Bài 8: Người trẻ cần nêu cao vai trò, giá trị của mình
![]() |
(TTTĐ) Người trẻ chính là thế hệ chủ nhân tương lai của Hà Nội. Mang trong mình giá trị truyền thống của cha ông để lại, tích hợp những làn sóng văn hóa tiên tiến trên thế giới, bằng kiến thức và tài năng của mình, các bạn chính là những người tạo nên gương mặt Hà Nội đầy năng động và hội nhập. Hơn ai hết, thanh niên Hà Nội ngày nay nên chủ động đón nhận trách nhiệm với Thủ đô trong tương lai và khẳng định vị thế chủ nhân của mình.
>> Gìn giữ và phát huy nét thanh lịch người Hà Nội:
Bài 1: Yêu cầu cấp thiết
Bài 2: Vai trò quan trọng của gia đình
Bài 3: Tôn vinh những hành động đẹp vì tình yêu Hà Nội
Bài 4: Phát huy vai trò văn học nghệ thuật trong việc giáo dục lối sống văn hóa
Bài 5: Ứng xử văn hóa trong từng cơ quan, khu dân cư…
Bài 6: Văn hóa nhường nhịn
Bài 7: Để những giá trị truyền thống lan rộng mãi
Nói như thế không có nghĩa là “đặt gánh nặng” lên vai người trẻ. Bác Hồ kính yêu đã từng dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Đóng góp của những người trẻ cho thành phố không hẳn là những việc làm to lớn, mang vinh quang hay tỏa sáng chói ngời. Đóng góp của người trẻ đôi khi chỉ là những việc làm hết sức bình dị nhưng đúng sức, vừa tầm, có tâm và đầy trách nhiệm, toát lên khí chất của một Hà Nội trẻ trung, sôi động mà vẫn đằm sâu đầy thanh lịch, đậm nét Tràng An.
Người trẻ chính là thế hệ chủ nhân tương lai của Hà Nội. Mang trong mình giá trị truyền thống của cha ông để lại, tích hợp những làn sóng văn hóa tiên tiến trên thế giới, bằng kiến thức và tài năng của mình, các bạn chính là những người tạo nên gương mặt Hà Nội đầy năng động và hội nhập. Ảnh minh họa.
Chủ nhật vừa qua, nhân sự kiện nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ TP Hồ Chí Minh ra kí tặng bạn đọc Thủ đô cuốn sách mới nhất của ông “Ngày xưa có một chuyện tình”, bạn trẻ Hà Nội đã tạo nên một hình ảnh vô cùng đẹp. Hàng trăm học sinh, sinh viên và cả người đã đi làm kiên nhẫn xếp thành hàng dài ra tận phố Đinh Tiên Hoàng dưới trời nắng gắt để chờ bằng được nhà văn họ hâm mộ tận tay kí tặng ở phố Đinh Lễ. Dù dự kiến chương trình chỉ từ 8h30 đến 11h30 nhưng mãi đến hơn 14h chiều độc giả mới bớt đông. Nắng thì có ô che, chai nước chuyền tay nhau uống, người chờ đến lượt tranh thủ đọc ngay tại “hiện trường”, người mua được sách rồi thì hí hửng ra ghế đá hồ Gươm hoặc ké bóng cây trên phố Đinh Tiên Hoàng ngồi đọc sách. Con phố ngày thường nườm nượp người xe, vào cuối tuần trở thành phố đi bộ lí tưởng cho các gia đình trẻ đưa con ra ngồi đọc sách, chơi trò chơi trong làn gió hồ Gươm mát rượi, trong hương hoa sữa đầu mùa thoang thoảng và những chiếc lá sấu vàng rơi đẹp mê hồn.
Việc xếp hàng trật tự, không vì đông đúc, vội vàng mà chen lấn, xô đẩy cho thấy người trẻ Hà Nội thật văn minh, thanh lịch. Nếu ai đó trót phê phán rằng giới trẻ Hà Nội ồn ào, thiếu sự nhường nhịn, chưa có văn hóa xếp hàng thì chỉ cần nhìn dòng người hôm đó là sẽ nghĩ khác hẳn. Nếu ai đó nói rằng người trẻ Hà Nội bây giờ chỉ thích nhạc Hàn, phim Hàn, mê mẩn nhạc Rock, Rap mà không chịu đọc sách, nghiên cứu văn hóa thì hãy đến với phố sách Đinh Lễ vào cuối tuần.
