Bài 5: “Vàng” vẫn sáng qua bao lần thử “lửa”
Chung tay cùng cộng đồng chúng ta sẽ đẩy lùi dịch virus Corona
Bài liên quan
WHO tổ chức diễn đàn khoa học về biện pháp đối phó dịch bệnh do virus Corona
Việt Nam nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới của virus Corona (nCoV)
Vũ Hán có thể là nhà của 75.815 người nhiễm virus Corona
Virus Corona khiến các nhà máy ô tô tại Trung Quốc ngừng hoạt động
Ứng xử đẹp hôm nay…
Ngay từ những ngày đầu, khá đông người đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay, thậm chí có những người còn lo tích trữ cả lương thực, thực phẩm sợ các nguy cơ xảy đến khi tình hình virus corona có thể căng thẳng thêm. Lúc ấy mọi người đã lan truyền nhau câu chuyện về cách ứng xử hoàn toàn trái ngược của người Nhật.
Họ chỉ đổ nửa bình xăng, mua vừa phải nhu yếu phẩm vì còn phải “để phần những ai chưa mua được”. Nghe thì có vẻ dễ nhưng thực ra rất khó thực hiện. Bởi ai cũng lo cho sức khỏe, cho an toàn, cho cuộc sống của mình sẽ thiếu thốn, khó khăn một khi dịch đến thật, siêu thị cửa hàng đóng cửa, mọi thứ đều khan hiếm.
Vậy mà, ở Nhật Bản thì sao? Hàng hóa vẫn không bị đội giá, không ai phải thiếu thốn, thị trường vẫn luân chuyển đều đặn. Còn ở Việt Nam và Hà Nội, y như rằng, khẩu trang và nước rửa tay là hai thứ đặc biệt hết đầu tiên, cháy hàng, tạo nên sự biến động thực sự cho thị trường mặt hàng này.
Rõ ràng, chúng ta là con người, chúng ta tạo nên văn hóa, chúng ta tạo ra thị trường. Bệnh dịch, thiên tai là những thứ chúng ta khó kiểm soát nhưng văn hóa ứng xử trong những trường hợp ấy sẽ làm cuộc sống đảo lộn, thị trường nháo nhào hay không?
Những hành vi thiếu văn hóa trong khi Hà Nội và cả nước chung tay chống dịch virus Corona ngay lập tức bị người dân Hà Nội lên án |
Hình ảnh người Nhật Bản xếp hàng tuần tự lần lượt im lặng chờ đến lượt di tản, chờ mua thực phẩm khi có thiên tai, động đất, sóng thần hay dịch bệnh khiến cả thế giới khâm phục. Chính vì biết dựa vào nhau họ đã cùng tồn tại.
Thực tế cũng cho thấy, mạnh ai nấy chạy thì chỉ khiến tình hình trở nên rối loạn, khó kiểm soát mà thôi. Nước Nhật dù tài nguyên khan hiếm, thường xuyên xảy ra thiên tai nhưng họ vẫn trở thành cường quốc trên thế giới và toàn cầu phải ngả mũ thán phục chính bởi sự kiên trì, có văn hóa ứng xử chừng mực, biết dựa vào nhau, vì người khác để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Bài học của Nhật Bản chưa bao giờ cũ. Chính sự gian nan, vất vả suốt từ thuở lập quốc đã tôi luyện nên nền tảng văn hóa vững bền ấy của họ. Họ biết điều gì là cần thiết và phù hợp nhất cho những trường hợp bất thường để khiến cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường. Chính vì điều bất biến ấy mà họ có thể “dĩ bất biến ứng vạn biến”, chẳng gì có thể lay chuyển nổi.
Bị người dân Hà Nội lên án mạnh mẽ, bị chính quyền kịp thời kiểm tra chấn chỉnh, những “con sâu làm rầu nồi canh” tung tin giả, “chém đẹp” người mua khẩu trang, ém hàng chờ tăng giá hay bán các loại thuốc “chữa”, “ngừa” nCoV chắc chắn đã có được bài học cho mình. Xã hội văn minh, người dân văn minh, môi trường văn hóa không thể có chỗ cho những kẻ cơ hội, “nước đục thả câu” như vậy.
Những ngày này, việc rất nhiều người bán hàng qua mạng cam kết bán nước rửa tay với giá bình ổn, những hoạt động phát khẩu trang miễn phí tiếp tục được nhân rộng khiến cho bầu không khí của Hà Nội trở nên nhẹ nhõm, trong sáng hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội gặp phải những tình huống “báo động đỏ” như thế này. Tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “tương thân tương ái” vẫn còn đây, như mặt nước hồ Gươm trong veo soi vào nhân cách mỗi người.
