Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2
Hướng dẫn này được áp dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh, y tế dự phòng và các phòng xét nghiệm trên toàn quốc.
Hướng dẫn nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 144 triệu ca bệnh, trong đó trên 3 triệu người tử vong.
Tại Việt Nam tính đến 23/4/2021 đã có hơn 2.800 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có hơn 1.500 ca trong nước.
Việc chẩn đoán mắc Covid-19 thời gian qua chủ yếu dựa vào xét nghiệm Realtime RT-PCR. Đến nay trên toàn quốc đã có 169 phòng xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR với công suất xét nghiệm tối đa gần 64.000 mẫu/ngày.
Trong số đó có 114 phòng xét nghiệm đủ năng lực khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 với công suất xét nghiệm tối đa hơn 52.000 mẫu/ngày.
Từ năm 2020 đến nay cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được hơn 2.600.000 mẫu cho 3.500.000 lượt người.
Ảnh minh họa |
Một số nghiên cứu cho thấy kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 có thể giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện sau 5 ngày khởi phát triệu chứng dẫn đến việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả âm tính trong khi các xét nghiệm có độ nhạy cao như Realtime RT-PCR cho kết quả dương tính. Điều này có nghĩa là xét nghiệm nhanh kháng nguyên có độ nhạy thấp hơn so với xét nghiệm Realtime RT-PCR nên có thể cho kết quả âm tính giả.
Ở cộng đồng có tỷ lệ mắc thấp, kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính cũng chưa thể xác định tình trạng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 mà cần được khẳng định lại bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR.
Tại Việt Nam hiện nay đã có một số loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Để sử dụng sinh phẩm xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 hiệu quả và đáp ứng tình hình dịch, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Chi tiết Hướng dẫn sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2