eMag azine
18/11/2024 08:00
Bài 5: Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

18/11/2024 08:00

TTTĐ - Cả hệ thống chính trị nước ta đang hừng hực khí thế với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất, đồng bộ nhất và với các giải pháp mới, tư duy mới trong xây dựng pháp luật để tập trung bứt phá, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII của Đảng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ để bước vào năm 2026 và Đại hội XIV của Đảng, “đưa nước ta bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Bài 5: Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Cả hệ thống chính trị nước ta đang hừng hực khí thế với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất, đồng bộ nhất và với các giải pháp mới, tư duy mới trong xây dựng pháp luật để tập trung bứt phá, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ để bước vào năm 2026 và Đại hội XIV của Đảng, “đưa nước ta bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Bài 5: Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Tại Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3), ngày 31/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giải thích về ý nghĩa của kỷ nguyên - một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bởi những sự kiện quan trọng hoặc thay đổi lớn trong đời sống chính trị hay khoa học, công nghệ, môi trường. Những kỷ nguyên nổi bật trong lịch sử như: Kỷ nguyên công nghiệp, Kỷ nguyên kỹ thuật số, hay Kỷ nguyên vũ trụ đã thay đổi thế giới và bây giờ, Việt Nam chuẩn bị bước vào “kỷ nguyên vươn mình”.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là thời kỳ phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hướng tới mục tiêu xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mọi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định, phát triển toàn cầu.

Trong đó, đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.

Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là từ Đại hội XIV của Đảng, khi cả dân tộc sẽ đoàn kết, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển. Tận dụng tối đa thời cơ và đẩy lùi những thách thức là chiến lược để đảm bảo sự bứt phá và cất cánh.

Bài 5: Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Để bứt phá và “cất cánh” trong giai đoạn mới thì công tác đổi mới tư duy làm luật là đặc biệt quan trọng. Trong đó, chúng ta cần tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân biệt rõ cấp ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật với cấp tổ chức thực hiện.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội rất nỗ lực, đồng hành cùng Chính phủ đổi mới tư duy, đổi mới cách làm luật đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo là xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn; phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm khơi thông nguồn lực để đảm bảo giải quyết, khắc phục điểm nghẽn tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là phân cấp, phân quyền theo hướng Trung ương giao cho địa phương làm, địa phương quyết định và địa phương chịu trách nhiệm trên cơ sở quy định của luật pháp. “Với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, phân cấp phân quyền mạnh mẽ, chúng ta phải sớm giải quyết các vướng mắc, ách tắc. Việc gì xã làm được thì xã làm ngay, huyện làm được là huyện làm ngay, tỉnh làm được thì tỉnh cũng làm ngay, không trông chờ vào Trung ương. Đây là quan điểm tư tưởng chỉ đạo rất mới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bài 5: Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chia sẻ chi tiết về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là vấn đề Đảng và Nhà nước đã quan tâm từ lâu và trong những năm qua công tác xây dựng pháp luật đã có một bước tiến rất dài, hệ thống pháp luật cơ bản, đồng bộ, hoàn thiện và đóng góp rất tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội. Bước sang một giai đoạn mới, với tư duy mới thì vấn đề tư duy xây dựng pháp luật cần phải đổi mới có tính bứt phá.

“Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chiến lược xây dựng pháp luật đồng bộ với tổ chức thi hành pháp luật. Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và trong nghị quyết này có rất nhiều tư tưởng mới về đổi mới xây dựng pháp luật. Đây là chỉ đạo của Đảng, của Trung ương, và đây là yêu cầu phát triển đất nước, yêu cầu phát triển dân tộc trong giai đoạn mới. Đổi mới xây dựng pháp luật gắn với đổi mới thi hành pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, phải đổi mới công tác xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật và chú ý đến vấn đề đúng thẩm quyền của các cơ quan trong từng khâu. Trong quá trình xây dựng pháp luật có nhiều khâu, từ xây dựng chương trình đến dự thảo, thẩm tra, thẩm định, thảo luận rồi đến tiếp thu, hoàn chỉnh rồi đến ban hành… rất nhiều khâu và rất nhiều cơ quan tham gia.

