Các nghệ sĩ Trịnh Ca cùng kể về "Giấc mơ Trịnh" tại Nhà hát Lớn Hà Nội
Hé lộ ước mơ của các nghệ sĩ trẻ hàng đầu Việt Nam |
Đêm nhạc "Giấc mơ Trịnh" diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào đúng đêm 1/4 để kỷ niệm 15 năm phòng trà Trịnh Ca, 22 năm nhạc sỹ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm.
Đóng góp cho âm nhạc Hà Nội theo cách riêng
“Đời ta có khi tựa lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do…”
Không quá lời khi nói rằng phòng trà Trịnh Ca là một không gian văn hóa của những người yêu nhạc Trịnh cũng như những tình khúc vượt thời gian của các nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An…
Không gian của Trịnh Ca - một đóng góp cho âm nhạc Hà Nội theo cách riêng |
Trịnh Ca có 15 năm đóng góp cho âm nhạc Hà Nội theo một cách rất riêng. Những tụ điểm biểu diễn khác thường hào nhoáng ồn ào, thỉnh thoảng có sự xuất hiện của các ngôi sao. Còn Trịnh Ca chỉ là một chốn giản dị nép mình trong con ngõ nhỏ, không có những ca sĩ ngôi sao, chỉ có những người nghệ sĩ yêu âm nhạc.
Họ không có tên tuổi hoành tráng nhưng lao động nghệ thuật nghiêm túc, gắn bó với Trịnh Ca suốt từ khi mới thành lập: Diệu Thúy, Bích Ngọc, Lê Tâm… hay những giọng ca trẻ hơn như Trịnh Trí Anh…
Họ vẫn tìm về Trịnh Ca để được hát cho những người yêu nhạc, như để đáp lại tình cảm tri âm giữa những tâm hồn đồng điệu và chính bản thân những người nghệ sĩ hát ở Trịnh Ca cũng như để được thỏa niềm đam mê và tìm một nơi trú ẩn an yên cho bản thân mình. Không quá lời khi gọi họ là những nghệ nhân của nhạc Trịnh.
Hoàng Trang sẽ tham gia vào đêm nhạc "Giấc mơ Trịnh" tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 1/4 tới |
Trịnh Ca hàng đêm đều đỏ đèn, livestream trên mạng xã hội cho đông đảo khán giả trong nước và nước ngoài theo dõi. Đặc biệt, trong thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành khiến cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn bị ngưng trệ, phòng trà Trịnh Ca vẫn duy trì livestream, thu hút hàng trăm nghìn người cùng theo dõi, chia sẻ, ủng hộ. Ở xa Tổ quốc, kiều bào vẫn được nghe những thanh âm trữ tình, da diết, thuần Việt.
Ngày 1/4 tới đây, khi Trịnh Ca tổ chức đêm nhạc tại Nhà hát Lớn, dù không gian hữu hình có sự thay đổi nhưng không gian vô hình thì vẫn thấm đẫm tinh thần Trịnh Ca, vẫn không có ngôi sao, chỉ là nơi gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu.
Nghệ sĩ gắn bó với Trịnh Ca suốt nhiều năm qua |
Đại diện Trịnh Ca cho biết khán giả của phòng trà này có thể chia làm hai nhóm. Một là những người trong lòng có tâm sự, họ muốn đến nghe nhạc để được nghe tiếng lòng mình vang lên trong những câu hát, để tự sự với chính mình, trải lòng qua âm nhạc.
Một nhóm nữa là những người muốn tìm đến những giá trị nghệ thuật, triết lý trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, muốn bước vào cõi mơ của nhạc sĩ tài hoa, để nhận ra rằng giấc mơ của ông cũng chính là giấc mơ của mình.
Điều kết nối người nghe và ca sĩ chính là sự đồng cảm trong những tư tưởng, triết lý đó. Có người nói rằng nhạc Trịnh càng nghe càng thấm, càng hiểu thì càng yêu. Có những câu hát hôm nay nghe, ngày mai nghe nhưng có khi nhiều năm sau mới hiểu và thấm thía.
Trịnh Công Sơn có viết: "Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được".
Có những câu nói của ông đã trở thành triết lý được người ta suy ngẫm, chiêm nghiệm mãi cho đến sau này cũng không bao giờ cũ: "Khi người ta trẻ, người ta nghĩ có thể dễ dàng từ bỏ một mối tình. Vì người ta nghĩ rằng những hạnh phúc, những điều mới mẻ nhất sẽ đến trong tương lai. Cũng có thể. Nhưng… người ta đâu biết rằng những gì ta mong muốn và cần nhất chỉ đến một lần trong đời".
