Bị lộ thông tin cá nhân, nhiều bạn trẻ hốt hoảng
Bộ trưởng Bộ Công an nói về tình trạng lộ, rao bán thông tin cá nhân Người dùng ô tô đang phải đối mặt với nguy cơ bị rò rỉ thông tin cá nhân |
Thực tế, việc lộ lọt dữ liệu cá nhân một cách phổ biến đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền riêng tư, là cơ sở để vấn nạn mua bán thông tin cá nhân, lừa đảo công nghệ cao diễn ra tràn lan và ngày càng nhức nhối.
Quá phiền vì liên tục nhận được cuộc gọi, tin nhắn “rác”
Không chỉ có Nguyễn Thị Lan mà những người xung quanh cô như chồng, bố mẹ, người thân của Lan cũng bị nhiều cuộc gọi “rác” làm phiền. Anh Đỗ Đình Tùng (35 tuổi), chồng Lan cũng tỏ ra bức xúc khi liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi đến với nội dung như: Đầu tư chứng khoán; bất động sản; có người gọi còn xưng danh là nhân viên ngân hàng để mời chào mở thẻ visa, rồi đến ngày kích hoạt cũng gọi và tự kích hoạt thẻ. Anh Tùng còn nhận được vài cuộc gọi/ngày từ người “tha thiết” gửi quà tặng miễn phí và hướng dẫn anh các bước làm theo để chọn quà…
Anh Tùng bày tỏ: “Nhiều khi tôi hoang mang, không biết chuyện gì đang xảy ra trong xã hội này nữa, có quá nhiều các cuộc điện thoại lạ gọi đến, thậm chí là đầy những cuộc lừa đảo, gọi đến rồi lúc mình gọi lại không được nữa. Điều đó cho thấy, chúng ta đang bị lộ thông tin cá nhân tràn lan”.
Bị lộ thông tin, nhiều người thường xuyên nhận được tin nhắn "rác" |
Bạn trẻ Hoàng My (29 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể, cô từng mua căn hộ chung cư, sau khi đăng ký thông tin cá nhân để mua thì vài ngày sau đó, Hoàng My nhận được khá nhiều cuộc gọi đến hỏi có mua, cho thuê hay bán nhà không. Những lúc đó, cô cảm thấy rất khó chịu và nghĩ rằng số điện thoại cá nhân đã bị cung cấp ra ngoài.
“Nhiều lắm, có khi một tuần bình quân mỗi ngày tôi nhận được ít nhất một cuộc gọi, tin nhắn “rác”, rất nhiều kiểu chào mời làm việc nhẹ lương cao, cho vay tiền, rút thăm trúng thưởng các chuyến du lịch, chương trình chăm sóc sức khoẻ, thẩm mỹ, thậm chí dọa dẫm… Còn nữa, không ít cuộc gọi, người ở đầu dây bên kia biết hầu hết thông tin của tôi, từ ngày sinh, nơi cư trú, địa chỉ email. Không biết thông tin ấy bị rò rỉ từ đâu, khiến tôi rất ái ngại”, Hoàng My chia sẻ.
Bạn Lê Thị Dương (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết, liên tục bị “dội” bởi những cuộc gọi "rác" từ cả đầu số cố định và di động. Nội dung cuộc gọi là giới thiệu về các dịch vụ, sản phẩm, mời vay tiền, hay tham gia các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng… Điều khiến cô gái 9X ngạc nhiên là trong quá trình trao đổi, người gọi đến có thể nói cụ thể thông tin cá nhân cô, từ tuổi, địa chỉ… Dương kể, thỉnh thoảng cô còn nhận được tin nhắn nhận làm các loại bằng cấp, giấy tờ, bằng lái xe, bằng cấp 3 đến đại học, căn cước công dân, kết hôn, khai sinh, tất cả các giấy tờ khác, đảm bảo lưu hành trong toàn quốc…
Lộ do đâu, bảo vệ cách nào?
