Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Tăng cường kiểm tra
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn ra phức tạp trên địa bàn huyện Thanh Trì, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội do ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Thanh Trì, lũy tích đến ngày 2/8, trên địa bàn huyện có 243 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 15/16 xã, thị trấn. Ca bệnh tập trung chủ yếu tại thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh. Hiện trên địa bàn huyện còn 9 ổ dịch đang hoạt động, đa số các ổ dịch ghi nhận từ 2-3 bệnh nhân.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Thanh Trì |
Thời gian qua, huyện đã tập trung cả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như triển khai các hoạt động cho công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Ngành y tế huyện đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, trang thiết bị hóa chất để phục vụ công tác phòng chống dịch.
TTYT huyện Thanh Trì đã làm tốt việc giám sát dịch tại cơ sở y tế (Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Trì, Bệnh viện đa khoa Thăng Long, Bệnh viện đa khoa Nông Nghiệp) cũng như tại cộng đồng; Triển khai giám sát 87/87 ổ dịch cũ năm 2022; Giám sát bọ gậy và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại tất cả các xã, thị trấn...
TTYT huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đợt 1 trên toàn địa bàn từ ngày 1 đến 28/7.
Huyện cũng tổ chức 16 lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn giám sát phát hiện, xử lý bọ gậy cho lực lượng phòng chống dịch xã, thị trấn; Tập huấn kỹ năng sử dụng máy phun, kỹ thuật phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành cho công nhân phun hóa chất...
Đồng thời, huyện Thanh Trì duy trì hoạt động tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết bằng các hình thức đa dạng, phong phú; Phối hợp với các đơn vị tham dự lễ ra quân Vì một cộng đồng không sốt xuất huyết năm 2023; Triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết...
Mặc dù đã nỗ lực tập trung cho công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết nhưng với quá trình đô thị hóa, di biến động dân cư diễn ra mạnh mẽ nên nguy cơ cao xảy ra dịch sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu huyện Thanh Trì tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống sốt xuất huyết. Toàn huyện tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, trong đó vận động các hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, diệt bọ gậy để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.
Đồng thời, lực lượng y tế tăng cường phun hóa chất diện rộng, cần chú trọng các điểm nguy cơ như các khu vực đất trống, nghĩa trang...
Đặc biệt, các đơn vị cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng để nhanh chóng khoanh vùng, xử lý dịch kịp thời, giảm tối đa tỷ lệ tử vong; Thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm bắt các hoạt động đang triển khai để đạt hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng chống sốt xuất huyết...
Triển khai các hoạt động cao điểm
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2159/KSBT-PCBTN về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, gửi TTYT quận, huyện, thị xã. Theo CDC Hà Nội, tính từ đầu năm đến ngày 4/8/2023, toàn thành phố ghi nhận 2.750 trường hợp sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 408/579 xã, phường, thị trấn.
Bệnh nhân có xu hướng tăng nhanh trong 4 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận 481 trường hợp, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó (113 trường hợp); Ghi nhận 198 ổ dịch tại 24 quận, huyện, thị xã; 111 xã, phường, thị trấn. Tính đến ngày 4/8, toàn thành phố đã thực hiện 928 chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy, đạt 82% so với chỉ tiêu từ đầu năm để ra.
Để triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát, CDC Hà Nội đề nghị TTYT quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết theo kế hoạch, đề án đã được phê duyệt.
Các quận, huyện đáp ứng kịp thời hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết, máy phun đảm bảo sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch; Thực hiện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định, kịp thời, hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng, diễn biến kéo dài.
TTYT quận, huyện, thị xã tham mưu UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai các hoạt động cao điểm chủ động phòng, chống sốt xuất huyết trong tháng 8 và 9/2023, bao gồm: Thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy quy mô xã, phường, thị trấn vùng nguy cơ cao; Phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại những nơi có nguy cơ cao, phun diện rộng tại các xã, phường, thị trấn có ổ dịch phức tạp.
Đồng thời, các địa phương tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, ngoài hoạt động giám sát côn trùng thường xuyên; Yêu cầu 100% các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch phải được giám sát côn trùng để đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp.
Các đơn vị thường xuyên rà soát, báo cáo, cập nhật, quản lý số liệu ca bệnh truyền nhiễm trên hệ thống phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm trực tuyến theo quy định tại Thông tư 54 của Bộ Y tế, báo cáo kết quả theo quy định.
Đẩy mạnh tuyên truyền tại hộ gia đình về phòng chống chống dịch bệnh sốt xuất huyết |
Song song với đó, các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền trực tiếp, truyền thông lưu động (loa kéo); Tuyên truyền thông qua các hội nhóm Zalo thôn, tổ dân phố...
Các nội dung tuyên truyền cần cụ thể, rõ ràng, tập trung vào đặc điểm tình hình dịch tại địa phương, sự nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng bệnh; Yêu cầu 100% ổ dịch tại các quận, huyện có treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết.