Bản án nghiêm khắc cho 6 bị cáo "thổi giá" đất ở Sóc Sơn
Phiên toà thu hút đông đảo người dân
Ngày 6/3, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đưa 6 bị cáo trong vụ “thổi giá” đất lên tới 30 tỷ đồng/m2 xảy ra cuối tháng 11/2024 ở huyện Sóc Sơn. Phiên tòa được tổ chức xét xử lưu động tại Hội trường UBND xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nhằm tạo sự răn đe và phòng ngừa chung.
Theo ghi nhận, 8h30 phiên tòa mới bắt đầu diễn ra, song ngay từ sáng sớm, có rất đông người dân địa phương cùng người liên quan, nhân chứng... đã có mặt tại hội trường UBND xã Quang Tiến để theo dõi phiên xử. Trong 6 bị cáo thì duy nhất có Phạm Ngọc Tuấn (cựu nhân viên ngân hàng ở huyện Đông Anh, Hà Nội) bị tạm giam, 5 người còn lại được tại ngoại. Cả 6 bị cáo cùng bị truy tố, xét xử về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, theo quy định tại khoản 2, Điều 218 - Bộ luật Hình sự.
![]() |
Cảnh sát hỗ trợ tư pháp áp giải bị cáo Phạm Ngọc Tuấn |
Đúng 8h30, các bị cáo được cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa ra hội trường xét xử là Phạm Ngọc Tuấn (sinh năm 1991, trú tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội); Ngô Văn Dương (sinh năm 1994, trú tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh); Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1992, trú tại phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
Tiếp đến là Nguyễn Thị Quỳnh Liên (sinh năm 1981, trú tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội); Nguyễn Thế Trung (sinh năm 1994) và Nguyễn Thế Quân (sinh năm 1994, đều trú tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Cáo trạng truy tố cho thấy, tháng 11/2024, khi biết Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân chuẩn bị đấu giá đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), từ ngày 26/11/2024 đến ngày 29/11/2024, Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương và 4 bị cáo liên quan đã bàn bạc, trao đổi góp tiền mua hồ sơ, nộp tiền đặt cọc đăng ký tham gia đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai.
Cả nhóm thống nhất, từ vòng thứ nhất đến vòng thứ 4 sẽ đấu giá theo trình tự, trả giá dưới mức giá mà Tuấn ấn định từ trước. Kết quả đấu giá ở vòng thứ 4 nếu thấy những người tham gia đấu giá khác trả giá vượt mức tối đa mà Tuấn đã ấn định thì đến vòng thứ 5 các bị cáo sẽ trả giá cao bất thường. Sau đó, tới vòng thứ 6, các bị cáo này sẽ không trả giá nữa nhằm mục đích để phiên đấu giá không thành công và buộc phải tổ chức đấu giá lại.
Kết quả điều tra xác định, 36/58 thửa đất bị nhóm Tuấn, Dương bàn bạc, thông đồng cố ý “thổi giá” ở vòng thứ 5 với giá cao bất thường là từ 59.488.000/m2 đến 30.002.488.000 đồng/m2. Đến vòng thứ 6 thì tất cả 6 bị cáo trên đều không bỏ giá.
Sau khi đấu giá viên công bố kết quả đấu giá ở vòng thứ 5, do nhóm của Tuấn bỏ giá cao bất thường nên nhiều khách hàng bức xúc, gây mất an ninh trật tự tại khu vực đấu giá vì cho rằng các đối tượng đã có hành vi phá cuộc đấu giá. Do 6 bị cáo không trả giá tại vòng thứ 6 nên phiên đấu giá không thành công.
Quá trình xét xử, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội xác định, hành vi nâng giá của các bị cáo đã vi phạm Điều 9, khoản 5 - Luật Đấu giá tài sản. Hậu quả là gây thiệt hại gần 420 triệu đồng, trong đó gây thiệt hại cho Công ty đấu giá hợp danh Thanh Xuân hơn 252 triệu đồng và gây thiệt hại cho 230 người mua hồ sơ tham gia đấu giá với số tiền hơn 165 triệu đồng...
![]() |
Các bị cáo đồng phạm với Phạm Ngọc Tuấn |
Các bị cáo thành khẩn nhận tội
Tại phiên toà sơ thẩm hôm nay, bị cáo Phạm Ngọc Tuấn thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Bị cáo khai khi biết tin về việc tổ chức đấu giá đất, biết khu này gần khu công nghiệp Nội Bài, có tiềm năng tăng giá nên mong muốn mua được 1 - 2 thửa để ở hoặc đầu tư kiếm lời. Để tham gia đấu giá, Tuấn cùng 5 bị cáo thống nhất mua 58 bộ hồ sơ của 58 thửa đất. Cả nhóm hẹn nhau ở quán cà phê để xem xét hồ sơ, vị trí các thửa đất cũng như mức giá sẽ đưa ra cho từng thửa.
