Các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam có "ưu ái" về sai phạm tại mỏ đá Công ty Hồng Hà?
Bài liên quan
Chính quyền tỉnh Hà Nam ''im lặng'' vụ Công ty Hồng Hà sai phạm trong khai thác mỏ đá
Cần làm rõ những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động khai thác đá của Công ty Hồng Hà
Sai phạm vẫn vô tư khai thác đá, UBND tỉnh Hà Nam có ''ưu ái'' Công ty Hồng Hà?
Hà Nam: Liên tục vi phạm, vì sao Công ty Hồng Hà vẫn được ''xẻ thịt'' núi đá?
Mòn mòi chờ phản hồi
Tháng 8/2018, Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được phản ánh của nhiều người dân về việc Công ty TNHH Hồng Hà có địa chỉ tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác mỏ đá tại núi Thung Đền Bà Oanh.
Nhận được phản ánh, ngày 16/8/2018, PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đến ghi nhận thực tế tại mỏ đá của Công ty Hồng Hà. Tại thời điểm ghi nhận, con đường dẫn vào công trường khai thác đá tại núi Thung Đền Bà Oanh rất nguy hiểm, nhiều ổ gà, ổ voi xuất hiện những vũng nước lớn với độ sâu và rộng khoảng vài mét.
Không những vậy, trên con đường vào các mỏ đá khu vực núi Thung Đền Bà Oan còn xuất hiện nhiều xe tải hạng nặng nối đuôi nhau ra vào chở đá trong công trường.
Ngày 22/8/2018, theo chân Đoàn kiểm tra của Sở Công Thương Hà Nam chủ trì, phối hợp cùng đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và các sở ngành liên quan đến kiểm tra thực tế tại mỏ đá tại núi Thung Đền Bà Oanh của Công ty Hồng Hà, PV cũng đã ghi nhận nhiều dấu hiệu vi phạm.
Cụ thể, khu vực khai thác đá nham nhở, những vết khoan, nổ mìn vẫn còn nguyên vẹn, những dấu hiệu của việc khai thác sai thiết kế bị lộ rõ, khoảng cách an toàn không đảm bảo theo quy định, khoảng cách từ vị trí nổ mìn đến văn phòng trụ sở Công ty Hồng Hà, máy móc thiết bị, kho dầu cũng không đảm bảo theo quy định.
Công ty Hồng Hà vẫn vô tư khai thác đá dù dính hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. |
Cũng tại thời điểm này, mỏ đá của Công ty Hồng Hà vẫn đang thực hiện khai thác rầm rộ, nhiều loại máy móc, xe hổ vồ cỡ lớn vẫn vô tư ra vào chở đá thô chưa qua chế biến ra khỏi khu vực mỏ khai thác. Bên cạnh đó, tại khu vực mỏ khai thác có hai bình nén khí cỡ lớn để phục vụ việc khai thác đá tiềm ẩn nguy cơ phát nổ gây nguy hiểm đến tính mạng của người lao động bất cứ lúc nào.
Đối với hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng thì Công ty Hồng Hà cũng có dấu hiệu chưa được xây dựng theo đúng quy định, lượng nước chảy tràn ra ngoài khu vực khai thác ngấm xuống lòng đất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Hiện mỏ đá vẫn thiếu nhiều công trình bảo vệ môi trường, chưa có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.
Để tìm hiểu công tác chấp hành pháp luật của chủ mỏ đá, PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Hà Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam ngay từ thời điểm tháng 8/2018. Tuy nhiên, đến nay, sau thời gian mòn mỏi chờ đợi thì PV vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ phía các đơn vị trên.
Trước sự việc trên, dư luận cho rằng quyền và trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí đã được quy định rõ tại Luật Báo chí năm 2016 và chi tiết tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng, có thể UBND tỉnh Hà Nam; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam không nắm được các quy định này, hay các quy định này không được áp dụng với Báo Tuổi trẻ Thủ đô như các đơn vị báo chí khác (?!).
