiệm chống dịch của Hà Nội là không chỉ thống nhất trên dưới như một, mà là lãnh đạo, chỉ đạo luôn gắn với kiểm tra, giám sát. Các đồng chí lãnh đạo thành phố tới cơ sở, kiểm tra tận nơi, vào tận giường bệnh xem có ô xy hay không. Đó là việc rất thiết thực, hành động nhỏ nhưng tác động rất mạnh tới hệ thống chính trị ở cơ sở”. Nhận xét về công tác phòng, chống dịch TP Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội (Đoàn Hà Nội) nhận định, không để dịch bùng lên là thành công bước đầu, thể hiện sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị cũng như Nhân dân Thủ đô. Ngay lập tức không thể đưa số ca bệnh trở về không nhưng hạn chế, cắt đứt được nguồn lây là kết quả rõ nét mà Hà Nội đã đạt được trong công tác phòng dịch thời gian qua. Hà Nội đã và đang đi đúng hướng trong phòng, chống dịch COVID-19, biện pháp chống dịch vừa quyết liệt, vừa sáng tạo, chủ động. Mọi kịch bản, phương án phòng, chống dịch đều được lãnh đạo TP tính toán, xây dựng với các tình huống dịch diễn biến xấu hơn, phức tạp hơn để từ đó chủ động trong dự phòng, ứng phó. Hà Nội đã và luôn tiên phong, quyết liệt, gương mẫu trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19. Sự quyết tâm của thành phố không chỉ ở khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, “Người Tràng An không thể thua giặc COVID-19” mà còn được thể hiện một cách chân thực, sống động qua những quyết sách, chỉ đạo quyết liệt, đúng, trúng thực tiễn, từng bước được Nhân dân ghi nhận, ủng hộ. (Còn nữa) |