Tag
PGS. TS Trần Như Dương, Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng

Cách ly, quản lý F1 là mắt xích quan trọng cắt đứt đường lây truyền Covid-19

Sức khỏe 17/08/2020 10:04
aa
TTTĐ - PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, kiêm Đội trưởng Đội Điều tra, giám sát dịch đã trả lời phỏng vấn về việc điều tra, giám sát dịch và làm thế nào để sớm đẩy lùi dịch Covid-19.

Bộ Y tế khuyến cáo về dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai trong dịch Covid-19 Hải Dương, Quảng Nam có 2 ca mắc mới Covid-19 Đà Nẵng: Nữ công an mắc Covid-19 từng trực chốt tại Bệnh viện dã chiến 500 giường Đà Nẵng: 14 bệnh nhân âm tính lần 3 với virus SARS-CoV-2

Thưa ông, trong rất nhiều cuộc làm việc với chính quyền địa phương, ông thường xuyên nhấn mạnh yêu cầu phát hiện sớm, cách ly tập trung ngay những người thuộc diện F1. Tại sao như vậy?

PGS. TS Trần Như Dương: Như chúng ta đã biết, hiện tại Covid-19 chưa có vacine phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch Covid-19 là cắt đứt đường lây truyền, để làm được điều đó thì phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus lây lan ra cộng đồng.

Đó là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan đến ca bệnh và liên quan đến ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19. Riêng đối với các trường hợp F1, trong hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân Covid-19 hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 cần có sự chú ý đặc biệt hơn.

F1 là chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2 m, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu. Đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh từ người bệnh. Có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng.

Vì vậy, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh Covid-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch.

Chiến lược hiện nay của chúng ta trong chống dịch tại cộng đồng, đó là phát hiện, phát hiện và phát hiện. Cách ly, cách ly và cách ly. Muốn phát hiện sớm không có cách nào khác là phải giám sát và xét nghiệm. Và một trong cách quan trọng để phát hiện được F1 chính là phải truy vết.

Chính vì vậy, việc chống dịch trên mọi miền Tổ quốc, ở các địa phương, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: “Truy vết F1 một cách thần tốc”. Có nghĩa là phải nhanh, đồng thời phải kiên quyết không được bỏ sót F1.

Như tôi đã phân tích, F1 đã tiếp xúc với nguồn lây nên khả năng F1 mắc bệnh là rất lớn. Nếu người này không được phát hiện ra và phát hiện nhanh, kịp thời, không được tổ chức cách ly ngay, nếu không may để lọt F1 trong cộng đồng, nguy cơ cao trở thành người bệnh, phát tán virus.

Lúc đấy, nguy cơ lây lan trước hết là trong chính gia đình của họ, sau là lây lan ra cơ quan, cộng đồng, các nhóm họp, tập trong đông người. Lúc đó dịch sẽ không ngăn chặn được nữa.

Chính vì vậy, tôi phải nhắc đi nhắc lại, việc truy vết, cách ly tập trung bắt buộc đối với F1 là một trong những điều kiện cực kỳ quan trọng và mang tính chiến lược bắt buộc phải làm.

5634 kiem tra 2
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm tra, khảo sát thực tế khu dân cư tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng (đứng đầu tiên bên trái)

Thưa ông, có thể cho phép các F1 được tự cách ly tại nhà hay không?

PGS. TS Trần Như Dương: Cần phải nói rõ, Bộ Y tế yêu cầu cách ly tập trung, bắt buộc đối với F1, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà.

Bởi vì, việc cách ly tại nhà là hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Chỉ cần người F1 đó lơ là, mất cảnh giác một chút thôi hoặc vi phạm quy định đi ra ngoài (mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện ra) khi đó nguy cơ gieo rắc virus rất lớn, tạo thành lỗ thủng trong hệ thống phòng dịch của chúng ta. Để từ đó lây bệnh ra bên ngoài.

Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, đối với người F1 Bộ Y tế yêu cầu phải cách ly bắt buộc, tại cơ sở cách ly tập trung có sự quản lý theo dõi giám sát của nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tập trung. Chính vì vậy mà việc quản lý F1 giữ vai trò rất quan trọng.

Ông có khuyến cáo nào đối với việc cách ly F1 tại các khu cách ly tập trung?

PGS. TS Trần Như Dương: Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể, chi tiết về hướng dẫn cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung, trong đó có đối tượng F1.

Trong hướng dẫn đã có những quy định rất chi tiết cho từng đối tượng như người quản lý khu tập trung, người cách ly... Việc tổ chức cách ly phải theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng chống lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung.

Vì ở những nơi này, các F1 là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, lây nhiễm virus, cho nên vào khu cách ly, việc sắp xếp từ phòng ốc, đồ dùng sinh hoạt đến việc cách ly thế nào đều phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của Bộ Y tế và được thực hiện bởi cơ quan quản lý. Theo dõi y tế phải được tiến hành bởi nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung đó.

