Bài 5: Tạo dựng nền móng vững chắc cho tương lai
Bài liên quan
Bài 4: Tuyên truyền có bỏ lửng?
Bài 3: Gia đình chớ buông lỏng, tiếp tay để con vi phạm giao thông
BE THANKFUL – lan tỏa những giá trị cao đẹp
Làm chủ cảm xúc và hành động
Người trẻ điều khiển phương tiện giao thông chưa có nhiều kinh nghiệm, lý trí để xử lý những tình huống bất ngờ, lái xe thiên theo cảm xúc. Đó cũng là đặc trưng của tuổi trẻ, có khi bốc đồng và liều lĩnh.
Chính vì vậy, khi ngồi trên xe, các bạn học sinh dễ phóng nhanh, lạng lách, bốc đầu xe... để thể hiện, “biểu diễn” với bạn bè cùng trang lứa. Em Hoàng Anh, học sinh tại quận Đống Đa đã biện minh: “Em thích đi nhanh cho… mát”.
Nhu vậy có thể thấy, các em đi xe theo ý thích bản thân, ít quan tâm đến mối tương quan giữa các phương tiện lưu thông trên đường để điều chỉnh cho phù hợp. Trong khi đó, văn hóa giao thông lại được xây dựng trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa cá nhân và tập thể.
Bởi vậy, chúng ta nên xây dựng văn hóa giao thông cho các học sinh ngay từ khi làm quen với chiếc xe, dù là xe đạp hay xe đạp điện, xe máy. Cứ tham gia đi lại trên đường bằng phương tiện xe thô sơ, xe cơ giới, các em đều phải tìm hiểu, trang bị và tuân thủ luật pháp - kĩ năng cứng và văn hóa giao thông - kĩ năng mềm.
Với các bạn sinh viên, dù đã đủ tuổi sử dụng xe máy nhưng tuổi trẻ rất ngẫu hứng, bốc đồng, đôi khi khó kiểm soát nên cần phải ý thức hơn nữa về sự tuân thủ pháp luật, cẩn thận khi lái xe.
Với học sinh, các em vừa chưa đủ tuổi điều khiển xe tham gia giao thông vừa chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật nên gia đình, nhà trường cần phải kiểm soát kỹ lưỡng để tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Khi chưa đủ sức khỏe, tuổi, kinh nghiệm để lái xe thì chắc chắn sẽ khó có thể đòi hỏi một nền tảng văn hóa giao thông của các em.
Như vậy, vấn đề đặt ra là xây dựng văn hóa giao thông cho các em ở lứa tuổi này là giai đoạn vàng để quyết định hình thành nên văn hóa giao thông trong tương lai, khi các em không còn được cha mẹ đưa đón, đủ tuổi để tham gia giao thông bằng các phương tiện cơ giới.
Giúp các em làm chủ cảm xúc và hành động là trách nhiệm của người lớn. Chị Phương Liên (ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: “Không tạo cơ hội cho các em tiếp xúc với phương tiện chưa đủ tuổi điều khiển chính là một biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Ngay từ trong gia đình, ông bà, cha mẹ có đầy đủ hiểu biết cần phải phân biệt được xe nào con em mình chưa được phép lái để kiên quyết không giao cho các em dù có việc cần thiết, gấp gáp”.
Các bậc phụ huynh khác cũng thống nhất rằng giáo dục ý thức tự giác cho con em mình là điều hết sức cần thiết. Cha mẹ không phải lúc nào cũng ở bên cạnh giám sát nên phải làm sao để các em kiên định, không hùa theo bạn bè, không thử lái xe của bạn khi mình chưa đủ sức khỏe, năng lực, độ tuổi lái xe.
Anh Lâm (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mình luôn cảnh báo cho con các nguy hiểm nếu như cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ. “Kể cho con những vụ tai nạn gặp trên đường, báo chí, truyền hình đưa tin, phản ánh không phải để con ám ảnh. Đó cũng là những bài học, lời nhắc nhở một cách gián tiếp cho con biết mà tránh”, anh Lâm nói.
Cần xử lý đồng bộ từ nhiều phía
Văn hóa giao thông không phải nói là làm được ngay. Như bất kỳ nền tảng về văn hóa ứng xử nào khác, những hành vi đẹp hay không đều xuất phát từ ý thức, sự quan sát, học hỏi hằng ngày, ngấm vào tư duy để khi cần xử lý tình huống thì bật ra tức thì.