Ưu ái cho sai phạm?
Theo tìm hiểu của PV, năm 2010, UBND tỉnh Hà Nam đã cấp phép cho Công ty TNHH Hồng Hà được phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ núi Thung Đền Bà Oanh với thời hạn từ 31/08/2010 – 31/08/2040.
Theo giấy phép khai thác khoáng sản thì Công ty Hồng Hà được phép khai thác trong phạm vi diện tích là 8ha, trữ lượng khai thác là hơn 8 triệu m3 và công suất khai thác là 250 nghìn m3/năm. Tuy nhiên, năm 2013, Thanh tra tỉnh Hà Nam đã chỉ rõ những sai phạm của Công ty Hồng Hà về việc khai thác ngoài phạm vi mỏ với khối lượng tính từ 06/2012 – 11/2013 là 234 nghìn m3 và bỏ ngoài sổ sách hơn 76 nghìn m3...
Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh Hà Nam kiến nghị Công ty Hồng Hà chấn chỉnh ngay những vi phạm nêu trên và chấm dứt việc khai thác mỏ ngoài phạm vi được khai thác.
Công ty Hồng Hà không thực hiện việc khai thác đá cắt tầng, có thể gây nguy hiểm cho người lao động. |
Điều đáng chú ý, Công ty Hồng Hà từ khi được UBND tỉnh Hà Nam cấp phép khai thác mỏ năm từ 2010 đến nay vẫn chưa có Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình biện pháp bảo vệ môi trường, phục vụ giai đoạn vận hành dự án.
Cũng theo tìm hiểu của PV, vào tháng 10/2017, Thanh tra tỉnh Hà Nam cũng đã ban hành Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật của Công ty Hồng Hà, trong đó nêu rõ nhiều sai phạm của Công ty trong hoạt động khai thác mỏ đá tại núi Thung Đền Bà Oanh.
Cụ thể, về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Kết luận thanh tra nêu rõ, đơn vị đo kiểm soát môi trường năm thiếu tần suất so với đăng ký trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt xác nhận việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường; quản lý không tốt để doanh nghiệp khác khai thác vượt mốc giới mỏ.
Về lĩnh vực phương pháp khai thác và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, đơn vị khai thác đã không tạo mặt bằng tầng, chiều cao tầng khai thác vượt thiết kế được duyệt, góc nghiêng sườn khai thác lớn 80o; khoảng cách gần nhất từ vị trí nổ mìn đến công trình là thấp hơn quy định.
Điều đáng nói, mặc dù trong nhiều năm khai thác mỏ đá tại núi Thung Đền Bà Oanh, Công ty TNHH Hồng Hà đã liên tục vi phạm trong hoạt động khai thác mỏ, gây bức xúc dư luận nhưng đến nay hoạt động khai thác đá vẫn được tiếp diễn, trong khi đó cần có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.
Ngày 4/4/2018, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 535/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Hồng Hà do đã thực hiện hành vi vi phạm là "Không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) theo quy định".
Với hành vi này theo quy định thì Công ty Hồng Hà sẽ bị phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng nhưng UBND tỉnh Hà Nam lại không xử phạt bằng tiền đối với hành vi vi phạm hành chính này do đã hết thời hiệu xử phạt.
Thay vào đó, UBND tỉnh Hà Nam quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở với thời gian 4,5 tháng để khắc phục vi phạm và buộc Công ty Hồng Hà phải xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường và lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 4,5 tháng kể từ ngày nhận được quyết định Công ty phải hoàn thành xong và báo cáo kết quả về UBND tỉnh Hà Nam.
Nhưng chỉ sau đó 3 tháng, tức ngày 6/7/2018, UBND tỉnh Hà Nam lại tiếp tục ban hành Quyết định 1173/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Hồng Hà yêu cầu Công ty phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính: "Không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) theo quy định".