“Cơ quan nào làm tốt việc của cơ quan đó thì cơ quan sau đỡ khổ. Với tinh thần như vậy, Quốc hội làm đúng việc của Quốc hội, những việc của Chính phủ thì Chính phủ làm. Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng nêu quan điểm “phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp. Nhìn lại các nước, vấn đề xây dựng pháp luật chủ yếu do Chính phủ đề xuất, vì Chính phủ xuất phát từ thực tiễn quản lý, điều hành cuộc sống”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nói về việc lâu nay các đại biểu Quốc hội đề nghị luật phải cụ thể để thực hiện được ngay, tránh tình trạng “đẻ” thêm giấy phép con, “đẻ” thêm các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhìn nhận “không phải vì tránh những khó khăn ấy mà luật quy định hết”.

Bài 5: Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

“Luật chỉ quy định những vấn đề đúng tầm luật, vấn đề gì ở tầm nghị định thì cứ ở nghị định, không thể nói vì quy định trong nghị định đã thực hiện ổn định, được thực tiễn kiểm nghiệm rồi nên nâng lên thành luật. Vừa qua, chúng ta cũng nâng các quy định trong nghị định, thậm chí cả một số quy định trong thông tư cũng nâng lên thành luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tư tưởng trên đã được quán triệt trong Trung ương, được Trung ương thống nhất tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, được Bộ Chính trị giao Đảng Đoàn Quốc hội xây dựng một đề án về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật khoa học, chuyên nghiệp, kịp thời, khả thi, hiệu quả, hay còn gọi là quy trình “10 chữ” gồm: “Chuyên nghiệp - khoa học - kịp thời - khả thi - hiệu quả”. Bây giờ quy trình đã khoa học, chuyên nghiệp, kịp thời, khả thi, hiệu quả rồi, nhưng sắp tới phải có tư duy mới.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, phải chuyển từ nặng về quản lý sang vừa quản lý tốt, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển.

“Các nhà khoa học nói luật là hành lang pháp lý. Hành lang càng rộng thì sáng tạo càng nhiều. Hành lang mà chật, chi tiết quá thì sẽ trói buộc sự sáng tạo. Cho nên dành sự sáng tạo đó cho Chính phủ, cho các cơ quan quản lý, nhưng đi kèm với đó là yêu cầu không được làm phiền người dân, doanh nghiệp, phải khơi thông nguồn lực, phải thúc đẩy phát triển”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, để thực hiện được thì quay trở lại vấn đề giám sát, Quốc hội, HĐND phải tiến hành giám sát chặt chẽ và phải giám sát ngay từ đầu, ngay từ khi chính sách chưa được ban hành chứ không phải chính sách ban hành rồi, thực hiện rồi mới đi giám sát. Giám sát cũng phải có sự phối hợp, kế thừa sản phẩm của nhau, tránh tình trạng các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán quá nhiều gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

“Tất cả những tư tưởng đổi mới trên được thể hiện tại kỳ họp thứ 8, thông qua phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và từng nội dung trình Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Trong đổi mới tư duy pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, tư duy làm luật khác, tư duy làm nghị quyết khác, tư duy làm văn bản của địa phương phải khác. “Tinh thần là việc của ai thì trả về cho người đó, ai làm tốt nhất thì giao cho người đó làm kèm theo giao việc gắn với bảo đảm điều kiện thực hiện. Giao việc mà không có người làm thì khó”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.

Đặc biệt, quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài; những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư. Đổi mới quy trình xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.

Bài 5: Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XIII xác định một trong các mục tiêu và giải pháp quan trọng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, mở không gian cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính.

Tại kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có văn bản gửi các vị đại biểu Quốc hội và các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, nghị quyết và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan về việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.

Nhấn mạnh tầm quan trọng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp; chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách triệt để thủ tục hành chính; tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm; chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.

