Bứt phá từ phát huy bề dày lịch sử, đa dạng văn hóa
Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị về công nghiệp văn hóa Sáng nay khai mạc Hội nghị toàn quốc về công nghiệp văn hóa Văn hóa hun đúc khí phách, bản lĩnh, con người Việt Nam anh hùng |
Những đổi thay tích cực
Là một trong 3 thành phố được lựa chọn để làm trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH), Hà Nội là nơi tiên phong ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong việc phát triển CNVH nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, đưa CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Những thay đổi về chính sách, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của Thủ đô đã từng bước có sự chuyển động tích cực. Giai đoạn 2015 - 2020, cơ cấu kinh tế của thành phố đang chuyển dịch theo hướng gia tăng nhanh ngành dịch vụ từ 57,2%/năm lên tới 64,1% GRDP đã giúp Hà Nội duy trì tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,83%/năm. GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD.
Đây là tiền đề thuận lợi để Hà Nội phát huy bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa trong việc chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sự bứt phá của các ngành công nghiệp văn hóa.
Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố và Chương trình Công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến nam 2045”.
UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 217/KH-UBND ngày 12/8/2022 về việc thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TƯ ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đổi với các ngành công nghiệp văn hóa được thực hiện bài bản.
Cụ thể, Hà Nội đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, chế độ khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch, quy hoạch phát triển các ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp tục đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đối với những lĩnh vực chưa có chiến lược, quy hoạch cho phù hợp với kế hoạch đã ban hành.
Ngoài ra, thành phố xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, đặc biệt quan tâm tới đối tượng thành phần dân tộc thiểu số. Các quy hoạch, đề án về văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển dài hạn trên địa bàn Thủ đô được chú trọng.
Việc vinh danh cho những nghệ sĩ, nghệ nhân có nhiều cống hiến thực hiện theo đúng quy định: Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng “Nghệ nhân Nhân dân”, “nghệ nhân ưu tú” cao nhất cả nước.
Qua 3 đợt xét duyệt, Nhà nước đã phong tặng cho 18 Nghệ nhân Nhân dân, 113 nghệ nhân ưu tú; số lượng nghệ sĩ Nhân dân và nghệ sĩ ưu tú cùng ở mức cao, từ năm 2017-2019, thành phố đã tiến hành chọn và đề nghị Hội đồng cấp Trung ương phong tặng 6 nghệ sĩ Nhân dân, 31 nghệ sĩ ưu tú.
Nguồn lực chi thường xuyên cho sự nghiệp văn hóa của toàn thành phố từ năm 2017 đến nay là: 5.207.995 triệu đồng, bình quân chiếm tỷ trọng 1,9% trong tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương.
Nhiệm vụ lâu dài, quan trọng
Các lĩnh vực thuộc CNVH cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, về lĩnh vực du lịch, năm 2016, tổng thu từ khách du lịch đạt 61.778 tỷ đồng, năm 2017 đạt 70.958 tỷ đồng, năm 2018 tổng thu từ khách du lịch đạt 77.480 tỷ đồng, năm 2019 tổng thu từ khách du lịch đạt 103.812 tỷ đồng.
Năm 2020, tổng thu từ khách du lịch đạt 28.021 tỷ đồng, giảm 73% so với năm 2019, đưa tốc độ tăng trưởng trung bình vê tông thu của cả giai đoạn 2016 - 2020 giảm xuống còn -0,52%. Năm 2021, tổng thu từ khách du lịch đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (giảm 59,74% so với năm 2020). Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021.
Về lĩnh vực điện ảnh, UBND thành phố triển khai xây dựng Quy hoạch hệ thống rạp hát, rạp chiếu phim trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; bố trí rạp chiếu phim theo hình thức xã hội hóa, tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội vào tháng 11 các năm 2016, 2018, 2020 và 2022. Đây là sự kiện văn hóa lớn 2 năm một lần diễn ra tại Thủ đô Hà Nội thu hút sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên xuất sắc đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thố trên toàn thế giới.
Về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Hà Nội thực hiện có hiệu quả chương trình nghệ thuật có yếu tố xã hội hóa như: “Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert”; lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa”; cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2016, 2018, 2020, 2022”...
Thành phố cũng tiến hành bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình ca kịch truyền thống; trong đó tập trung vàp 4 loại hình chính là: Nghệ thuật chèo, cải lương, múa rối và kịch.
Các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, phát thanh truyền hình cũng được tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động. Lĩnh vực xuất bản từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong chiến lược phát triển ngành CNVH Thủ đô với sự thành công của Hội Sách Hà Nội, Phố sách Hà Nội.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.400 điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Từ năm 2016 - 2021, doanh thu của các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn là 270,9 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ lâu dài, quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa của thành phố. Từ kết quả đã đạt được, thành phố cần triển khai trong các giai đoạn tiếp theo.
Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND TP Hà Nội đề ra những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, cụ thể: Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu thành phố sáng tạo của UNESCO...