Theo đó, biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện là phải xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường và lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trình UBND tỉnh Hà Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam kiểm tra, xác nhận trong thời gian 4,5 tháng kể từ ngày 4/4/2018.
Điều đáng nói, tại Điều 2 của Quyết định 1173/QĐ-KPHQ của UBND tỉnh Hà Nam nêu rõ: "Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế Quyết định số 535/QĐ-XPVPHC ngày 4/4/2018 của UBND tỉnh đã ban hành". Như vậy, đồng nghĩa với việc UBND tỉnh Hà Nam hủy bỏ việc đình chỉ hoạt động của mỏ đá Công ty Hồng Hà và ''tạo điều kiện'' cho doanh nghiệp tiếp tục được ''xẻ thịt" núi đá trước thời hạn (?!).
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.
Báo chí cần thông tin kịp thời, chính xác về các vấn đề thời sự, thiết thực, được người dân quan tâm nhưng khi cơ quan có liên quan tìm cách né tránh, bất hợp tác, gây cản trở các nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp thì ở một mức độ nào đó, điều này có thể bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua Chính phủ rất nỗ lực chỉ đạo thực hiện minh bạch thông tin tới người dân thông qua báo chí, thể hiện bằng: Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ); Luật Báo chí sửa đổi 2016 (có hiệu lực từ ngày 01/1/2017), trong đó Khoản 3, Điều 6 về Nội dung quản lý nhà nước về báo chí quy định rõ hai vấn đề: “Tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý thông tin của báo chí”. Như vậy cung cấp thông tin cho báo chí là vấn đề luật định. Và nội dung này tiếp tục được làm rõ tại Nghị định 09/2017/NĐ-CP (Nghị định) do Chính phủ ban hành ngày 09/2/2017 quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Điều 3 của Nghị định về người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được xác định cụ thể:
“1. Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, gồm: a) Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; b) Người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (sau đây gọi chung là người phát ngôn); c) Người có trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính nhà nước được người đứng đầu ủy quyền thực hiện phát ngôn (sau đây gọi chung là người được ủy quyền phát ngôn) hoặc giao nhiệm vụ phối hợp cùng người phát ngôn thực hiện phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
2. Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cục, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức, cấp tỉnh thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương, gồm: a) Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; b) Trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó là người được giao phụ trách cơ quan thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
3. Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, gồm: a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã; b) Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”.
Không chỉ quy định người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, Nghị định còn quy định họ tên, chức vụ, số điện thoại, địa chỉ email của người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước; ủy quyền phát ngôn phải thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn. Bên cạnh đó, Điều 10 về Xử lý vi phạm cũng nêu rõ: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Về Nghị định 09/2017/NĐ-CP, điểm mới nhất trong nghị định này có lẽ là quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong những trường hợp đột xuất, bất thường. Điều này đặt kỳ vọng cho việc báo chí sẽ có được những thông tin chính thống trong các trường hợp khẩn thiết, khi mà công luận và bạn đọc đang rất cần được biết. Nghị định 09 được đánh giá đã “mở đường”, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo khi tác nghiệp sẽ không còn tình cảnh chầu chực chờ thông tin từ cơ quan chức năng, cũng như sẽ bớt bị “làm khó” vì nhu cầu thông tin được đáp ứng đúng theo luật định. Tuy nhiên các quy định của Nghị định chỉ thật sự phát huy hiệu quả nếu có sự hợp tác nghiêm túc của các cơ quan chức năng, việc cung cấp thông tin không mang tính hình thức, quanh co, đối phó.
Công khai, minh bạch thông tin là một tiêu chí xác định sự phát triển của một xã hội văn minh. Sự chậm trễ, thiếu chủ động trong cung cấp thông tin có thể dẫn đến các hệ lụy khó lường, gây nghi ngờ trong dư luận, tạo cơ hội cho các phần tử cơ hội, thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trích: Báo Nhân Dân.