Bài 5: Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Để tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm soạn thảo, trình, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết, các vị đại biểu Quốc hội và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, xây dựng, ban hành luật, nghị quyết ngắn gọn, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, bám sát thực tiễn, không cầu toàn, không nóng vội; tuyệt đối không luật hóa quy định của nghị định, thông tư; loại ra khỏi dự thảo luật những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ và các cơ quan khác. Quy định của luật phải rõ ràng, thực chất, không quy định chung chung, không sao chép lại những nội dung đã được quy định trong các luật khác, góp phần đơn giản, gọn nhẹ nội dung của luật, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện.

Đặc biệt, những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước, nâng cao năng lực thực thi. Những việc bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt hơn thì mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương thực hiện để Chính phủ, các cơ quan Trung ương tập trung làm chính sách và xử lý những vấn đề vĩ mô.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Cơ bản không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ, các bộ quy định theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, tạo thuận lợi cho việc phân cấp phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì trong từng khâu của quy trình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, “cài cắm” lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội theo đúng Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, vai trò trung tâm trong đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, với tinh thần chuyên nghiệp, khoa học, kỹ lưỡng nhưng không cầu toàn; bám sát yêu cầu của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, tập trung nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến các dự thảo luật, nghị quyết nhằm tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, bất cập, nhất là các “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển, bảo đảm các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, đồng bộ thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, đưa nước ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Bộ Chính trị cũng đồng thuận theo quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách đang thực hiện mà thực sự gây khó khăn, vướng mắc trên thực tế, những nội dung đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh.

“Chúng ta vận dụng tư duy trên, quan điểm trên vào ngay các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này để xem xét, điều chỉnh là các luật, những nội dung còn ý kiến khác nhau, chưa đạt sự đồng thuận thì phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tổng kết thực tiễn rồi mới sửa đổi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đơn cử, khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để xây dựng dự án luật này đã rõ nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần lưu ý vấn đề nào “đã thấy, đã rõ, đã chín” được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì chúng ta sửa, còn vấn đề “chưa rõ, chưa chín”, chưa được thực tế chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện.

“Vấn đề nào đã thấy, đã rõ, đã chín, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì chúng ta sửa, còn vấn đề chưa rõ, chưa chín, chưa được thực tế chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện khung pháp lý”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý.

Nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản cụ thể của 4 luật trên là cần thiết, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý thêm, khi xem xét, quyết định dự luật này, Quốc hội phải cân nhắc kỹ lưỡng. “Phương châm là không cầu toàn, không nóng vội. Các đại biểu thấy Chính phủ đề xuất 30 nội dung, đầu công việc mà qua bàn thảo thấy có 20 nội dung, đầu công việc đã chín, đã rõ thì chúng ta quyết 20 việc này, 10 việc còn lại mà chưa chín, chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu sau, chứ không thể vì cầu toàn mà đợi đủ cả 30 việc đều chín, đều rõ mới thông qua”.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh việc phải có cam kết chính trị khi hứa trước Quốc hội. Ông nhắc lại câu chuyện khi Quốc hội thông qua một luật sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng thì Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết trong tháng 7/2024 cả Trung ương và địa phương sẽ hoàn thành tất cả các hướng dẫn, nhưng đến tháng 9 mới cơ bản ban hành xong nghị định, thông tư và đến bây giờ nhiều địa phương vẫn chưa có hướng dẫn. Địa phương chưa hướng dẫn thì làm sao thực hiện được là 4 luật này?

"Không phải là trước diễn đàn Quốc hội mình hứa nhưng không quyết liệt triển khai thực hiện. Chúng ta hứa trước Quốc hội, tức là hứa trước quốc dân đồng bào nên phải có cam kết chính trị quyết liệt thực hiện cho đúng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn một lần nữa khẳng định, các nội dung Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ 8 thì Quốc hội ủng hộ nhưng đồng thời phải có cam kết chính trị bảo đảm thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã hứa. Theo đó, các dự án luật phải bảo đảm 3 vấn đề: Một là trình tự, thủ tục; hai là hồ sơ; ba là phải chất lượng.

