Bài 8: Phát triển du lịch thông minh là tất yếu
Vai trò của Cách mạng 4.0 với ngành Du lịch
Trong xu thế ngành sản xuất công nghiệp phải đối mặt với thách thức của robot hóa thì ngành Du lịch Việt Nam lại có tiềm năng để phát triển. Với hơn 3.200km bờ biển, 11 di sản phi vật thể và 15 di sản khác đã được UNESCO công nhận cùng rất nhiều danh lam thắng cảnh và nghệ thuật ẩm thực… ngành Du lịch Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế xứng tầm. Trong CMCN 4.0, ngành Du lịch cần được phát triển một cách thông minh với hỗ trợ của công nghệ số để tạo ra và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch, làm cho khách thật hài lòng khi đến Việt Nam.
Công nghệ có thể tính toán được xu hướng nhu cầu của khách đối với loại hình du lịch nào, sở thích về các hoạt động trong chuyến đi, địa điểm, hình thức mua sắm hay loại cơ sở lưu trú mà khách thường lựa chọn. Phần mềm sẽ gợi ý cho bạn thời điểm, địa điểm xuất phát, lịch trình chuyến đi. Những chiếc xe được lập trình sẽ đến đón bạn. Với một thiết bị cầm trên tay, lựa chọn các mã số tương ứng trên các hiện vật, bạn sẽ nghe được phần trình bày của “hướng dẫn viên” ngay lập tức. Cũng vậy, “du lịch 4.0” có thể hướng dẫn, giới thiệu cho bạn các điểm du lịch với những lựa chọn đa dạng. Máy bán hàng tự động sẽ bán bất kỳ món quà lưu niệm nào mà bạn muốn, ngay cả một món ăn hợp khẩu vị cũng được làm tự động. Khách du lịch thực sự là đối tượng trung tâm của những cải tiến về phương thức phục vụ. Các sản phẩm du lịch có sự trợ giúp của kỹ thuật số có giá trị cao hơn và bền vững hơn với sự duy trì, cập nhật, phân tích dữ liệu và có các hình thức hợp tác mới.
Trên thế giới, xu hướng sử dụng dịch vụ internet để quyết định cho các chuyến đi và nội dung hoạt động du lịch ngày càng tăng. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, có 88% khách du lịch tra cứu thông tin qua mạng, trong đó, 35% thường xuyên sử dụng internet để tìm kiếm thông tin du lịch. Tra cứu Google Trends cho thấy, từ khóa “du lịch” được tìm kiếm tăng 3 lần trong 5 năm gần đây. Thông tin du lịch trong nước được tìm kiếm thường liên quan đến điểm đến, khách sạn, nhà hàng, kinh nghiệm du lịch... Những yếu tố này là nền tảng thuận lợi để du lịch Việt Nam phát triển trong CMCN 4.0.
Ngành Du lịch được hình dung có rất nhiều khâu. Đối với du khách, đầu tiên phải tìm địa chỉ trên mạng, tìm kiến khách sạn, tìm các chỗ đi lại và giá cả hợp lý nhất; tiếp theo là mua vé máy bay rồi các chỉ dẫn đường đi. Trong mỗi khâu này, CMCN 4.0 đều có tác động.
Bên cạnh đó, với cách mạng 4.0 đã phủ sống toàn cầu, việc sử dụng Viber hay dùng các phần mềm khác như Zalo… cho phép tương tác gần như tức thì, không có chậm trễ ngay cả khi ở nước ngoài. Vì thế, khi đi du lịch ở nước ngoài vẫn có thể giữ được liên lạc thường xuyên với gia đình, người thân, giải quyết công việc.
Đối với các đơn vị du lịch, đặc biệt là với các công ty khởi nghiệp của người trẻ (những người đóng vai trò tiên phong trong tiếp thu công nghệ mới) đây cũng là một cơ hội để chúng ta có thể tuyên truyền, quảng bá những thông tin lên mạng, lên website; đưa những hình ảnh tốt đẹp lên nhằm quảng bá điểm đến, đồng thời cũng nhận lại những báo cáo về tuyến điểm như có chỗ nào chặt chém, chèo kéo hay đeo bám du khách để làm giảm thiểu và đi đến giải quyết dứt điểm.
Rõ ràng, du lịch trong CMCN 4.0 cũng cần được phát triển một cách thông minh với hỗ trợ của công nghệ số. Sự thông minh thể hiện ở chỗ phải tính toán được lợi hại của các dịch vụ; tuyên truyền sâu rộng cho người dân thấy lợi ích của dịch vụ chất lượng cao cũng như thiệt hại của việc làm ăn “chụp giật” khiến du khách không muốn quay trở lại, thậm chí có những bàn tán về các yếu kém của du lịch Việt Nam trên không gian mạng. Ứng dụng công nghệ số có thể tạo ra và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch, làm cho du khách hài lòng.
Tận dụng cơ hội để phát triển
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, mục tiêu đóng góp 10% GDP, thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020 cho thấy du lịch là một ngành trụ cột của kinh tế Việt Nam và đang thay đổi mạnh nhờ Cách mạng 4.0.
Xếp hạng 17 trong những quốc gia có mức độ phổ cập Internet hàng đầu thế giới, Việt Nam hiện có hơn 53% dân số sử dụng Internet hàng ngày. Trong đó, gần một nửa người dùng Internet có đặt dịch vụ khách sạn, vé máy bay, tour du lịch... theo hình thức trực tuyến do người dùng có thói quen tìm kiếm các thông tin trên mạng trước khi quyết định đi du lịch ở đâu, sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào. Do đó, xây dựng nhận diện thương hiệu trực tuyến là việc thiết yếu đối với tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch. Nhận diện thương hiệu trực tuyến cho phép các đơn vị này tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh với các đối thủ, tiếp cận khách hàng tiềm năng từ khắp nơi trên thế giới mọi lúc mọi nơi.
Nhận thức được vấn đề trên, Tổng cục Du lịch cũng đang tích cực triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ quảng bá bằng e-marketing. Trong đó, thông tin, lịch sử, hình ảnh của điểm du lịch sẽ được cung cấp đầy đủ thông qua website, các trang mạng xã hội chính thức trên Facebook, Instagram của Tổng cục Du lịch.
Đây là chiến lược phải đẩy mạnh trong thời gian tới và Tổng cục Du lịch mới thực hiện bước đầu. Định hướng xây dựng e-marketing là hướng tới du khách chứ không phải nhà quản lý. Khách du lịch đến từ nhiều thị trường với ngôn ngữ khác nhau nên các sản phẩm e-marketing sẽ hướng tới tiếp cận càng nhiều thị trường càng tốt. Hội đồng Tư vấn du lịch đang hỗ trợ Tổng cục xây dựng đề án này với một chiến lược cụ thể về e-marketing cho du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong thời đại Cách mạng 4.0, để tồn tại các doanh nghiệp du lịch cần phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi số một cách quyết liệt, vì đây đang là xu thế không thể đảo ngược và tất cả bị đặt vào một cuộc đua mang tính sống còn. Những diễn biến trên các thị trường thuộc nhiều ngành nghề cho thấy, nếu các doanh nghiệp không kịp tiến hành chuyển đổi thì tương lai phát triển của họ gần như sẽ bị đóng lại.
(Còn nữa)