Muốn các em có lối hành xử đúng mực thì trước hết người lớn phải làm gương. Ông bà, cha mẹ chở con đi học, đi chơi lúc con còn nhỏ đã phải tuân thủ pháp luật, đội mũ bảo hiểm, đi đúng làn đường, phần đường và tốc độ quy định. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải biết nhường nhịn, có ý tứ khi lái xe trên đường và giải thích cho con phải làm thế để không ảnh hưởng đến người khác, giúp cho việc di chuyển trở nên vui vẻ, thuận tiện hơn.
Suy cho cùng, văn hóa giao thông chính là việc làm sao để di chuyển an toàn, tham gia đi lại trên đường một cách thoải mái, mọi người đều phối hợp với nhau nhịp nhàng tránh những xung đột, va chạm không đáng có và ứng xử có tình người nếu chẳng may xảy ra tai nạn. Có như thế, cuộc sống mới trở nên nhẹ nhàng hơn, con người ứng xử với nhau có văn hóa hơn, giúp cho xã hội văn minh, thân thiện.
Điều này cần phải được rèn luyện qua năm tháng và trở thành ý thức thường trực trong mỗi cá nhân. Chính vì thế, muốn thế hệ trẻ lớn lên có văn hóa giao thông thì cả gia đình, nhà trường và xã hội cùng bắt tay vào cuộc để chấn chỉnh, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử nơi công cộng và văn hóa người Hà Nội nói chung.
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, hiện nay trên cả nước, tình trạng học sinh phổ thông, nhất là cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở vi phạm quy định trật tự ATGT rất phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông (TNGT); Tập trung vào một số hành vi vi phạm như điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, đi hàng hai, ba, chở quá số người quy định...
Có thể thấy, nhiều gia đình mặc nhiên chấp nhận, thậm chí cho con em mình tự điều khiển xe máy, xe máy điện, dù biết chưa đủ tuổi và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm về TNGT. Thêm vào đó, một số học sinh, nhất là học sinh nam khi tham gia giao thông thích "thể hiện", ra khỏi cổng trường là nằm ngoài sự quản lý, nên có tâm lý coi thường, không sợ bị "đánh" vào hạnh kiểm, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều...
Nhiều trường học đã tuyên truyền, quán triệt cho học sinh, giáo viên và phổ biến đến phụ huynh các quy định về ATGT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy từ tuyên truyền đến tổ chức thực hiện đang còn một khoảng cách rất lớn, hiệu quả đạt thấp. Qua các vụ TNGT ở đối tượng học sinh, nguyên nhân trực tiếp do học sinh vi phạm các quy định pháp luật về trật tự ATGT. Bên cạnh đó, do các gia đình thiếu trách nhiệm trong việc quản lý con em mình khi đi học, giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện điều khiển.
Mới đây, Ủy ban ATGT quốc gia đã có công văn đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các sở GD&ÐT yêu cầu các trường phối hợp ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, không chở quá số người quy định, không điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không có bằng lái.
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng nhấn mạnh: Nếu phát hiện học sinh vi phạm, hiệu trưởng các trường cần kiên quyết xử lý kỷ luật đối với học sinh, sinh viên điều khiển xe máy không có bằng lái, chưa đủ tuổi.
Chủ tịch UBND kiêm trưởng ban ATGT các địa phương cần chỉ đạo các trường học tiếp tục đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự ATGT là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các trường.
Ban giám hiệu các trường cần định kỳ kiểm tra việc thực hiện cam kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục và bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh; Gắn trách nhiệm người đứng đầu các trường để xảy ra TNGT liên quan học sinh, sinh viên, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân vi phạm.
Các lực lượng chức năng tích cực tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về ATGT đối với học sinh.
Hy vọng rằng, với sự bắt tay của cả gia đình và nhà trường cùng cơ quan chức năng, văn hóa giao thông của học sinh sẽ được bồi đắp ngày càng “mưa dầm thấm lâu”. Có như vậy mới hình thành nền tảng ứng xử văn hóa trong từng lĩnh vực, để mỗi người Hà Nội đều được hưởng lợi từ chính văn hóa do mình tạo dựng và thể hiện.