Cà Mau nỗ lực bảo vệ, phục hồi rừng
Đã khống chế được cháy rừng tại Cà Mau Thiên nhiên tái sinh kì diệu nơi cánh rừng Net Zero Đất Mũi |
Ngành lâm nghiệp tỉnh Cà Mau thống kê, chỉ trong 10 năm gần đây tỉnh mất đi 5.200 ha rừng ven biển, có 190/254km bị ảnh hưởng. Những năm qua, tỉnh cũng đã áp dụng nhiều giải pháp chống sạt lở, nhưng nguồn lực, vốn của địa phương chưa đủ sức.
Tại Cà Mau, diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện hơn 143.600ha (rừng dễ xảy ra cháy trong mùa khô hơn 45.600ha), chiếm hơn ¼ tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong số này, diện tích có rừng tập trung hơn 93.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 17,65%.
Trong 10 năm gần đây tỉnh mất đi 5.200ha rừng ven biển |
Để ứng phó với biến đổi khí hậu và hiệu ứng El Nino, thì việc giữ và phát triển rừng ngập mặn ở tỉnh Cà Mau có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Từ đó, nhiều chương trình trồng rừng mới, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn, góp phần giữ vững sự cân bằng sinh thái, bảo vệ bờ biển... được triển khai tại vùng đất cực Nam của Tổ quốc.
Điển hình như dự án "Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp với cải thiện thu nhập cho cộng đồng dễ bị tổn thương" (VM069) bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2021 với tổng kinh phí là 940.000EUR do tổ chức Bánh mỳ cho thế giới của Đức tài trợ và UBND tỉnh đóng góp 15%.
Dự án triển khai tại xã Đất Mũi thuộc địa bàn Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và xã Tam Giang Đông thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang. Sau 3 năm triển khai, các hoạt động của dự án tạo ra nhiều tác động tích cực như: Điều tra trữ lượng carbon rừng, thành lập tổ tự quản lâm nghiệp cấp ấp với 368 thành viên tham gia đã góp phần hoàn thiện hệ thống phối hợp quản lý rừng ngập mặn tại địa phương; tập huấn công tác trồng rừng và bảo vệ rừng, đã hỗ trợ trồng mới 10ha rừng và trồng bổ sung gần 30ha.
Trong năm 2024, nhiều chương trình, lễ phát động trồng cây, phục hồi rừng đã được diễn ra. Cụ thể như: Lễ phát động trồng 250 ngàn cây phục hồi rừng trên đất ngập tại xã Trần Hợi thuộc huyện Trần Văn Thời do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức.
Chương trình “Sức sống xanh - Vì Cà Mau xanh" (Ảnh: Anh Tuấn) |
Hay như chương trình “Sức sống xanh - Vì Cà Mau xanh" năm 2024, nhằm triển khai có hiệu quả đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh” của Thủ tướng Chính phủ, từng bước nâng cao chất lượng và tỷ lệ che phủ của rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của tỉnh Cà Mau.
Dự án “Rừng cho trẻ em” được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Năm Căn cũng rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương. Theo đó, lễ phát động trồng rừng thuộc dự án “Rừng cho trẻ em”, với mục tiêu trồng 3ha rừng mắm ven sông và 7ha rừng đước trong vuông tôm.
Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cùng với ảnh hưởng của các hình thức thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ biển tỉnh Cà Mau bị xói lở nghiêm trọng, diễn biến xói lở rất khó lường. Bên cạnh trồng rừng, công tác bảo vệ bờ biển, công tác hộ đê được tỉnh Cà Mau là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.
Từ nhiều nguồn hỗ trợ, đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành được khoảng 78km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí gần 2.780 tỷ đồng (bờ biển Tây 56km, kinh phí thực hiện khoảng 1.430 tỷ đồng; bờ biển Đông 22km, kinh phí thực hiện khoảng 1.350 tỷ đồng).
Ðê biển Tây của tỉnh Cà Mau đi qua 2 huyện: U Minh và Trần Văn Thời (Ảnh: Nhật Minh) |
Những công trình kè chống sạt lở bờ biển Cà Mau được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Cà Mau qua thời gian triển khai, những công trình kè chống sạt lở được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ”.
Giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Cà Mau có nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, đê sông, đê biển lên đến 31.205 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ 26.842 tỷ và dự kiến nhu cầu kinh phí từ ngân sách tỉnh 2.310 tỷ và vốn xã hội hóa 2.054 tỷ đồng.