Lan tỏa và kết nối những tâm hồn yêu Trịnh
Để lan tỏa những giá trị đó, phòng trà Trịnh Ca kết hợp với đơn vị tổ chức "Vàng son một thuở" để tổ chức đêm nhạc tại Nhà hát Lớn.
Nhà sản xuất Ngọc Châm muốn nối dài những "Giấc mơ Trịnh" |
Nhà sản xuất Ngọc Châm chia sẻ: "Các show ca nhạc hiện nay đang bùng nổ, tôi nghĩ phải làm sao có những chương trình mang lại cảm xúc, được xây dựng dựa trên cảm xúc chứ không phải mời sao nọ sao kia hát rồi kết thúc chương trình, mọi thứ trôi đi, không để lại dư âm dư vị.
Những triết lý và tinh thần Trịnh Ca rất phù hợp với tôn chỉ hoạt động của đơn vị này trên hành trình tìm lại vàng son một thuở".
Ngọc Châm cho biết việc cô đang làm thực chất không phải là việc đơn thuần tổ chức các đêm nhạc giống như một bầu sô. Mà cái chính là để nâng cao nhận thức cho khán giả, tôn vinh các giá trị nghệ thuật, tôn vinh những con người đã sáng tạo ra nghệ thuật thực sự.
Đó chính là lý do mà đêm nhạc của Trịnh Ca không ngôi sao, không chiêu trò hay những hiệu ứng hào nhoáng thời thượng chỉ có âm nhạc là yếu tố duy nhất gắn kết. Tổng đạo diễn chương trình là nhạc sĩ Nguyễn Quang và nghệ sĩ guitar Đạo Nguyễn phụ trách phần hòa âm phối khí.
Lắng nghe tình khúc Trịnh Công Sơn và câu chuyện của những người sáng lập Trịnh Ca, nhạc sĩ Nguyễn Quang xúc động và quyết định đồng hành cùng chương trình. Chương trình cũng nhằm mục đích kết nối những nghệ sĩ trẻ, tạo ra sự trao truyền, tiếp nối những giá trị trong nhạc trữ tình nói chung và nhạc Trịnh Công Sơn nói riêng.
Như đã nói ở trên, những nghệ sĩ đến với Trịnh Ca và gắn bó nhiều năm có thể không phải ngôi sao hay những cái tên “hot” trong làng nhạc Việt. Họ là những người đồng điệu trong tâm hồn, khao khát thể hiện nỗi lòng của mình qua âm nhạc. Họ sẽ kể về "Giấc mơ Trịnh" của riêng mình, với tư cách cá nhân và người nghệ sĩ cất lên tiếng hát làm đẹp cho đời.
Trong đêm nhạc tới đây, sự tiếp nối của các thế hệ thể hiện rất rõ, có những người ở tuổi 7X như ca sỹ Mai Loan, Thanh Hương… cũng có những nghệ sĩ trẻ lứa tuổi 9X như Hoàng Trang, Trịnh Trí Anh… MC Kim Nguyên Bảo là người viết kịch bản và dẫn chương trình, cũng là người gắn bó với Trịnh Ca nhiều năm qua.
Mỗi người sẽ viết nên những "Giấc mơ Trịnh" bằng tiếng hát của mình |
Sự nối tiếp ấy rất cần thiết để duy trì tính thiện trong âm nhạc Trịnh Công Sơn và dòng nhạc tình mà Trịnh Ca theo đuổi suốt nhiều năm qua.
Nghệ sĩ Đạo Nguyễn sẽ hòa âm phối khí, dàn dựng theo phong cách mới, làm cho bài hát lộng lẫy sang trọng hơn. Vẫn là Trịnh đấy, nhưng khi vang lên trong không gian khác biệt, những bản phối mới sẽ mang lại sức sống mới cho âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Sự thay đổi này, các khán giả yêu mến Trịnh Ca sẽ cảm nhận được.
Đêm nhạc đơn thuần đánh dấu 22 năm nhạc sĩ tài hoa rời cõi tạm, song những người xây dựng nên phòng trà mang tên ông sẽ để cho tình yêu và niềm tin vào những điều thiện lành trong đời tiếp nối thành một dòng chảy không ngừng, để Trịnh Ca tiếp tục bình dị đóng góp cho âm nhạc Hà Nội một góc riêng.
Qua đây, những người tổ chức một lần nữa khẳng định sức ảnh hưởng lớn của Trịnh Công Sơn: Dù ông đã rời cõi tạm nhiều năm nhưng âm nhạc của ông luôn có sức sống mạnh mẽ.