Báo chí TP Hồ Chí Minh không ngừng đổi mới, sáng tạo
Chân dung Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Phong (Ảnh: NVCC) |
PV: Chào nhà báo Nguyễn Tấn Phong, trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh đã có những hoạt động gì nổi bật, thưa ông?
- Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Phong: Thời gian qua, Hội Nhà báo thành phố vẫn tiếp tục triển khai, quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; Thực hiện có chiều sâu Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Luật Báo chí 2016, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Đồng thời, Hội mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí: Kỹ năng sản xuất chương trình Podcast từ ngày 25/5 đến 4/6/2023.
Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí “Kỹ năng sản xuất chương trình Podcast” |
Đặc biệt, Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, với 27 chi hội, liên chi hội nhà báo cơ sở trực thuộc định hướng đầu tư cho những đề tài hay để có những tác phẩm chất lượng cao tham gia giải báo chí quốc gia, giải báo chí thành phố vào dịp 21/6 và các giải báo chí khác.
Ngoài ra, Hội tăng cường xây dựng mối quan hệ gắn kết và chia sẻ kinh nghiệm về công tác Hội và nghiệp vụ báo chí với nhiều Hội Nhà báo địa phương, nổi bật là trong Cụm thi đua TP Hồ Chí Minh - Miền Đông Nam bộ.
PV: Thưa ông, ông đánh giá tình hình hoạt động báo chí trong những năm gần đây của TP Hồ Chí Minh như thế nào?
- Nhà báo Nguyễn Tấn Phong: Chúng ta cần nhìn nhận, đầu tư chuyển đổi số báo chí không chỉ diễn ra trên diện rộng, mà bước đầu đi vào chiều sâu. Tiêu biểu, Hội Nhà báo TP đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP cùng Hội Tin học TP Hồ Chí Minh tổ chức thành công buổi tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững”.
Qua đó cho thấy các báo như: Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Người Lao động, Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Đài HTV, VOH… đã thực sự nhập cuộc và đang chuyển đổi số mạnh mẽ, tổ chức được tòa soạn tích hợp, ứng dụng công nghệ 4.0 khá phổ biến và đạt chuẩn, tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng cao.
Đồng thời, một trong những lợi thế của các báo, đài TP Hồ Chí Minh là đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí. Bởi lẽ, nhiều cơ quan báo chí đã có nền tảng sẵn trong việc xây dựng đời sống văn hóa tại nơi làm việc với những quy định và tiêu chí cụ thể từ nhiều năm trước.
Trong những năm gần đây, báo chí TP Hồ Chí Minh đã tuyên truyền đậm nét và hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền về nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết 54…
PV: Thời gian qua, có nhiều vụ việc vi phạm đạo đức nghề Báo. Vậy theo ông mỗi phóng viên, nhà báo cần làm gì để bảo vệ mình trước cám dỗ vật chất?
- Nhà báo Nguyễn Tấn Phong: Trước hết và trên hết, mỗi phóng viên, nhà báo cần quán triệt đầy đủ và nhận thức sâu sắc về 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo. Trong đó, Điều 3 của quy định ghi rõ: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi…”, Điều 4 của quy tắc cũng nêu những việc người làm báo không được làm là: “Đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác” (mục 2).
Ngoài ra, để tránh những vụ việc vi phạm đạo đức nghề báo thì cơ quan trực tiếp quản lý nhà báo cần kịp thời nắm sát diễn biến tư tưởng của phóng viên, biên tập viên; Nâng cao hiệu quả trong quản lý, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng; Củng cố nhận thức chính trị, rèn luyện đạo đức cho các nhà báo; Thường xuyên nêu cao tinh thần kỷ cương, trách nhiệm của nhà báo khi thi hành công vụ cũng như trong cuộc sống đời thường, không để bị suy thoái về phẩm chất đạo đức, bị vật chất cám dỗ mà dẫn tới vi phạm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!