Bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới cho cán bộ quản lý giáo dục cốt cán
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới cho cán bộ quản lý giáo dục cốt cán |
Việt Nam đang chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, đóng góp của 8 trường ETEP trong xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (GV/CBQL) là không thể thiếu. Để làm tốt công việc này, các trường đại học phải nỗ lực phát triển, tăng cường năng lực của bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo.
Qua 3 năm tham gia chương trình ETEP, các trường Đại học sư phạm và Học viện quản lý giáo dục đã nâng cao được năng lực nhà trường và triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng GV/CBQL cốt cán, đại trà cho 63 tỉnh, thành.
Về hoạt động bồi dưỡng GV/CBQL cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán năm 2019, chương trình đã hoàn thành đạt 108% so với chỉ tiêu đề ra. Theo đó, 32.576 GV/CBQL cốt cán đã được bồi dưỡng modul 1 hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018. Tỷ lệ học viên hài lòng với chương trình bồi dưỡng là 98%.
Các tài liệu tiếp theo để bồi dưỡng GV/CBQL đang được các nhà trường xây dựng, tham vấn các bên liên quan và chuyên gia quốc tế để kịp bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu của CT GDPT mới.
Ghi nhận những kết quả đạt được của chương trình ETEP, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong cuộc làm việc mới đây với Bộ GD&ĐT, đoàn giám sát chuyên đề “Tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông giai đoạn 2015-2020” của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đánh giá cao công tác bồi dưỡng GV/CBQL chuẩn bị cho CT GDPT mới.
Theo Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng 9 modul bồi dưỡng cho mỗi đối tượng GV/CBQL cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu của CT GDPT mới. Trong đó, 4 modul được ưu tiên thực hiện trước, liên quan đến: hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018; đổi mới phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh; xây dựng kế hoạch dạy học giáo dục, kế hoạch nhà trường; quản trị nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất nhà trường…
“Đây là những modul vô cùng quan trọng, là cẩm nang, phương pháp để GV/CBQL tự tin khi thực hiện CT GDPT mới”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, yêu cầu các đơn vị tổ chức bồi dưỡng bài bản, chất lượng, hiệu quả.
Trong đó công tác bồi dưỡng đội ngũ, Thứ trưởng lưu ý cần đặc biệt quan tâm tới CBQL cơ sở giáo dục phổ thông. Đội ngũ này đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thành bại của CT GDPT. Nếu CBQL tốt sẽ tạo được môi trường tốt cho giáo viên phát huy năng lực sáng tạo. Ngược lại, nếu CBQL không đủ hiểu biết và năng lực quản trị nhà trường theo yêu cầu của CT GDPT mới, thì đây sẽ là lực cản lớn đối với giáo viên cũng như sự phát triển của nền giáo dục.
Năm 2019 và đầu 6 tháng đầu năm 2020, việc bồi dưỡng GV/CBQL đã và đang thực hiện tốt được modul 1. Để triển khai tốt việc bồi dưỡng các modul tiếp theo, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị xây dựng tài liệu bồi dưỡng đảm bảo chất lượng. Công tác phối hợp chỉ đạo và tổ chức giữa các bên Bộ GD&ĐT - chương trình ETEP - các trường sư phạm - các Sở GDĐT cần chặt chẽ, nhịp nhàng. “Quyết tâm năm 2020 phải hoàn thành bồi dưỡng modul 1 và 2 cho GV/CBQL để triển khai CT GDPT mới”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng nhấn mạnh, khi tất cả cùng nhận thức đúng, quyết tâm cao, có phương pháp phù hợp và giải quyết dứt điểm các vấn đề thì việc bồi dưỡng giáo viên nói riêng và triển khai CT GDPT mới nói chung sẽ được thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ.