Bộ Y tế tiếp tục tập trung cao độ hoàn thiện thể chế
Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ
Trong thời gian qua, các chính sách đãi ngộ đối với lực lượng y tế, đặc biệt cán bộ tuyến đầu phòng chống dịch được chú trọng; Hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ Y tế chủ động, khẩn trương, kịp thời tổ chức quán triệt, xây dựng và ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình công tác để triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội; Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Y tế thường xuyên rà soát, cập nhật và ban hành các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh, các quy trình kỹ thuật |
Bộ Y tế thường xuyên rà soát, cập nhật và ban hành các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh, các quy trình kỹ thuật theo thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh áp dụng các phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, toàn ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến như mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh (có 23 bệnh viện hạt nhân, 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó 100% bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh, ngoài ra có một số bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa); Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới…
Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát và thúc đẩy công tác cải tiến chất lượng, đẩy mạnh triển khai tư vấn, khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối bệnh viện tuyến trên với các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Ngành đã đẩy mạnh công tác thể chế, kiện toàn hệ thống tổ chức, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án được phê duyệt và triển khai các giải pháp chuyên môn phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, nhất là khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; Tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án còn tồn tại như các dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức.
Bộ Y tế đã tích cực triển khai thực hiện 201 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó hoàn thành 56 nhiệm vụ. Các nhiệm vụ quá hạn, chưa hoàn thành đang được Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt xử lý và báo cáo theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 |
Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết trong thời gian qua ngành đã tập trung cao độ cho công tác xây dựng, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật như Thông tư, Nghị định, Nghị quyết, Đề án để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của ngành sau thời gian dài chống dịch COVID-19.
"Chúng ta còn 7 dự luật phải xây dựng từ nay đến cuối nhiệm kỳ và nhiều Nghị định khác về những nội dung liên quan đến ngành. Đây là những nhiệm vụ vô cùng nặng nề, vất vả nhưng bắt buộc chúng ta phải làm", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng xây dựng kế hoạch của Bộ Y tế về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ liên quan đến ngành.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Y tế cũng thẳng thắn cho rằng mặc dù đã nỗ lực đạt được không ít kết quả trong thời gian qua nhưng ngành còn phải tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao; Trong đó có việc tăng cường thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền tối đa cho các đơn vị; Tập trung tháo gỡ khó khăn trong vấn đề cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng...
"Đề nghị các Cục/Vụ/đơn vị liên quan đến những nhiệm vụ này quan tâm thực hiện đúng quy định, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đánh giá cao các bệnh viện đã tích cực, nỗ lực trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế… nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân.
Kiểm soát tốt các dịch bệnh
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành tiếp tục giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh khác, không để "dịch chồng dịch".
Bộ Y tế tiếp tục triển khai hiệu quả vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Bộ đề xuất việc điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B; Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền việc công bố hết dịch COVID-19; Rà soát sửa đổi, bãi bỏ các quy định liên quan đến phòng, chống dịch.
Song song đó, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025; Nghiên cứu triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 phù hợp tình hình và việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 hằng năm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Bộ Y tế chủ động triển khai tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp để bảo đảm nguồn vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng; Đồng thời, tiếp tục theo dõi, bám sát các diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhất là dịch COVID-19, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi và các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết,…); Chuẩn bị sẵn sàng kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh.
Bộ Y tế đánh giá, công tác khám bệnh, chữa bệnh thông thường đã được hồi phục sau hơn 3 năm phòng chống dịch COVID-19, cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trên toàn quốc.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượt khám bệnh ngoại trú và nội trú đều tăng tại các bệnh viện, một số bệnh viện có số lượng tăng hơn trên 50% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ người bệnh hài lòng đạt trên 90%.
Ngành Y tế nỗ lực đảm bảo đủ vắc xin cho công tác tiêm chủng miễn phí cho trẻ em |
Liên quan đến vắc xin tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, thời gian qua Bộ Y tế đã nỗ lực trao đổi với các tổ chức quốc tế WHO, UNICEF cũng như các đơn vị liên quan trong nước và đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình.
Đến nay, doanh nghiệp và WHO, UNICEF đã hỗ trợ 258.000 liều vắc xin 5 trong 1 về Việt Nam để phục vụ công tác tiêm chủng miễn phí cho trẻ em. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị liên quan tiếp tục nỗ lực phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan để nhanh chóng tiến hành mua sắm, đặt hàng vắc xin tiêm chủng mở rộng.