Bệnh nhân 178 mắc Covid-19 khai báo y tế gian dối có thể bị xử lý hình sự
Nữ bệnh nhân 178 mắc Covid-19 từ Bệnh viện Bạch Mai về Đại Từ đã khai báo vòng vo, thiếu trung thực
Bài liên quan
60 bệnh nhân mắc Covid-19 đã có kết quả âm tính lần 1, 3 bệnh nhân nặng có tiến triển khả quan
Những thầy thuốc trong lòng dịch Covid-19
Xử lý nữ bệnh nhân gian dối để răn đe
Sáng 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo, nhân dân các thành phố lớn đã đóng góp quan trọng vào phòng chống dịch, trong đó có việc xử lý nghiêm các vi phạm như ở Hà Nội, một cá nhân bị xử phạt 200 nghìn đồng vì không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đã đồng ý giao Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý bệnh nhân 178 (khai báo vòng vo, thiếu trung thực) để răn đe giáo dục.
Cũng trong sáng 29/3, Bộ Y tế công bố thêm 5 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 4 ca liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Đáng chú ý, danh sách này có bệnh nhân số 178 với lịch trình di chuyển phức tạp.
Theo đó, BN số 178 là chị H.T.N, SN 1976, trú tại xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. BN này làm việc tại Công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ngày 25/3, chị này được xét nghiệm và cho kết quả âm tính tại Bệnh viện Nhiệt đới. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Đại Từ, Thái Nguyên.
Báo cáo sơ bộ của Sở Y tế Thái Nguyên cho hay, Bệnh nhân này vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ lúc 16h50’ ngày 27/3 trong tình trạng đau đầu, chóng mặt.
Qua khai thác ban đầu, bệnh nhân khai rằng, ở nhà không đi đâu và bị đau đầu, chóng mặt nên đi đến viện khám. Bệnh nhân được lập hồ sơ bệnh án điều trị tại khoa nội, xét nghiệm công thức máu và đường máu cho kết quả bình thường. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân thiếu máu não. Do bệnh nhân khai báo không đúng nên các bác sĩ không biết để phân luồng cách ly, xếp chị này ở cùng phòng với 8 bệnh nhân khác.
Đến 20 giờ cùng ngày, bệnh nhân có biểu hiện đau họng, sốt, kiểm tra thân nhiệt 37,6 độ C. Khai thác kỹ yếu tố dịch tễ, phát hiện bệnh nhân đã làm thuê ở nhà ăn của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong 2 tháng. Công việc của BN178 là đưa cơm tới các khoa, phòng trong bệnh viện. Ngày 25/3, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương làm các xét nghiệm, chụp tim, phổi cho kết quả bình thường; làm test nhanh Covid-19 cho kết quả âm tính.
Khai thác lịch sử di chuyển, chiều 27/3, bệnh nhân đi xe khách của hãng Limosine Văn Phúc từ Bạch Mai về đến Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, sau đó lúc 15 giờ vào thẳng Bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ khám.
Sau khi nắm được các yếu tố dịch tễ, Bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã chuyển bệnh nhân xuống khu vực cách ly, phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khu vực từ phòng khám đến khoa Nội, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Đến 15 giờ ngày 28/3, bệnh nhân được chuyển bằng xe chuyên dụng tới cách ly điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên.
Hiện, đã cách ly 8 bệnh nhân cùng phòng với chị N sang mỗi người một phòng; cách ly tại chỗ 12 cán bộ của Bệnh viện đã tiếp xúc với bệnh nhân, mỗi người một phòng. Hơn 10 người đi cùng chuyến xe Limosine với bệnh nhân cũng được cách ly tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên.
Cán bộ, chiến sỹ của Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) tiến hành phun thuốc, khử khuẩn phòng dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai tối 28/3 |
Gian dối khai báo y tế sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về sự việc trên, Thạc sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Nữ, bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 178 này rất đáng trách và đáng phải chịu các chế tài của pháp luật. Mặc dù biết mình có triệu chứng ho, sốt, đau người, nhưng chị N vẫn giấu nhẹm việc mình từ ổ dịch Bạch Mai (Hà Nội) về mà khai báo chỉ ở nhà, không đi đâu, nay thấy đau đầu, chóng mặt thì đi khám.
