Các địa phương chủ động củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán Covid-19
Theo đó, nội dung công văn ghi rõ, trong thời gian qua Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chủ động và quyết liệt, đặc biệt là cách ly kịp thời các trường hợp nhập cảnh, không để xảy ra các trường hợp mắc trong cộng đồng.
Cũng theo Bộ Y tế, các địa phương đã chủ động củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán vi rút SARS-CoV-2 và tiến hành xét nghiệm kịp thời. Tới nay trên toàn quốc đã có 118 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm, trong đó có 66 phòng đủ khả năng xét nghiệm khẳng định. Tuy nhiên, sau gần 100 ngày không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng, tới ngày 25/7 đã ghi nhận thêm 2 ca mắc (BN416, BN418) trong cộng đồng tại TP. Đà Nẵng.
Ảnh minh họa |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 253/TB-VPCP ngày 25/7/2020 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong đó yêu cầu đẩy mạnh việc thực hiện phát hiện, truy vết người tiếp xúc, cách ly, xét nghiệm kịp thời, Bộ Y tế đề nghị Đồng chí Giám đốc các Sở Y tế tỉnh, thành phố triển khai thực hiện các nội dung.
Rà soát năng lực xét nghiệm tại địa phương, chủ động chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực xét nghiệm tại chỗ bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và điều kiện an toàn sinh học cấp II để kịp thời xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 theo hướng dẫn tại Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22/4/2020 của Bộ Y tế; Đầu tư nâng cấp phòng xét nghiệm và các phương tiện, thiết bị, bổ sung sinh phẩm trong trường hợp cần thiết để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bảo đảm hiệu quả, phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực;
Chỉ đạo các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các cơ sở có phòng xét nghiệm đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và an toàn sinh học tiếp tục liên lạc với các viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để được tập huấn, tập huấn lại về kỹ thuật xét nghiệm, hỗ trợ, chia sẻ sinh phẩm xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 để thực hiện xét nghiệm kịp thời; Liên hệ đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để được đánh giá, xác nhận năng lực phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 trong trường hợp cần thiết; Chủ động phối hợp với các các đơn vị, địa phương khác trong việc thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2.
Báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, Quyền Bộ trưởng Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng là 4 ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng có cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng. Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7/2020 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, dịch khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác. Hiện Bộ Y tế đã cử 4 đội cán bộ tinh nhuệ nhất vào Đà Nẵng để hỗ trợ phòng chống dịch.