Bé trai 3 tuổi bị viêm màng não mủ do đũa chọc sâu vào mũi
(TTTĐ) Trong lúc chơi đùa bé Hòa bị ngã, vô tình chiếc đũa đang cầm trên tay chọc sâu vào mũi, chảy nhiều máu. Sau hai ngày xảy ra sự việc, cháu bé bị vi khuẩn từ vị trí đũa chọc vào mũi xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết rồi viêm màng não mủ.
Bệnh nhi bị viêm màng não mủ do đũa chọc sâu vào mũi là bé Nguyễn Phúc Hòa 3 tuổi ở Vĩnh Phúc. Trước đó, ngày 22/3 cháu Hòa đi ăn cỗ với bà và nghịch đũa ăn. Trong lúc bà không để ý, bé Hòa chẳng may bị ngã, chiếc đũa trên tay vô tình chọc sâu vào mũi.
Tai nạn trên khiến bé Hòa chảy rất nhiều máu, vùng sàng tháp mũi, gốc mũi sưng và thâm tím. Bốn tiếng sau sự cố trên, bé Hòa xuất hiện một loạt các dấu hiệu bất thường như đau đầu vùng thái dương hai bên, sốt liên tục, nôn nhiều sau khi ăn. Ngay sau đó, gia đình đã đưa cháu Hòa đến bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh điều trị trong vòng hai ngày nhưng tình trạng sức khỏe không tiến triển.
Ảnh chụp dị vật trong mũi bệnh nhi Hòa
Sau các xét nghiệm, các bác sĩ bệnh viện tỉnh kết luận cháu bị viêm màng não mủ và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để được điều trị chuyên sâu. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã cho trẻ thực hiện nội soi Tai-Mũi Họng. Kết quả nội soi cho thấy mảnh dị vật có cạnh sắc nhọn mắc ở ngách bướm sàng bên trái của mũi. Bệnh nhi được bác sĩ tiến hành lấy dị vật trong mũi, chăm sóc vùng tổn thương và điều trị viêm màng não mủ theo phác đồ.
TS. BS bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nguyên nhân khiến cháu Hòa bị viêm màng não mủ là do vi khuẩn từ vị trí tổn thương do đũa chọc xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết rồi vào màng não gây viêm màng não. Đến nay sau gần một tháng nhập viện và điều trị tình trạng bệnh của bé Hòa vẫn rất nặng.
Theo BS. Lâm, trẻ ở tuổi lên 3 thường hiếu động, thích khám phá và không ý thức được hiểm họa rình rập khi chơi đùa với những món đồ đơn giản như đũa, dĩa, thìa hay cây tăm… nên thường xuyên xảy ra những sự cố tương tự. “Các bậc phụ huynh không nên để con đùa nghịch, chay chơi khi đang cầm đũa hoặc các vật dụng sắc nhọn trên tay. Dù cho trẻ có đòi hỏi thì cha mẹ hoặc người chăm sóc cũng tuyệt đối không cho con chơi với các vật dụng này”, BS. Lâm khuyến cáo.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Khắc Nam