Thông tin cá nhân hiểu đơn giản là số điện thoại, địa chỉ email, họ tên, tuổi, hình ảnh, ngày tháng năm sinh, nơi ở, các mối quan hệ gia đình, tài khoản ngân hàng... là tất cả những thông tin gắn liền với một người nào đó.
Trên phương tiện truyền thông đã đưa nhiều thông tin về việc người dân bị lộ thông tin cá nhân mà bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản… Không ít người than phiền việc sau mỗi lần gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng thì mỗi ngày lại có một vài số điện thoại lạ gọi đến chào mời đầu tư bất động sản, mua bảo hiểm, tham gia rút thăm trúng thưởng các chuyến du lịch. Việc bị nhận cuộc gọi không mong muốn đã trở thành hiện tượng tương đối phổ biến trong xã hội, gây nhiều phiền toái cho nhiều người.
Trước tiên, chúng ta cần có ý thức bảo vệ thông tin, dữ liệu của chính mình (Ảnh minh hoạ) |
Theo chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng, phần lớn, có thể lên tới 80% nguyên nhân lộ lọt thông tin cá nhân là xuất phát từ chính sự bất cẩn của người dùng. Đây là những cơ hội thuận lợi để đối tượng xấu thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân nhằm mục đích trục lợi.
* 10 cách bảo mật thông tin cá nhân trong thời đại số được chuyên gia khuyến cáo và các bạn trẻ bảo nhau: Không nhấp vào các đường link lạ; Sử dụng mật khẩu khó đoán; Thay đổi mật khẩu định kỳ; Không tin tưởng người quen biết thông qua mạng; Không chia sẻ thông tin cá nhân bừa bãi; Luôn kiểm tra website cung cấp dịch vụ; Nhớ thực hiện đăng xuất; Không cài đặt phần mềm lạ, không rõ nguồn gốc; Đọc kỹ các điều khoản trước khi sử dụng; Sử dụng công cụ diệt virus uy tín. |
Chẳng hạn như người dùng cung cấp thông tin cá nhân khi đăng ký tài khoản, dịch vụ, thiết lập chế độ công khai thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ hay thông tin được cung cấp bởi chính người dùng trên các trang, hội nhóm mua bán hàng hóa, công khai thông tin cá nhân như số điện thoại, tài khoản ngân hàng để tiện việc liên hệ… Còn lại là nguyên nhân lộ thông tin do phía các nhà cung cấp dịch vụ thiếu uy tín, tự chia sẻ, làm lộ thông tin của khách hàng.
“Hiện nay chúng ta đang sống trong xu hướng chuyển đổi số thế nhưng nhận thức của nhiều người về bảo mật an toàn thông tin chưa theo kịp xu hướng này. Hầu hết các thông tin cá nhân của người sử dụng mạng xã hội hiện nay đều do chính họ tự đưa lên. Rất nhiều người quá bất cẩn dẫn đến việc lộ, lọt thông tin cá nhân”, một chuyên gia cho hay.
Bởi thế, các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không nên công khai các thông tin cá nhân lên mạng xã hội, để tránh bị đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo. Khi chia sẻ trên các trang mạng xã hội cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khái.
Đặc biệt, với những cuộc gọi nghi vấn, không rõ ràng liên quan đến tài chính, ngân hàng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để kiểm tra lại. Chúng ta cần lưu lại bằng chứng và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý; Bên cạnh đó cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng đề nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Chúng ta cũng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet Banking, SmartBanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này; tuyệt đối không cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào.
Người dùng tuyệt đối không tiết lộ thông tin đăng nhập dịch vụ SmartBanking (như mật khẩu, mã OTP...) cho người khác trong mọi trường hợp; Không truy cập vào các đường dẫn (link) giả mạo ngân hàng; Xác minh kỹ các thông tin trao đổi trên mạng xã hội, nhất là với các giao dịch liên quan đến tài chính.