Bố hiến 60% gan cho con gái mắc bệnh suy gan
Bé gái 15 tuổi ở Thanh Hóa là bệnh nhân nặng nhất trong các ca ghép gan tại Bệnh viện Việt Đức từ trước đến nay. Hai năm qua bé có biểu hiện vàng da, mệt mỏi. Đầu tháng 2, bé trải qua một đợt xuất huyết tiêu hóa, hôn mê. Đầu tháng 3, cháu được chẩn đoán suy gan cấp trên nền bệnh Wilson, chỉ định thay gan. Bé được chuyển vào viện khi đã tiền hôn mê, nguy cơ tử vong đến 90%. Bệnh nhân phải hồi sức lọc gan, thay huyết tương và chờ ghép gan cấp cứu. Tiên lượng chắc chắn tử vong nếu không được ghép gan. Bệnh nhân bị gan xơ, lách to, tĩnh mạch cửa teo, việc cấp máu cho gan nghèo nàn.
Tuy nhiên, lo lắng rủi ro ca ghép phức tạp, gia đình cũngchia sẻ "không dám đánh đổi sức khỏe người trụ cột gia đình khi bố mất một nửa lá gan ghép cho con mà vẫn không cứu được con gái". Không cam lòng cho bé xuất viện để chờ phút lâm chung, các bác sĩ quyết định cố thuyết phục gia đình một lần nữa.
Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức kể lại: "Gia đình quyết xin đưa con về, tôi định ký giấy cho ra viện thì may mắn thuyết phục được người nhà tiếp tục ghép gan cho bé. Đây cũng là quyết định hết sức cân não với bác sĩ trong tình trạng bệnh nhi thập tử nhất sinh".
Ngày 29/3, được sự đồng ý của gia đình, bệnh nhân được ghép gan từ bố đẻ. Hơn 100 bác sĩ điều dưỡng của bệnh viện Việt Đức, đặc biệt là đội ngũ gây mê hồi sức đã cứu sống bệnh nhi sau 9 tiếng ghép. GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, trước khi ghép bệnh nhân có nguy cơ tử vong 90%, nhưng đến hôm nay đã được khẳng định ghép thành công. Đây là bệnh nhân nặng nhất được ghép gan từ trước đến nay tại BV Việt Đức.
Các bác sĩ sử dụng phương pháp ghép gan bán phần từ người hiến khoẻ mạnh. Nửa gan của người cha được cắt (60% thể tích gan người bố). Trong ca ghép bệnh nhân có rối loạn đông máu từ trước ghép, hậu quả của suy gan cấp nên việc điều chỉnh đông máu trong mổ rất quan trọng nhằm hạn chế chảy máu cho bệnh nhân. Ngoài ra bệnh nhân còn có bất thường bẩm sinh hẹp động mạch thân tạng, là gốc của động mạch gan khiến không thể thực hiện miệng nối động mạch bình thường mà phải nối dài, nối trực tiếp động mạch gan vào động mạch chủ bụng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực cho biết, kíp phẫu thuật chịu nhiều áp lực về mặt kỹ thuật, phải rút ngắn thời gian phẫu thuật do bệnh quá nặng, nguy cơ mất máu lớn. Bệnh nhân suy gan cấp trong vài tháng, nhiễm trùng trước mổ rất nặng, phù phổi cấp, suy thở, hôn mê gan... tạo nên khó khăn với các bác sĩ trong quá trình mổ.
Ca mổ ghép kéo dài 9 tiếng đồng hồ cuối cùng đã thành công. Hiện bé đã tỉnh, tự ngồi dậy, ăn uống được, không sốt, các chỉ số sinh tồn ổn định, chức năng gan phục hồi tốt như dự kiến. Người bố cũng tỉnh táo, sức khỏe ổn định, ăn uống được, chức năng gan đang hồi phục bình thường. Dự kiến bố có thể xuất viện vào ngày 7/4. Gia đình chia sẻ ca mổ như một phép màu đem lại sự sống cho con gái của họ.