Bình Dương: Linh hoạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phòng cháy, chữa cháy
Công điện 220/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/4/3023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC nhằm bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về PCCC, đồng thời phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Công điện đã đưa ra các giải pháp chung trong triển khai tháo gỡ vướng mắc, thông qua đó, các địa phương có những triển khai phù hợp với thực tiễn.
Đối với Bình Dương, trong năm 2022 và quý I/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ cháy, làm 32 người chết, 22 người bị thương; Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 51,9 tỷ đồng. Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống điện, thiết bị điện. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ cháy giảm 4 vụ và so với quý I/2022 giảm 3 vụ.
Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương |
Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương thông tin, tỉnh đã hoàn thành tổng rà soát, phân loại, lập hồ sơ quản lý và kiểm tra an toàn PCCC đối với 51.689 cơ sở thuộc diện quản lý an toàn PCCC.
Trong đó, Công an tỉnh Bình Dương đã kiểm tra 306/306 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar và xử phạt 108 cơ sở vi phạm tổng số tiền trên 1,1 tỷ đồng; Tạm đình chỉ 75 cơ sở và đình chỉ hoạt động 57 cơ sở vi phạm nghiêm trọng.
Đại tá Nguyễn Thanh Điệp cho biết, thời gian qua, tình hình cháy nổ trên cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng rất phức tạp, nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, gây hoang mang trong dư luận. Trong đó, các vụ cháy đa phần do người dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp không có chú trọng đầu tư, trang bị về an toàn PCCC, coi đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó, có cơ quan Công an.
Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương trong một lần đến hiện trường chỉ đạo lực lượng PCCC |
Theo đại tá Điệp, khó khăn hiện nay đối với công tác nghiệm thu, thẩm duyệt an toàn PCCC là có nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của ngành xây dựng về vật liệu không cháy và khó cháy, khiến các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar… không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, việc đưa công trình vào hoạt động sẽ không đảm bảo an toàn về PCCC, chính vì không đảm bảo an toàn về PCCC nên không đưa công trình vào hoạt động được hoặc đưa công trình vào hoạt động “lén lút”.
Liên quan đến vấn đề trên, chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, UBND tỉnh sẽ ban hành chỉ thị hướng dẫn thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC; Đề nghị các Sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống cháy, nổ.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần áp dụng những giải pháp thiết thực, linh hoạt, đưa ra những hiến kế phù hợp với tình hình thực tế nhằm tháo gỡ những khó khăn sao cho vừa đảm bảo trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCCC, vừa giúp các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện thuận lợi các quy định về an toàn PCCC trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương |
Các địa phương rà soát, tổng hợp và báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt ngoài thẩm quyền làm cơ sở để tỉnh kiến nghị đến các cấp cao hơn; Tiếp tục duy trì các giải pháp phòng ngừa, nhân rộng và phát huy hiệu quả những mô hình hay trong công tác PCCC; Theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện công tác PCCC ở các khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC ngày càng sâu rộng đến mọi tầng lớp Nhân dân.