Bước chuyển mình của giao thông công cộng Thủ đô
Ưu tiên tối đa phát triển giao thông công cộng
Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là nơi sinh sống, học tập và làm việc của khoảng 8,5 triệu người. Với quy mô dân số tăng trưởng mạnh theo từng năm buộc hệ thống giao thông công cộng của thành phố Hà Nội phải có bước chuyển mình mạnh mẽ. Do đó, những năm qua, mạng lưới vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của Nhân dân Thủ đô. Đây vừa là điều kiện an sinh xã hội, vừa là nguồn lực để phát triển kinh tế, hướng tới một Hà Nội văn minh, hiện đại và đáng sống.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, thời gian qua mạng lưới xe buýt Hà Nội tiếp tục được phát triển, điều chỉnh hợp lý hóa để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, hiện nay mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến, trong đó 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, cùng lãnh đạo các đơn vị thực hiện nghi thức triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP |
Đáng chú ý, mạng lưới xe buýt hiện đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%; 65/75 bệnh viện đạt 87%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%; 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%; 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%; 23/24 làng nghề đạt 95,8%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá khu du lịch đạt 92%.
Xe buýt cũng kết nối với 7 tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Qua đánh giá, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt mỗi năm đạt 340 triệu lượt hành khách, trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn, mới đây, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới xây dựng thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho thành phố và người tham gia giao thông cộng cộng.
Nội dung và phạm vi thí điểm áp dụng trên vé lượt, vé tháng 1 tuyến, vé tháng liên tuyến đang áp dụng trên với 24 tuyến xe bus đang chở khách của thành phố. Hành khách có thể đăng ký vé, mua vé, thanh toán online (qua website, qua app mobile) hoặc trực tiếp tại các quầy vé. Hệ thống chấp nhận nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR code...
Theo đó, hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức ngoài việc thực hiện bán vé và soát vé nhanh chóng, thuận tiện còn đáp ứng các yêu cầu quản lý điều hành mạng lưới tuyến, cho phép tạo ra cơ chế vé linh hoạt để thu hút người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Thông qua việc thí điểm xác định giải pháp, phương án kỹ thuật, công nghệ làm cơ sở hình thành hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức trên địa bàn thành phố.
Hành khách có thể đăng ký vé, mua vé, thanh toán online (qua Website, qua APP mobile) hoặc trực tiếp tại các quầy vé |
Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã triển khai thi công các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội. Trong đó, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đi vào hoạt động. Việc tàu điện Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen đi lại và từng bước xây dựng văn hóa giao thông của Hà Nội theo hướng văn minh và hiện đại.
Anh Trần Đức Huy, người dân sinh sống ở Hà Đông chia sẻ: “Sau nhiều năm đi học và đi làm bằng xe buýt và mới đây là tàu điện, tôi cảm thấy đây là loại hình giao thông rất phù hợp với thời đại, mang tính cộng đồng cao. So với những năm trước, tôi thấy mọi người dần có ý thức hơn trong việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng".
Góp phần hình thành nhiều cực tăng trưởng chiến lược
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết: Trước đây, người dân đi ở cự ly ngắn thì thường sử dụng phương tiện cá nhân. Hiện nay, mọi người đã chấp nhận việc đi bộ xa hơn để sử dụng các loại hình vận tải hành khách công cộng. Đây cũng là một trong những đóng góp của người dân để giải quyết bài toán về ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, trong các đô thị lớn. Điều đáng mừng là văn hóa giao thông văn minh, hiện đại này không chỉ ở trong tuyến Cát Linh - Hà Đông mà đã lan tỏa sang các phương tiện giao thông công cộng khác của Hà Nội như xe buýt”.
Có thể nhận thấy rằng, sau thời gian đưa vào sử dụng, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã không phụ sự kỳ vọng của người dân Thủ đô. Tuyến đường sắt đô thị này đã gây ấn tượng mạnh mẽ, tác động tích cực dẫn đến sự thay đổi toàn diện trong tư duy và thói quen đi lại của người dân Thủ đô.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một hình thức vận tải mới, văn minh của vận tải hành khách công cộng |
Vói những ưu điểm nổi bật như sử dụng đường riêng trên cao, không chịu ảnh hưởng của ùn tắc; sạch sẽ, văn minh, nhanh và sức chở đến hàng nghìn người mỗi chuyến đã khiến đường sắt đô thị nhanh chóng trở thành lựa chọn hàng đầu của đông đảo người dân.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ: “Đường sắt đô thị được coi là xương sống của hệ thống vận tải hành khách công cộng, nó không chỉ định hình lại quy mô, phương thức vận tải mà còn thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân của người dân”.
Một điều đặc biệt là nhiều tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội đã và đang đầu tư xây dựng đều được định hướng trở thành cầu nối trung chuyển người dân từ các vùng ngoại thành thuộc phần mở rộng của Hà Nội đến trung tâm thành phố.
Đơn cử như tuyến số 2A có điểm cuối tại quận Hà Đông và sẽ được kéo dài đến Xuân Mai, phục vụ nhân dân huyện các huyện; Chương Mỹ, Quốc Oai… Tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội tiếp giáp với khu vực huyện Hoài Đức.
Tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc còn có ý nghĩa quan trọng hơn khi kết nối các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời đây cũng là tuyến đầu tiên được Hà Nội xác định đầu tư theo mô hình TOD, phát triển đô thị lấy ĐSĐT làm trung tâm.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị, 8 tuyến tàu điện một ray. Mạng lưới xe buýt nhanh, xe buýt nhiên liệu sạch sẽ được mở rộng khắp thành phố, kéo giãn mật độ dân cư, phân bố đồng đều đô thị, hình thành nhiều cực tăng trưởng chiến lược tại các khu vực ngoại thành.
Như vậy, vận tải hành khách công cộng cùng với hệ thống hạ tầng giao thông khung sẽ đi trước mở đường, là cơ sở để Hà Nội phát triển toàn diện, xóa nhòa khoảng cách giữa nông thôn, ngoại thành với đô thị trung tâm.