Hội sách mùa Thu vừa diễn ra tại Công viên Thống Nhất hồi đầu tháng 9 vừa rồi, dù thời tiết không mấy thuận lợi nhưng người mua vẫn đông như trẩy hội. Rất nhiều bạn trẻ chen vai thích cánh, hẹn hò rủ nhau đi hội sách, không chỉ để chụp ảnh “check-in” đăng facebook cho oai mà tìm tòi mua sách thật sự. Các tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới và của Việt Nam, các cuốn sách về kĩ năng sống và cả các tác phẩm danh tác một thời cũng được bạn đọc trẻ tuổi vui vẻ “rinh” về nhà, làm đầy giá sách và làm đầy tâm hồn của mình. Hội sách cũng là “thời cơ” cho những người muốn “săn” hàng giảm giá, nghĩa là mua được đúng sách thật nhưng giá rẻ chứ không phải là sách giả, chất lượng xấu, tiếp tay cho hành động “giết chết sách thật” như ở một số cửa hàng sách thường ngày. Bạn trẻ đọc sách thật, mua sách thật chính là đã góp phần làm ngành sách phát triển, tạo nên một cách đọc, cách tiêu dùng đầy văn hóa, văn minh.
Mấy năm gần đây các trung tâm thương mại mở ra nhiều, tạo ra nhiều sân chơi mới cho người Hà Nội mỗi dịp cuối tuần. Nếu không xem phim, mọi người có thể đi mua sắm hay thưởng thức hương vị ẩm thực khắp thế giới tại đây. Nhiều người cứ ngỡ đến đó là được phục vụ nên mặc nhiên có quyền hưởng thụ, xả rác bừa bãi. Tại khu ăn uống của một trung tâm thương mại gần Ngã Tư Sở, rất nhiều gia đình ăn uống xong là vứt đồ ăn thừa, hộp túi lổng chổng trên bàn rồi bỏ đi. Người đến sau chỉ dồn tất cả vào một góc bàn rồi đặt đồ ăn thức uống của mình vào. Có hai cô gái trẻ khi ngồi vào bàn đã tự động thu nhặt hết rác vào túi nilon, dẹp gọn xuống chân, tỉ mẩn lau bàn sạch sẽ sau đó mới ăn uống. Khi thấy nhiều người đang tìm chỗ, các cô giục nhau ăn nhanh để nhường chỗ mà không quên dọn sạch rác của mình, lau bàn sạch bóng rồi rời đi. Nhìn cái bàn sạch sẽ, hộp đũa và giấy ăn để gọn gàng, ghế xếp ngay ngắn, rất nhiều người xung quanh chợt thấy xấu hổ nên nhắc nhở con giữ vệ sinh chung. Rõ ràng, chỉ bằng hành động nhỏ, nhưng hai cô gái đó đã tác động rất lớn đến suy nghĩ, ý thức của những người khác.
Cách đây mấy năm, các bạn trẻ đã chung tay lau dọn tẩy rửa con đường gốm sứ khỏi bụi bẩn và mùi xú uế đã được dư luận khen ngợi. Hay các bạn trẻ bảo nhau làm sạch tháp Hòa Phong bên hồ Gươm. Nếu ai cũng coi thành phố là của mình, ý thức giữ gìn, bảo vệ thì thành phố sẽ đẹp lên, thanh lịch và văn minh.
(còn nữa)
Cẩm Tú
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đề xuất đưa dân ca Hrê vào danh sách di sản quốc gia

Nhà thiết kế Yến Ngô hạnh phúc khi đồng hành Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2025

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng tác phẩm “Việt Nam - những trang sử vàng” cho Khu Di tích Kim Liên

Đắk Nông: Khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2025

Tổ chức Triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh với chất lượng tốt nhất

Đắk Lắk vinh danh 32 tác phẩm xuất sắc viết về Bác Hồ

Sâm Ngọc Linh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