“Tổng Bí thư nói không vì nóng vội, ép phải thông qua trong khi chất lượng là chưa có. Quốc hội phải bám nguyên tắc đó. Mấy tháng qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ làm việc hết sức quyết liệt, làm cả ngày cả đêm, cả thứ Bảy, Chủ nhật. Áp lực như thế nhưng chúng ta phải làm cho thật kỹ, thật chắc chắn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Bài 5: Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Chia sẻ với phóng viên, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang đánh giá cao quán triệt của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Đồng thời ông cũng cho biết, để làm được việc này, cần thay đổi từ cơ quan soạn thảo, rà soát những nội dung nào có trong nghị định, thông tư không đưa vào luật; nêu cao vai trò của cơ quan thẩm tra là Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để rà soát, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi phù hợp với chủ trương mới, để khắc phục tình trạng luật quá dài và không “đúng”, không “trúng” trọng tâm vấn đề cần giải quyết; chỉ tập trung vào những vấn đề cốt lõi, cấp bách, quan trọng, “đã chín, đã rõ”, đã được thực tiễn chứng minh, đã nhận được sự đồng thuận cao, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

“Tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật được Chủ tịch Quốc hội nêu rõ là luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, không nóng vội; không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực; kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết, đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất”, ông Phạm Văn Thịnh nói.

Cũng theo ông Phạm Văn Thịnh, Kết luận 19-KL/TW năm 2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng khẳng định tinh thần không xây dựng luật khung, luật ống. Bởi nếu xây dựng luật khung thì các điều khoản quá rộng, chung chung và không áp dụng được trong thực tế; còn nếu xây dựng luật ống thì xây dựng quá chi tiết, tất cả quy định của ngành đưa vào luật, từ đó diễn giải thành nghị định, thông tư. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng dễ cho ngành này và gây khó khăn cho ngành khác, tư duy đó là tư duy của thông tư và nghị định theo đuôi trọng luật.

Bài 5: Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Với quyết tâm của Quốc hội các cơ quan liên quan về việc thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, cử tri và Nhân dân hoàn toàn tin tưởng vào việc đất nước chúng ta sẽ nhanh chóng khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tận dụng các cơ hội phát triển để đạt được sự thịnh vượng bền vững cho dân tộc.

Ông Phạm Văn Thịnh bày tỏ tin tưởng, với tư duy mới, công tác xây dựng pháp luật sẽ thay đổi tích cực trong thời gian tới. Trong đó, việc tháo điểm nghẽn thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc khơi thông tất cả các điểm nghẽn khác; nếu không doanh nghiệp và người dân sẽ vẫn lúng túng trong vòng luẩn quẩn thể chế. Vì vậy, xây dựng pháp luật cần rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng, không đưa thông tư, nghị định vào luật và cũng không viết chung chung theo kiểu nghị quyết.

“Với quyết tâm của Quốc hội các cơ quan liên quan về việc thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, cử tri và Nhân dân hoàn toàn tin tưởng vào việc đất nước chúng ta sẽ nhanh chóng khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tận dụng các cơ hội phát triển để đạt được sự thịnh vượng bền vững cho dân tộc”, ông Quốc hội Phạm Văn Thịnh chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thiện (45 tuổi, trú tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội), là người liên tục theo dõi các kỳ họp Quốc hội, cho rằng, ông tin tưởng vào những quyết sách được Quốc hội đã ban hành, trong đó có Luật Thủ đô năm 2024, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, hay như Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang được xem xét, thông qua.

“Luật Thủ đô năm 2024 là bước đột phá lớn cho Hà Nội, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội; cùng với tăng phân cấp, ủy quyền mạnh cho địa phương, các quy định về thu hút nhân tài, khoa học công nghệ được nêu trong luật sẽ giúp cho Thủ đô được vươn tầm phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước”, ông Thiện chia sẻ.