Truyền thống bao đời nay vẫn vậy, cái xấu xa sẽ bị lịch sử, thời cuộc bằng chiếc sàng khổng lồ và công tâm của mình sẽ loại bỏ khỏi đời sống của chúng ta. Chỉ những ứng xử đẹp, văn hóa đẹp khiến con người sống có tình người với nhau hơn mới còn lại mãi.
… Để tự hào với tương lai
Nhiều người còn nhớ trong phim “Em bé Hà Nội” có một phân đoạn hết sức xúc động. Đó là khi Ngọc Hà xếp hàng mua thực phẩm, có tiếng hỏi: “Nhà cháu ở đâu”?, Ngọc Hà trả lời: “Nhà cháu ở ngõ chợ Khâm Thiên ạ”. Ngay lập tức, những người đứng trước tự động lùi lại để nhường chỗ cho cô bé.
Mẹ bị bom Mỹ tàn sát sau khi cứu các em nhỏ ở vườn trẻ, Ngọc Hà mới 12 tuổi đâu còn ai lo lắng, chăm sóc cho nữa. Mọi người đều nhìn cô ái ngại, xót xa.
Chính vì vậy, bên cạnh lên án cuộc chiến xâm lược bạo tàn và phi nghĩa bằng sự mất mát đau thương của Ngọc Hà thì “Em bé Hà Nội” còn ca ngợi tình yêu thương, đoàn kết của người Hà Nội dù đang trong bối cảnh tang thương.
Cố đạo diễn – NSND Hải Ninh chia sẻ: “Chúng tôi làm phim mang đề tài chiến tranh, nhưng với khát vọng hòa bình mãnh liệt. Không đề cập đến thắng - thua từ hai phía, bộ phim chỉ ca ngợi tình thương yêu của người Hà Nội trong chiến tranh. Đó là điều kì diệu tạo nên sức mạnh để giành chiến thắng”.
Đây là một phim truyện, không phải phim tài liệu nhưng được chính những người cùng thời bằng trải nghiệm, tích lũy và những chất liệu thật để làm nên. Chắc chắn những người Hà Nội đã trải qua giai đoạn ấy đều biết văn hóa người Hà Nội cũng đã góp phần làm nên chiến thắng vang dội ngày ấy.
Hay trận “đại hồng thủy” năm 2008, nhiều nơi ở Hà Nội ngập mênh mông, nhiều nơi bị ảnh hưởng, nhiều người không thể di chuyển đi làm, đi học nhưng chúng ta đã bằng mọi cách giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để vượt qua tai ương.
Để phòng chống dịch virus Corona, tại các nhà hàng ở Hà Nội cũng chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn cho khách |
Ngay trong năm 2018, khi các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ… bị ngập nặng, thậm chí có xã bị cô lập trong nhiều ngày, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các tấm lòng hảo tâm của nhân dân cũng đã giúp sớm ổn định tình hình trở lại.
Những trường hợp cháu bé bị bố đẻ 10 tuổi bị bố đẻ bạo hành, người thân của nữ lao công tử vong khi đang làm việc bị xe đâm hay nhiều trường hợp thương tâm khác tại Hà Nội đều được người dân vận động, quyên góp để có thể trang trải cuộc sống.
Mỗi đợt thiên tai, lũ lụt khắp trong và ngoài nước, người Hà Nội cũng đau xót như là việc của mình, cùng nhường cơm sẻ áo hỗ trợ.
Vì thế, chẳng có lí do gì lòng tốt, tính nhân văn, lối ứng xử văn hóa của chúng ta không thể phát huy đúng trong lúc cần thiết này. Có thể coi, bệnh dịch nCoV lần này cũng như một thử thách cho văn hóa Hà Nội “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để mỗi chúng ta cùng bày tỏ thái độ sống, văn hóa sống.
Những gì chúng ta làm được nhiều ngày qua đã cho thấy, lối ứng xử văn hóa, nhân văn, bản lĩnh thực sự đã hình thành trong người Hà Nội của những năm 2000.
Đây cũng là dịp Hà Nội kỉ niệm bước sang năm thứ 1010. Văn hóa con người, văn hóa ứng xử, một thứ tưởng chừng như vô hình nhưng là phần “hồn vía” cho bất kì con người, cho bất kì thành phố nào.
Bằng văn hóa, bằng lối ứng xử nhân văn, bản lĩnh của mình, người Hà Nội phát huy được truyền thống dẫn đầu về văn hóa, là nơi cả nước soi vào trong công cuộc phòng chống dịch virus Corona nan giải này.
Đó cũng chính là chúng ta đang tiếp thêm những lớp lang vững chắc cho nền tảng văn hóa của mình để chống chọi lại bất kì biến thiên nào của thời gian, lịch sử. Đây cũng là thứ chúng ta hạnh phúc tự hào, trao truyền lại cho con cháu để họ có thể tiếp nối truyền thống này trải dài mãi cho mảnh đất Thăng Long - Hà Nội thân yêu.