Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải không chồng chéo với Bộ GTVT
Để giảm ô nhiễm không khí, phải cải thiện hoạt động giao thông, bắt đầu từ việc kiểm soát số lượng các phương tiện và sự phát thải của các phương tiện đó
Cụ thể, theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn quốc (từ 1/4-15/4), trong khoảng thời gian này, lưu lượng giao thông giảm khiến chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt.
Theo kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT): So sánh diễn biến chất lượng không khí từ ngày 1/1 - 10/4/2020 với cùng kỳ của những năm trước đó, chất lượng không khí có xu hướng được cải thiện hơn. Tuy vậy, trong thời gian từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 3/2020, giá trị thông số PM2.5 có thấp hơn những năm trước đó nhưng không rõ rệt. Trong khi đó, từ thời gian nửa cuối tháng 3 đến tuần đầu tháng 4, giá trị thông số PM2.5 thấp hơn hẳn thời gian cùng kỳ những năm trước đó.
Xem xét tới thông số CO - là thông số đặc trưng cho nguồn phát thải từ hoạt động giao thông tại các khu vực đô thị, kết quả quan trắc cho thấy, giá trị CO trung bình 24 giờ trong khoảng thời gian nửa cuối tháng 3 và tuần đầu của tháng 4/2020 thấp hơn hẳn khoảng thời gian từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 3/2020. Theo dõi diễn biến giá trị CO trong ngày cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 - 10/, giá trị CO giảm đáng kể vào các khung giờ cao điểm giao thông so với các tháng trước đó.
Riêng tại Hà Nội, xét về chỉ số AQI giờ trong ngày tại các trạm của Hà Nội trong thời gian từ khoảng ngày 22/3 đến 7/4, phần lớn thời gian trong ngày, chất lượng không khí duy trì ở mức tốt và trung bình. Riêng trong hai ngày 8/4 - 9/4, chất lượng không khí bị suy giảm ở mức kém và xấu. Đây cũng là những ngày ghi nhận lượng phương tiện tham gia giao thông trong nội đô tăng cao hơn hẳn những ngày trước đó.
Như vậy, diễn biến chất lượng không khí ở các đô thị trong thời gian cách ly xã hội đã cho thấy mối tương quan giữa hoạt động giao thông và ô nhiễm không khí. Vậy để giảm ô nhiễm không khí, phải cải thiện hoạt động giao thông, bắt đầu từ việc kiểm soát số lượng các phương tiện và sự phát thải của các phương tiện đó.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, tại Khoản 3 Điều 92 về Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải đã bổ sung quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải…”.
Quy định này hiện đang gây lo ngại về sự chồng chéo giữa hai cơ quan là Bộ TN&MT và Bộ Giao thông vận tải trong quản lý khí thải giao thông...
Giải thích cho vấn đề này, tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều ngày 8/6, ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, quy định này không mới và có tính thống nhất từ Luật Bảo vệ môi trường 2014.
Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT được giao thẩm quyền xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường quy định tại Khoản 2 Điều 118 Luật Bảo vệ môi trường 2014, trong đó có ”Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về khí thải của các nguồn di động và cố định” nằm trong hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 113 Luật Bảo vệ môi trường 2014. Quan điểm này vẫn được giữ nguyên tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Đặc biệt, trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 và Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có quy định phân công trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại điểm i Khoản 1 Điều 23, cụ thể là “xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Chất lượng môi trường xung quanh; quan trắc môi trường, đánh giá tác động môi trường; đánh giá môi trường chiến lược; đánh giá tác động môi trường; kiểm soát ô nhiễm; quản lý chất thải và quản lý môi trường”. Trong đó nội dung “quản lý chất thải” được hiểu là các nguồn thải “nước thải, khí thải, chất thải rắn”.
Trong khi đó, đối với phân công trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại điểm d Khoản 1 Điều 23, không có quy định xây dựng các quy chuẩn về khí thải phương tiện giao thông.
Theo chia sẻ từ đại diện Tổng cục Môi trường, thực hiện phân công trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cho đến nay Bộ TN&MT đã ban hành 48 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (QCVN) nhằm kiểm soát việc phát thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn) cũng như kiểm soát chất lượng môi trường xung quanh đối với các ngành/lĩnh vực: Công nghiệp chế biến cao su; công nghiệp chế biến thủy sản; công nghiệp giấy và bột giấy; dệt nhuộm; chăn nuôi; lò đốt y tế; sản xuất phân bón hóa học; công nghiệp nhiệt điện; xi măng; lọc hóa dầu; sản xuất thép…Về kiểm soát chất lượng không khí, hiện nay Bộ TN&MT đã ban hành 11 QCVN để kiểm soát khí thải cho các ngành công nghiệp.
Còn về phía Bộ Giao thông vận tải: Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định quy định các lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thực chất là các lộ trình thực hiện các tiêu chuẩn về khí thải theo các mức 1, 2, 3, 4, 5 tương ứng với các tiêu chuẩn khí thải EURO. Bộ cũng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới (QCVN 04:2009/BGTVT). Tuy nhiên, theo phân công trách nhiệm xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì Bộ Giao thông vận tải không được giao xây dựng ban hành các quy chuẩn về khí thải phương tiện giao thông.
”Như vậy, Bộ TN&MT đã thực hiện chủ trì xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho các ngành/lĩnh vực theo đúng quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Bảo vệ môi trường 2014. Vì vậy, việc quy định Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải (bên cạnh các quy chuẩn khí thải công nghiệp, chăn nuôi, lò đốt…) là phù hợp để đảm bảo phân công 01 cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong công tác kiểm soát các nguồn khí thải và quản lý, cải thiện chất lượng môi trường không khí”, lãnh đạo Tổng cục Môi trường khẳng định.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường, việc quy định Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải không chồng chéo với Bộ Giao thông vận tải. Bởi, theo dự thảo Luật này, Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải, còn việc kiểm định vẫn do Bộ Giao thông vận tải tích hợp quản lý thông qua hoạt động các cơ quan đăng kiểm theo Quy chuẩn mà Bộ TN&MT ban hành.
“Như vậy, quy định như trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi hoàn toàn không có xáo trộn về quy phạm pháp luật chuyên ngành về giao thông vận tải, không phát sinh thêm cơ quan quản lý về khí thải đối với các phương tiện giao thông”, lãnh đạo Tổng cục Môi trường thông tin.