Vì bệnh nhân 178 khai báo gian dối nên các bác sĩ Bệnh viện huyện Đại Từ không biết để phân luồng, cách ly ngay, đồng thời, chẩn đoán chị ta bị thiếu máu não nên đã xếp chị N nằm cùng phòng với 8 bệnh nhân khác nữa. Nguy cơ 8 bệnh nhân cùng phòng nhiễm bệnh do tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân này là rất cao, chưa tính đến nhân viên y tế ở bệnh viện này và những người phục vụ cho 8 bệnh nhân trên.
Đến khoảng 20 giờ ngày 28/3, khi N bị đau họng, sốt, lúc này các nhân viên, bác sĩ đã khai thác dịch tễ thì chị N mới thừa nhận đi từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) về. Ngay sau đó, chị N được chuyển ngay xuống khu vực cách ly tại bệnh viện.
Sự việc này gây hoang mang, lo lắng cho các bệnh nhân khác xung quanh cũng như cho cơ sở y tế này và những người đã từng tiếp xúc với người phụ nữ trong quá trình di chuyển, sinh hoặt trong thời gian gần đây. Chắc chắn rằng sẽ đến hàng chục người thậm chí hàng trăm người phải cách ly bởi thông tin gian dối của người phụ nữ này khi khai báo y tế.
Những thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người khác hoàn toàn có thể xảy ra, trước tiên sẽ có rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế tiếp xúc với người phụ nữ này phải cách ly, những bệnh nhân cùng phòng với người phụ nữ này, những người thân của họ và những người mà người phụ nữ này tiếp xúc trong suốt những ngày qua bắt buộc phải cách ly y tế theo quy định của pháp luật...
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời phỏng vấn việc xử lý người gian dối khai báo y tế trong phòng dịch Covid-19 |
Những ngày gần đây cơ quan chức năng đã phát hiện được nhiều người nhiễm bệnh từ bệnh viện Bạch Mai do lây nhiễm chéo, đã xác định đây là ổ dịch cần phải giám sát, theo dõi chặt chẽ. Các bác sĩ, nhân viên y tế và những người phục vụ tại bệnh viện này thì càng phải nắm rõ tình hình về việc phòng ngừa dịch bệnh. Bởi vậy không thể nói rằng người phụ nữ này không biết gì về loại bệnh dịch do Covid-19 gây ra, không biết về nguy cơ mình có thể nhiễm bệnh.
Người phụ nữ này thuộc diện phải khai báo y tế bắt buộc, khi có biểu hiện của bệnh lý viêm phổi cấp thì thuộc diện phải cách ly y tế bắt buộc theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Việc người phụ nữ này có biểu hiện của bệnh lý (ho, sốt, đau họng...) nhưng cố tình giấu diếm thông tin về nơi làm việc, che giấu thông tin để trốn tránh việc phải bị cách ly y tế là một việc làm đáng trách, thậm chí đáng lên án. Hành vi này được xác định là trốn tránh việc cách ly y tế nên không những là hành vi vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Hành vi của người phụ nữ này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt có thể tới 10.000.000 đồng.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, để xem xét, xử lý nghiêm người nữ bệnh nhân 178 gian dối, vi phạm pháp luật thì trước tiên, cơ quan chức năng tiến hành cách ly và điều trị bệnh cho người phụ nữ này. Sau khi người phụ nữ này khỏi bệnh thì sẽ xem xét đến trách nhiệm pháp lý là xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào hậu quả mà hành vi vi phạm pháp luật của người phụ nữ này gây ra với xã hội.
“Sau vụ việc của bệnh nhân số 17, bệnh nhân số 34... thì hành vi của người phụ nữ này cũng rất đáng trách, đáng lên án. Chính quyền các địa phương cần tích cực tuyên truyền hơn nữa về nguy cơ lây nhiễm của bệnh dịch này để nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của công dân trong việc phòng chống bệnh dịch.
Hiện nay việc phòng chống bệnh dịch bệnh dịch nguy hiểm truyền nhiễm này đang ở những thời điểm quan trọng, nguy cơ lây lan trong cộng đồng là rất cao, Việt Nam đã xác định chống dịch như chống giặc, đây là một cuộc chiến và mọi sinh hoạt, hoạt động của người dân giống như thời chiến, bởi vậy cần phải nêu cao kỷ luật chiến trường, phải xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, gây mất an toàn cho cộng đồng, ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch bệnh mà bao người đã dày công vun đắp, xây dựng bấy lâu nay”, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.
Khoản 2, điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế:
“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1, Khoản 2 Điều này...”