Ông Thiện cũng kỳ vọng Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ sớm được thông qua giúp hạn chế tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, dự án công được giải phóng các quy định, thủ tục sẽ không còn rơi vào tình trạng trì trệ, kéo dài dẫn đến đội vốn. Trong dự thảo luật, ông Thiện đánh giá cao việc bổ sung một số quy định mới như tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập sử dụng các nguồn vốn ngoài vốn đầu tư công cho công tác chuẩn bị đầu tư, phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, phân cấp quyết định chủ trương đầu tư các nhóm dự án sẽ góp phần rút ngắn thời gian trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư công.

Đáng chú ý, ông Thiện bày tỏ ấn tượng và kỳ vọng nhất là Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam tại kỳ họp này.

“Câu chuyện ăn sáng ở Hà Nội và ăn trưa ở TP HCM bằng đường sắt đã được nói từ lâu. Tôi cũng như rất nhiều người dân khác mong muốn điều đó sớm trở thành hiện thực, bản thân tôi cũng muốn chính mình sẽ sớm được trải nghiệm điều đó”, ông Thiện nói và cho biết thêm rằng, việc đầu tư dự án sẽ góp phần tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới.

Ông Thiện cũng nhấn mạnh thêm, Đảng đã có chủ trương, Quốc hội đang thảo luận kỹ càng, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt và cũng là mong muốn của nhiều người dân thì đúng là “ý Đảng, lòng dân”, dự án được thực hiện thành công sẽ là chiếc “chìa khóa” khơi dậy nhiều tiềm lực của đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu để dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới.

Bài 5: Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Ông Cao Tiến Đoan, Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa: “Với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế từ đó tạo bước đột phá về thể chế, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và kỳ vọng khi các dự án luật mới được thông qua sẽ là điểm tựa để khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.

Ở góc độ đại diện doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Cao Tiến Đoan, Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đánh giá rất cao các hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là việc thông qua các Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 tại các kỳ họp thường niên và bất thường trước đó.

Đặc biệt, trước tính chất cần thiết, cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn từ yêu cầu thực tiễn cho thị trường bất động sản, theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sau đó đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn từ 1/8/2024, thay vì từ ngày 1/1/2025.

“Các luật có hiệu lực sớm giúp củng cố lòng tin, thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, việc quy định xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường là một bước tiến đặc biệt quan trọng trong Luật Đất đai mới, đồng thời quy định loại bỏ khung giá đất và yêu cầu bảng giá đất được cập nhật hàng năm nhằm đảm bảo bảng giá đất phản ánh chính xác giá trị thị trường hiện tại của đất là rất phù hợp với thực tế thị trường”, ông Cao Tiến Đoan nhận định.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã rất sát sao, quyết liệt ngay từ đầu, từ khi ban hành luật cho đến khâu tổ chức thi hành, nhất là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết; nhưng vẫn có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” khi một số địa phương còn chậm chễ ban hành các nội dung được giao trong luật và các nghị định.

“Chính phủ đã ban hành 10 nghị định, Thủ tướng đã ban hành 1 quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành 5 thông tư được Luật Đất đai mới giao. Nhiều tỉnh, thành phố đã tập trung nguồn lực để ban hành được một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nhưng một số nơi lại chậm chễ làm ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản nói riêng và thị trường nói chung”, ông Cao Tiến Đoan nói và cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện chấn chỉnh về việc này và được cộng động doanh nghiệp ủng hộ.

“Luật Đất đai được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, bước đầu đã đi vào cuộc sống góp phần vào việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung đánh giá rất cao về động thái của Chính phủ và Quốc hội”, ông Đoan chia sẻ.

Đặc biệt, theo ông Đoan, thời gian vừa qua, rất nhiều dự án vướng mắc về thực hiện nghĩa vụ tài chính. Có những dự án áp dụng theo Luật Đất đai ban hành năm 1993, chứ không phải năm 2013. Ngay cả với luật năm 2013, nhiều địa phương không thực hiện được, dẫn đến nhiều sai phạm trong câu chuyện về định giá đất, từ đó, xảy ra vấn đề sợ sai, không dám làm.

