Bộ Công an yêu cầu gỡ kênh YouTube nhảm, phản cảm
Theo A05, nhiều hình ảnh, video do người có tiền án, tiền sự sử dụng trang cá nhân, đăng lên mạng xã hội Facebook, YouTube. Những video này phản ánh cuộc sống giang hồ, xã hội đen nhưng trở thành hiện tượng mạng, được hàng triệu người dùng mạng theo dõi.
A05 cũng cho rằng, một số vlogger có trang mạng cá nhân thu hút lượng người theo dõi lớn nhưng thường xuyên sản xuất các video mang nội dung nhảm nhí, phản cảm. Điển hình là kênh YouTube Hưng Vlog với gần 3 triệu người theo dõi.
Bộ Công an yêu cầu gỡ kênh YouTube nhảm, phản cảm |
A05 dẫn một số trường hợp điển hình như trang cá nhân của Ngô Bá Khá (tức Khá "bảnh") với 4 kênh YouTube hơn 2 triệu người theo dõi hay trang cá nhân của Nguyễn Văn Dũng (tức Dũng "trọc").
Cũng theo A05, trong hơn 2 năm qua, lực lượng chức năng đã yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa hơn 6.300 clip, 3 kênh YouTube (gồm 2 kênh của Khá "bảnh" và 1 kênh của Dũng "trọc").
A05 cũng đề nghị Facebook gỡ bỏ gần 550 bài viết, tài khoản cá nhân và fanpage có nội dung xấu, độc, mua bán tiền giả, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, chất gây nghiện...
Thời gian tới, Bộ Công an phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường công cụ kiểm duyệt nội dung trên không gian mạng; Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
"Cơ quan chức năng kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên không gian mạng về đạo đức, lan truyền thói hư, tật xấu vì lợi nhuận", đại diện Cục A05 nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 6/10, Văn phòng Chính phủ truyền đạt văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền.
Văn bản chỉ đạo nêu rõ: Những video này thu hút hàng triệu người xem, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, thậm chí nhân cách của trẻ em, kéo văn hóa nghe - nhìn của xã hội đi xuống. Tuy nhiên, các nội dung này vẫn rất khó kiểm soát. Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an nghiên cứu, có hướng xử lý.