Theo lời khai của Tuấn, bị cáo này có gọi điện tới Công ty đấu giá hợp danh Thanh Xuân - đơn vị tổ chức đấu giá các thửa đất và được tư vấn có thể bỏ giá tùy theo ý chí cá nhân, không hạn chế mức tiền. Vì vậy, nhóm bị cáo lên kế hoạch nếu không đủ khả năng tài chính thì sẽ “phá” cuộc đấu giá, bằng cách ở vòng 5 trả giá thật cao rồi đến vòng cuối bỏ cuộc, khiến cuộc đấu giá phải dừng và tổ chức lại vào lần sau.
Hội đồng xét xử hỏi theo hiểu biết cá nhân thì giá một m2 đất tại khu đấu giá là khoảng bao nhiêu, Tuấn nói tối đa là 40 triệu đồng/m2. “Vậy tại sao bị cáo lại trả tới 30 tỉ đồng/m2, một mức giá không tưởng?”, đại diện Hội đồng xét xử truy vấn.
Trả lời tòa, bị cáo Tuấn nói rằng, mục đích của hành vi này là để giữ lại những thửa đất mà mình thích cho phiên đấu giá sau. Đến nay, bị cáo rất ăn năn, hối hận, đã nhận thức hành vi của bản thân là vi phạm pháp luật và mong được tha thứ, cho hưởng khoan hồng.
![]() |
Bị cáo Phạm Ngọc Tuấn xin toà mở lượng khoan hồng |
Đáng chú ý, tại phiên toà, bị cáo Ngô Văn Dương cho hay, sau khi cuộc đấu giá gây xôn xao dư luận, Tuấn nói khi gặp báo chí sẽ giới thiệu mình là người siêu giàu, hoàn toàn có khả năng tài chính, muốn làm một phi vụ lớn. Tuấn còn dặn mỗi người phải khai một hướng khác nhau để đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, nhận thấy hành vi của bản thân “chắc chắn là phạm tội”, và cũng sợ bị xử lý, Dương cùng một số bị cáo đã ra đầu thú. Quá trình điều tra cũng như xét xử tại toà, các bị cáo đều bày tỏ sự thành khẩn, hối lỗi, tha thiết xin hưởng mức án nhẹ để sớm trở về với gia đình và xã hội.
Sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, Hội đồng xét xử kết luận, các bị cáo đều là những người có hiểu biết, nhưng vì động cơ vụ lợi đã gây ra hành vi phạm tội, gây bức xúc dư luận Nhân dân và làm ảnh hưởng đến hoạt động bán đấu giá tài sản.
Xét vai trò của 6 bị cáo, Hội đồng xét xử sơ thẩm thẩm đánh giá, Phạm Ngọc Tuấn là người khởi xướng, rủ rê, bàn bạc và chỉ đạo cả nhóm thực hiện hành vi vi phạm. Tuấn cũng là bị cáo góp nhiều tiền nhất để tham gia đấu giá, khi đấu giá 3/36 thửa đất Tuấn trả giá rất cao rồi không tiếp tục trả nữa.
Tiếp đó, Ngô Văn Dương là bị cáo hưởng ứng, thực hành tích cực nhất và rủ 4 người còn lại tham gia phi vụ phạm pháp này, còn các bị cáo khác giữ vai trò thứ yếu. Trên cơ sở đánh giá toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Ngọc Tuấn mức án 36 tháng tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.
5 bị cáo đồng phạm với Tuấn, gồm Ngô Văn Dương lĩnh 30 tháng tù, Nguyễn Đức Thành lĩnh 24 tháng tù. Ba bị cáo: Nguyễn Thế Quân bị phạt 15 tháng tù cho hưởng án treo, Nguyễn Thị Quỳnh Liên 12 tháng tù cho hưởng án treo, Nguyễn Thế Trung 18 tháng tù cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử sơ thẩm ghi nhận các bị cáo đã bồi thường cho bên thiệt hại tổng cộng hơn 250 triệu đồng. Tòa buộc 6 bị cáo tiếp tục bồi thường tổng cộng hơn 160 triệu cho 230 bị hại của vụ án.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đưa bạn gái đi du lịch để thiết lập đường dây buôn ma túy

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối tượng Phan Đình Tín lãnh án chung thân

Quảng Nam: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đền bù tái định cư

Quỳ Châu (Nghệ An): Lừa bán em ra nước ngoài

Chủ chung cư bị phạt 12 năm tù, bồi thường gần 24 tỷ đồng

Y án sơ thẩm đối với bị cáo hành hung nam sinh

Xét xử 8 bị cáo trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ

Quế Phong (Nghệ An): Mua bán ma tuý, 5 bị cáo lĩnh án

Xét xử lưu động 6 bị cáo “thổi giá” đất ở huyện Sóc Sơn