“Về định giá đất thì khi luật có hiệu lực làm phải minh bạch và yêu cầu địa phương phải công khai, phải đưa ra thành quy định. Khi có quy định rõ ràng thì cán bộ thừa hành rất yên tâm không làm sai khi giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư. Nếu không có quy định trong luật thì cán bộ rất sợ, vì khi làm sẽ không biết mình đang làm đúng hay làm sai”, ông Cao Tiến Đoan phân tích và cho biết thêm, điều quan trọng là luật này nhằm triệt để phân cấp cho địa phương, điều kiện là phân cấp HĐND cấp tỉnh gắn với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu các địa phương phải đưa ra khuôn mẫu, quy định phù hợp.

Tại kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội khi phải giải quyết khối công việc rất lớn, kỷ lục với 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận. Trong đó, Quốc hội xem xét, phấn đấu thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

“Qua theo dõi, tôi cho rằng đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân cả nước rất quan tâm. Đặc biệt, kỳ họp lần này làm việc cả thứ Bảy cho thấy sự quyết tâm chính trị rất cao để hoàn thành chương trình kỳ họp đã đề ra của Quốc hội”, ông Cao Tiến Đoan chia sẻ.

Bày tỏ quan tâm đến các dự án luật tại kỳ họp này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa lưu ý đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 7 luật); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật); đặc biệt là Luật Đầu tư công (sửa đổi) với những quy định mang tính đột phá, cải cách thể chế.

Theo ông Cao Tiến Đoan, thể chế, chính sách liên quan trực tiếp đến việc hình thành và triển khai các dự án đầu tư công còn bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Theo quy định, từ khi hình thành dự án đến khi có thể giải ngân được vốn, tổ chức thực hiện trải qua nhiều giai đoạn, với nhiều quy trình, trình tự, thủ tục chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kiến trúc... mỗi giai đoạn có những vướng mắc khác nhau. Trong khi đó, việc thực hiện phải được tuần tự theo quy định của pháp luật, tuân thủ thời gian, do đó dù có vướng mắc nhỏ thì cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ tiến độ tổng thể của dự án.

“Với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế từ đó tạo bước đột phá về thể chế, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và kỳ vọng khi các dự án luật mới được thông qua sẽ là điểm tựa để khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nói thêm.

Có thể nói, trong thời đại xã hội phát triển nhanh, cuộc sống luôn biến đổi khôn lường, chính vì thế, chúng ta “đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa”, và “với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm”, xác định, phân công nhiệm vụ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Trong đó, công tác xây dựng pháp luật phải được triển khai với tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, “nói ít, làm nhiều”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được”, “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”.

Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, khi “suy nghĩ đã chín, tư tưởng đã thông, cơ chế đã có, cờ đã đến tay” thì phải có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó để lấy động lực, cảm hứng làm việc tiếp theo, phát huy hơn nữa tư tưởng tấn công, khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung.

Với tư duy mới, người dân, doanh nghiệp bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng các dự án luật được Quốc hội ban hành chất lượng ngày càng cao và sát với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân và các doanh nghiệp, tổ chức trong quá trình thực thi. Tất nhiên, khi đó, thế và lực của đất nước sẽ tiếp tục được nâng lên tầm cao mới.

Bài 5: Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thực hiện: Hậu Lộc - Phạm Thành


Bài viết liên quan loạt bài: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật - tạo đột phá đưa đất nước cất cánh trong kỷ nguyên mới

Bài 1: Điểm nghẽn thể chế - "Căn bệnh" kìm hãm sự phát triển của đất nước Bài 2: Đổi mới, cải cách, hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ Nhân dân Bài 3: Dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm” - Hiệu lệnh khơi thông mọi nguồn lực Bài 4: Đột phá tư duy - kiến tạo phát triển

« Xem bài 4

Phạm Thành Hậu Lộc