Báo chí Thủ đô nỗ lực đi đầu trong chuyển đổi số
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Sở TT&TT và các cơ quan báo chí vào tháng 4/2020
Mô hình tòa soạn đa phương tiện
Thủ đô Hà Nội có nhiều tờ báo có bề dày và uy tín với từng đối tượng bạn đọc cũng như trong làng báo, điển hình là: HàNộimới, An ninh Thủ đô, Tuổi trẻ Thủ đô, Kinh tế & Đô thị, Lao động Thủ đô… Thời gian qua, các cơ quan báo chí của Thủ đô đã thông tin kịp thời, đầy đủ, toàn diện về đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của TP và cả nước; Phát hiện, biểu dương những nhân tố mới điển hình tiên tiến; Đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội của Thủ đô; Ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của nhân dân.
Để thông tin được phản ánh ngày càng chân thực, nhanh nhạy, đa dạng, các tờ báo đã xây dựng mô hình tòa soạn đa phương tiện bao gồm nhiều chủ thể: Báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình... trong đó, lấy báo điện tử làm trung tâm; Không ngừng đổi mới kết cấu nội dung, hình thức trình bày, cách chuyển tải thông tin… để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh. Đội ngũ phóng viên báo in từng bước làm việc đa năng, có những bản tin đa dạng hơn để đăng tải trên các phương tiện truyền thông khác nhau. Báo điện tử được tập trung đổi mới để tăng nhanh lượng truy cập, thu hút quảng cáo, tạo hiệu quả kinh tế. Các ấn phẩm chuyên trang từng bước đổi mới theo hướng khẳng định rõ đặc trưng của mỗi báo…
Trong mỗi thời điểm, báo chí Thủ đô đều phát huy vai trò một cách tích cực. Điển hình như trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan báo chí đều có chuyên mục, chuyên trang dành thời lượng lớn tuyên truyền về dịch bệnh. Đồng thời, các nhà báo đều phát huy tinh thần chiến sĩ, xung kích, tác nghiệp trên khắp các địa bàn phòng, chống dịch. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người.
Đoàn cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí nước CHDCND Lào thăm tòa soạn báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Trong gần 3 tháng, từ ngày 20/1 đến 6/4/2020, riêng các cơ quan báo chí TP đã đăng tải trên 21.000 tin bài, tập trung thông tin, tuyên truyền về diễn biến, tình hình dịch trên thế giới, Việt Nam và Hà Nội; Các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và TP về những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; Công tác đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng để người dân không hoang mang, không tích trữ thực phẩm; Đấu tranh có hiệu quả đối với các thông tin sai lệch về dịch bệnh, gây mất ổn định xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nhận định: Báo chí góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, bởi chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này. Thế giới ghi nhận người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam, bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các Bộ, ngành… thì có đóng góp lớn của những người làm công tác thông tin truyền thông.
Phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh
Bên cạnh kết quả đạt được, tại buổi làm việc giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ với Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) mới đây, các đánh giá từ đại diện Bộ TT&TT chỉ rõ: Các báo, tạp chí Thủ đô vẫn chưa kịp thời đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến để theo kịp xu thế phát triển của báo chí hiện đại; Kênh truyền hình của Hà Nội chưa tương xứng, thậm chí tụt hậu so với các địa phương khác. Do vậy, thành phố Hà Nội cần xây dựng đề án một cơ quan truyền thông đa phương tiện của Thủ đô, trong đó Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đóng vai trò nòng cốt.
Hà Nội cần phải tư duy theo hướng phát hành nội dung trên nền tảng đa phương tiện. Nội dung kênh truyền hình có thể đưa lên web, mobile, app OTT, thậm chí là mạng xã hội hay các nền tảng xuyên biên giới khác.
Thành phố Hà Nội cũng cần định hướng tập trung phát triển các cơ quan báo chí, nhà xuất bản trọng điểm, xứng đáng là cơ quan truyền thông của trung tâm đầu não của quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, đóng vai trò dẫn dắt truyền thông cả nước. Chuyển đổi số báo chí cần được thành phố quan tâm nhiều hơn, đầu tư công nghệ số một cách thỏa đáng cho các báo, đài…
Trước đó, tại buổi làm việc với đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí Hà Nội bàn các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác truyền thông của Thủ đô Hà Nội cũng như việc tham gia của báo chí vào những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, nhất là trong bối cảnh thành phố đang thực hiện “nhiệm vụ kép”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng chỉ ra những hạn chế của báo chí Thủ đô như: Tính năng động, sáng tạo, sắc bén, hiệu quả, tính chiến đấu, lan tỏa còn hạn chế, chưa được như mong muốn.
Buổi làm việc giữa đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội với đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí Hà Nội |
Dù vậy, người đứng đầu thành phố cho biết, thành phố rất yên tâm về vấn đề tư tưởng chính trị, định hướng, tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ đối với các cơ quan báo chí Hà Nội. Truyền thông báo chí Thủ đô đã không sa vào các vấn đề giật tít, câu view mà tập trung vào những công việc chung của thành phố.
Để báo chí truyền thông phát triển tương xứng tiềm năng, vị thế của Thủ đô, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị báo chí Thủ đô cần tiếp tục đi sâu khai thác, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng, qua đó thu hút độc giả và tạo sự lan tỏa.
Đặc biệt, các cơ quan báo chí Thủ đô phải đi đầu trong quá trình chuyển đổi số. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, thành phố sẽ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ từ tư vấn, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ nền tảng… Thành phố cũng sẽ hỗ trợ hoàn thiện hệ thống giao ban trực tuyến ở các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy đề nghị hệ thống truyền thông báo chí của thành phố cần có kế hoạch phối hợp với mạng viễn thông, kết hợp với mạng xã hội Việt Nam như Zalo, Lotus… để tuyên truyền thông tin của thành phố; Tăng cường thông tin cơ sở trên nền tảng công nghệ thông tin.