Bàn giải pháp nâng cao chất lượng biên soạn, sử dụng sách giáo khoa
Tọa đàm “Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đồng hành cùng các trường nâng cao chất lượng giảng dạy” diễn ra chiều 27/12 tại báo Hànộimới ghi nhận nhiều ý kiến, giải pháp tâm huyết trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa |
Hiệu ứng tích cực từ xã hội hóa sách giáo khoa
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà đánh giá cao vai trò của Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam trong việc biên soạn, tập huấn, phát hành sách giáo khoa (SGK) và khẳng định, NXB Giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cũng là NXB duy nhất thực hiện tất cả các khâu và biên soạn đầy đủ SGK các lớp ở các môn học, hoạt động giáo dục…
Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà phát biểu đề dẫn tọa đàm |
Ông Lại Bá Hà mong mỏi thông qua ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà giáo, tọa đàm góp phần đề xuất các giải pháp hữu ích để NXB Giáo dục Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả trong hành trình cùng các trường nâng cao chất lượng giảng dạy.
Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng đánh giá NXB Giáo dục Việt Nam đã theo kịp sự đổi mới của ngành Giáo dục và hy vọng, NXB sẽ có những hoạt động ký kết, hợp tác mới với các đơn vị làm sách nước ngoài; tăng cường hợp tác với đội ngũ giáo viên đang trực tiếp giảng dạy để có những bộ sách gần gũi, thiết thực với học sinh hơn.
Theo thông tin từ đại diện NXB Giáo dục Việt Nam, hiện, đơn vị có 985 tác giả, trong đó có đến 224 tổng chủ biên và chủ biên. Trong số các tác giả này, có rất nhiều nhà khoa học, nhà giáo được đào tạo bài bản ở các cơ sở đào tạo ở nước ngoài về. Cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại và nguồn lực đầu tư lớn, NXB Giáo dục Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp vào việc tham gia làm SGK. Đơn vị hiện có 485 đầu SGK từ lớp 1 đến lớp 12, được đại đa số cơ sở giáo dục trên toàn quốc lựa chọn và sử dụng với những phản hồi rất tích cực.
Chia sẻ về những trải nghiệm trong những năm đầu tổ chức dạy học theo SGK mới, cô giáo Lê Thu Thủy - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) cho biết, nhà trường đang thực hiện giảng dạy bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Cuốn sách có cải thiện rõ rệt cả về hình thức và nội dung, được biên soạn khoa học, sáng tạo, nội dung phù hợp, bảo đảm mục tiêu phát triển năng lực học sinh và giúp học sinh hứng thú.
Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Nguyệt Nga - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) nhận định, mỗi bộ SGK có ưu điểm riêng. Bên cạnh những bài giảng trên lớp, giáo viên thường xuyên chia sẻ đường link cuốn “Hành trang số” của NXB Giáo dục Việt Nam, giúp học sinh thêm tư liệu phong phú, đa dạng và học tập hiệu quả, yêu thích môn học nhiều hơn.
Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà giáo về sử dụng sách giáo khoa |
Khẳng định mục tiêu bảo đảm an sinh, chia sẻ với gia đình học sinh, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng cho biết, đơn vị đã nỗ lực tiết giảm chi phí nhiều công đoạn để giảm giá SGK năm học 2024-2025. Trong đó, bộ sách Kết nối tri thức giảm 9,6% giá bìa, bộ sách Chân trời sáng tạo giảm 11,2% giá bìa.
Ngoài ra, đơn vị cũng tích cực thực hiện các hoạt động xã hội nhằm chia sẻ với các gia đình khó khăn. Năm 2024, NXB Giáo dục Việt Nam đã tặng sách cho học sinh diện chính sách với trị giá gần 200 triệu đồng; hỗ trợ văn phòng phẩm hơn 100 triệu đồng, trao học bổng bằng tiền mặt hơn 200 triệu đồng... Ngoài ra, nhằm chung tay khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, đơn vị cũng đã hỗ trợ SGK cho các nhà trường với trị giá 891 triệu đồng và hơn 770 triệu đồng tiền mặt.
Đóng góp giải pháp sử dụng sách hiệu quả
Chia sẻ của các thầy, cô giáo tại tọa đàm đều khẳng định những ưu điểm của việc thực hiện chủ trương xã hội hóa SGK, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến nâng cao hiệu quả sử dụng SGK.
Là giáo viên cốt cán của Hà Nội tham dự tập huấn của Bộ GD&ĐT về sử dụng SGK, cô giáo Nguyễn Nguyệt Nga, Trường THPT Việt Đức chia sẻ, ưu điểm của việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách là việc giáo viên có thể giảng dạy bộ sách này, nhưng có thể sử dụng thêm nguồn ngữ liệu ở các bộ sách giáo khoa khác. Nhà trường tận dụng ưu thế này và nhận thấy học sinh rất hào hứng trong học tập.
Bà Vũ Mai Lan - Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, việc xã hội hóa sách giáo khoa giúp cung cấp thêm ngữ liệu để giảng dạy và học tập. Khi có nhiều bộ sách, có sự cạnh tranh thì những người làm sách phải cố gắng hết sức để làm sách một cách tốt nhất. Để phát huy lợi thế này, mỗi nhà trường nên có cả 3 bộ sách trong thư viện để giáo viên, học sinh có thể tìm thêm ngữ liệu phục vụ dạy và học. Phía NXB cũng cần đầu tư thêm học liệu điện tử đặc thù của các môn học, giúp giáo viên các nhà trường có thêm nguồn học liệu đa dạng, phong phú trong giảng dạy, học tập.
Toàn cảnh tọa đàm |
Đánh giá cao các ý kiến góp ý nhiều chiều, đậm tính thực tiễn của các thầy, cô giáo, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng cho rằng, những ý kiến mang đến nhiều thông tin bổ ích, giúp đơn vị định hướng công việc tốt hơn. Về giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng SGK, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho biết sẽ không ngừng học tập kinh nghiệm xuất bản SGK của thế giới; tăng cường đào tạo đội ngũ biên tập viên, họa sĩ; tăng cường đầu tư công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đẩy mạnh đầu tư học liệu điện tử; tiếp tục mở ra nhiều kênh, kịp thời giải đáp thắc mắc của các thầy cô trong quá trình dạy học.
“NXB Giáo dục Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận tất cả thông tin của thầy cô, học sinh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tổ chức tập huấn giáo viên sử dụng SGK, hỗ trợ các thầy, cô giáo truyền tải những nội dung hay nhất của SGK để việc dạy học hiệu quả hơn. Đặc biệt, đối với các thầy, cô giáo trên địa bàn Hà Nội, NXB Giáo dục Việt Nam luôn coi đây là hậu phương vững chắc khi tổ chức biên soạn SGK" - PGS.TS Nguyễn Văn Tùng khẳng định.