Bình Dương vững vàng vượt "bão"
Bình Dương hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 Công nhân Bình Dương được hỗ trợ về quê bằng tàu, xe miễn phí |
Kinh tế vững vàng trước “cơn gió ngược”
Vượt qua những khó khăn thách thức, với những chủ trương, quyết sách khoa học, bài bản, bức tranh kinh tế - xã hội Bình Dương khép lại năm 2023 với những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 6%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 177,1 triệu đồng; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,5% so với năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 305.119 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước; duy trì thặng dư xuất khẩu ước đạt 31,8 tỷ đô la Mỹ, giảm 7,3% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 23,1 tỷ đô la Mỹ, giảm 7%.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương |
Ước thu ngân sách 73.257 tỷ đồng, đạt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 10% so với năm 2022; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 102,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thu hút 75.767 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước và 1,348 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 164.300 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022.
Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và là lần đầu tiên tỉnh giải ngân hết số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ trong hơn 10 tháng thực hiện (sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch), ước giải ngân cả năm đạt trên 95% kế hoạch tỉnh giao và bằng 170% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Năm 2023, Bình Dương tiếp tục có nhiều bước phát triển mới tạo đà cho các năm tiếp theo |
Về tình hình lao động, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 10 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã có gần 127.700 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập do doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong đó, nhóm lao động bị ảnh hưởng làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 64%, doanh nghiệp có vốn trong nước 36%… Từ quý III/2023, một số các doanh nghiệp đã khôi phục đơn hàng cũ và có các đơn hàng mới vì vậy có nhu cầu cần tuyển dụng thêm nhiều lao động mới, với khoảng 8.000 - 10.000 lao động…
Sẵn sàng vượt “bão”
Năm 2024, Tỉnh ủy Bình Dương dự báo tình hình thế giới và khu vực vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quan điểm của Tỉnh ủy phải đột phá và tăng tốc mạnh mẽ hơn, trong đó cần lưu ý tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh để phục vụ sự đột phá và phát triển.
Trong năm tới, Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế trong khoảng 9 - 10%, với việc dự kiến thu ngân sách đạt 71.600 tỷ đồng. Kế hoạch ngân sách 22.000 tỷ đồng được bố trí cho đầu tư phát triển, chuyển đổi số, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực, khuyến học và khuyến tài. Sự tập trung vào thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được đặt lên hàng đầu.
Bình Dương dành nhiều nguồn lực cho chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh |
Phần quan trọng của kế hoạch là công tác đầu tư công với việc đảm bảo đúng quy định, hiệu quả, chất lượng và tiến độ cho các công trình trọng điểm. 1.000 tỷ đồng sẽ được huy động kết hợp với các địa phương để đầu tư vào chỉnh trang đô thị, hạ tầng giao thông, công viên, cây xanh và khu vui chơi giải trí. Thị trường bất động sản cũng được đặc biệt chú trọng đến với nỗ lực tháo gỡ khó khăn.
Tỉnh Bình Dương đang khẩn trương phát triển tổ hợp công nghiệp - khoa học công nghệ tại huyện Bàu Bàng để thực hiện thí điểm di dời một số doanh nghiệp từ các địa phương phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc; đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực như công nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh và sản xuất hàng hóa hiện đại.
Liên doanh Becamex IDC - VSIP đang có kế hoạch phát triển thêm 12 dự án VSIP tại nhiều địa phương trên toàn quốc |
Đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bình Dương sẽ quyết liệt triển khai đề án nhà ở xã hội giai đoạn 2023 - 2030. Ngoài ra, kế hoạch còn đề cập đến triển khai khu công nghệ thông tin, thí điểm mô hình mạng Private 5G phục vụ ứng dụng trong nhà máy thông minh, phát triển công nghiệp 4.0 và xây dựng chính sách thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ chíp bán dẫn, vi mạch điện tử và thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này…
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương tập trung đầu tư cho các trường học đạt tiêu chí học 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng giáo dục, hướng đến xây dựng trường học thông minh, trường học hạnh phúc. Tỉnh huy động tốt nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, y tế theo chiều sâu, nâng cao trình độ, tay nghề của đội ngũ giáo viên, y, bác sĩ, trang bị và cải tạo hệ thống trường học, cơ sở khám, chữa bệnh công lập hiện hữu hiện đại, đạt chuẩn theo quy định.
Khu công nghiệp VSIP 1 tại Bình Dương |
Bình Dương dành nhiều nguồn lực cho chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh; cải cách thủ tục hành chính và phát triển khoa học công nghệ là những động thái quan trọng khác, nhằm mang lại sự thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan và đơn vị sẽ duy trì sự linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, và chủ động để thích ứng với tình hình. Tỉnh tiếp tục nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn về chính sách, mở rộng nguồn lực, và xử lý hiệu quả các khó khăn; nâng cao hiệu suất tổ chức, thu hút đầu tư nước ngoài kết hợp với doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, Bình Dương đảm bảo ngân sách đạt kế hoạch, tiết kiệm chi phí và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng đô thị thông qua cải tạo và phát triển đô thị mới theo quy hoạch tích hợp.
Song với đó, Bình Dương sẽ quan tâm phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; củng cố, hoàn thiện bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, và xây dựng thành phố thông minh.