Bước đột phá trong mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao tại đồng bằng sông Cửu Long Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao |
Qua những mô hình triển khai ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh đã cơ bản đạt được mục tiêu như giảm 30% chi phí đầu vào, tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%, giảm 10% lượng khí nhà kính. Đó không chỉ là giá trị tăng thêm mà là minh chứng cho sự thay đổi về tư duy canh tác theo hướng xanh, bền vững.
Là một trong những Hợp tác xã được chọn thực hiện mô hình thí điểm trong Đề án tại tỉnh Sóc Trăng, HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú đã thực hiện với tổng diện tích là 50ha, giống lúa được chọn canh tác là ST25.
Những tấn lúa giảm phát thải từ mô hình thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng đang được thu hoạch. (Ảnh: Phương Anh) |
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, năng suất lúa sản xuất trong Đề án đạt 6,5 tấn/ha, với giá lúa ST25 được bán 10.800/kg, nông dân tham gia đề án thu lợi nhuận gần 49 triệu đồng/ha, tăng hơn 12% so với diện tích sản xuất ngoài mô hình do giảm được các chi phí đầu vào.
Tương tự, tại TP Cần Thơ cũng đã thu hoạch xong, năng suất đạt được là 6,4 tấn/ha, cao hơn năng suất diện tích ngoài mô hình là 0,7 tấn/ha. Mô hình tại Hợp tác xã Phát Tài tỉnh Trà Vinh cũng cho năng suất đạt 6,1 tấn/ha, cao hơn năng suất diện tích ngoài mô hình là 0,2 tấn/ha. Mô hình HTX Phước Hảo tỉnh Trà Vinh đang thu hoạch.
Ước tính kết quả thực hiện 4 mô hình thí điểm trong vụ Hè Thu 2024, năng suất đạt hơn 6,4 tấn/ha cao hơn năng suất ngoài mô hình trung bình gần 0,5 tấn/ha. Cục Trồng trọt cũng đánh giá, việc giảm chi phí sản xuất lúa trên cánh đồng thực hiện mô hình, giúp tổng chi phí đầu vào giảm 10-15% so với đối chứng bên ngoài mô hình.
Từ những thành công bước đầu của đề án đã phần nào tạo được niềm tin với bà con nông dân, mang lại sự tin tưởng, phấn khởi cho người dân, giúp mọi người yên tâm tham gia sản xuất lúa chất lượng. Toàn bộ sản lượng lúa thí điểm được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường, chưa kể đến hiệu quả kinh tế sau này khi được gắn thương hiệu lúa giảm phát thải.
Tại hội nghị sơ kết 7 mô hình thí điểm, ông Trần Thanh Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh, hai mục tiêu lớn nhất của Đề án là giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho người nông dân và sẽ có 12 địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long nhân rộng mô hình này khoảng 200.000 ha từ nay đến năm 2025.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp các địa phương mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải trong vụ Đông Xuân tới để tăng thu nhập cho nông dân. Dự kiến tăng lên 200.000ha vào năm 2025. (Ảnh: Phương Anh) |
Theo Cục Trồng trọt, dự kiến sẽ thực hiện 7 mô hình trong vụ Thu Đông năm 2024 với diện tích 186 ha, trong đó đã gieo sạ 140 ha, còn lại 139 ha, có hơn 40 ha mô hình lúa tôm, sẽ gieo sạ trong tháng 9 năm nay. Trong khi đó, kế hoạch thực hiện mô hình thí điểm vụ Đông Xuân 2024 – 2025 nhiều địa phương dự kiến sẽ mở rộng mô hình trình diễn ra nhiều huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh. Số lượng hơn 65 mô hình với diện tích ước 3.344 ha được thực hiện từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau bao gồm kinh phí trung ương từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nguồn vốn ngân sách địa phương.
Về kết quả giảm khí phát thải, theo Cục Trồng trọt, tại Cần Thơ, vụ Hè Thu 2024 đã thu hoạch, kết quả giảm đến 12 tấn CO2 tương đương/ha so với nông dân ngoài mô hình để nước ngập liên tục và vùi rơm trên đồng. Giảm 2 tấn CO2 tương đương/ha so với nông dân ngoài mô hình để nước ngập liên tục nhưng có bán rơm (thu rơm ra khỏi đồng). Tại Sóc Trăng, sự chênh lệch phát thải trong và ngoài mô hình là gần 4 tấn CO2 tương đương/ha/vụ (tương đương 29,6%).
Về liên kết tiêu thụ, tất cả các mô hình đều có doanh nghiệp liên kết thu mua lúa, một số mô hình được các doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua cao hơn so với bên ngoài từ 100 - 150 đồng/kg.
Thông qua những kết quả trên, điều mà Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mong muốn với “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa” xem như mở sang trang mới cho ngành hàng lúa gạo tại Việt Nam, không chỉ tăng năng suất thu nhập mà còn tạo ra sức lan tỏa, tạo điều kiện giúp cho ngành Nông Nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp tục nhận được sự đồng hành từ các tổ chức Quốc tế, doanh nghiệp hợp tác liên kết trong và ngoài nước.