Việc tuân thủ các quy định trong khu cách ly là rất cần thiết để tránh lây nhiễm chéo bệnh (nếu có) sang nhau. Bộ Y tế đã xây dựng các biện pháp rất chặt chẽ, yêu cầu các cơ sở cách ly tập trung, các nhân viên tại các cơ sở đó, người được cách ly tuân thủ nghiêm túc, sẽ tránh được lây nhiễm chéo bệnh (nếu có). Nếu tuân thủ đúng các quy định đó, người dân yên tâm là đã đảm bảo được việc phòng chống lây nhiễm bệnh trong khu cách ly, nếu mình thuộc đối tượng phải cách ly tập trung.

Phòng chống việc lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung không phải chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý hay nhân viên ở các khu cách ly đó. Một trong những việc đảm bảo cho sự an toàn tại khu cách ly đó là sự nghiêm chỉnh thực hiện nội quy của người được cách ly. Khi đã vào khu cách ly tập trung, phải ở trong phòng, không gặp gỡ ai, không tụ tập đông người, hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tối đa việc nói chuyện với người khác. Như vậy mới là cách ly.

Thưa ông, với tư cách là Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng và là người có kính nghiệm “lăn lộn” ở các điểm nóng, để nhanh chóng đẩy lùi dịch, ông có thông điệp gì đến người dân?

PGS. TS Trần Như Dương: Tinh thần của Chính phủ đó là chống dịch như chống giặc. Đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng gì của ngành y tế hay của chính quyền. Cuộc chiến này cần có sự chung sức đồng lòng của toàn dân, trong đó “mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”. Mỗi người đều phải có trách nhiệm công dân đối với toàn xã hội, mình vì mọi người, mọi người vì mình. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra được sức mạnh to lớn chống lại Covid-19.

Để cùng chống dịch, toàn dân nên tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch của ngành y tế (đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, thực hiện khai báo y tế...).

Đối tượng F1 cần tuân thủ nghiêm ngặt cách ly tập trung. Đây vừa là quyền lợi cũng là nghĩa vụ công dân. Quyền lợi là được cách ly theo dõi y tế, được phát hiện ngay, chăm sóc y tế ngay nếu mắc bệnh, bảo vệ được sức khỏe, tính mạng. Còn nghĩa vụ là mình vào cách ly tập trung, tuân thủ các nội quy cách ly để bệnh không lây lan sang người khác, sang cộng đồng.

Tôi cho rằng, trong “cuộc chiến” này cần sự chung sức của toàn nhân dân, chúng ta phải chung sức, chung lòng, bệnh dịch mới sớm được đẩy lùi.

Trân trọng cảm ơn ông !

Đọc thêm

Thúc đẩy kết nối công nghệ, đổi mới sáng tạo ngành Y tế Công nghệ số

Thúc đẩy kết nối công nghệ, đổi mới sáng tạo ngành Y tế

TTTĐ - Sự kiện "Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024" (Techconnect and Innovation Vietnam) với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức trong hai ngày 30/9-1/10 tại Hà Nội.
Thanh Oai thông tin việc học sinh nhập viện sau uống nước miễn phí Chung tay vì an toàn thực phẩm

Thanh Oai thông tin việc học sinh nhập viện sau uống nước miễn phí

TTTĐ - Chiều 1/10, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thanh Oai, Hà Nội đã có báo cáo chính thức gửi Sở GD&ĐT Hà Nội về vụ việc một số học sinh trường THCS Bình Minh nghi ngộ độc sau khi uống nước được phát miễn phí ở cổng trường.
LineaBon D3K2 hỗ trợ bệnh nhi điều trị tim bẩm sinh qua dự án "Đại sứ cao khỏe" Sức khỏe

LineaBon D3K2 hỗ trợ bệnh nhi điều trị tim bẩm sinh qua dự án "Đại sứ cao khỏe"

TTTĐ - "Đại sứ cao khỏe" là dự án vì cộng đồng được LineaBon triển khai trong tháng 9/2024, thu hút sự tham gia của 10.000 ba mẹ. Mỗi hashtag kèm video tham dự chương trình được LineaBon góp 10.000đ tới quỹ Trái tim cho em. Cùng với đó, LineaBon hỗ trợ thêm 100 triệu đồng, nâng tổng số tiền trao tặng tới các em nhỏ lên 200 triệu đồng.
Nam thanh niên yếu liệt cơ sau thời gian "nghiện" bóng cười Tin Y tế

Nam thanh niên yếu liệt cơ sau thời gian "nghiện" bóng cười

TTTĐ - Sa đà vào thú vui hút bóng cười trong suốt 1 năm, nam thanh niên 23 tuổi nhận hậu quả tê bì tay chân, khó vận động và cầm nắm đồ vật, đau đầu, mất ngủ.
Ghi nhận trường hợp thứ 12 bị chó dại cắn Tin Y tế

Ghi nhận trường hợp thứ 12 bị chó dại cắn

TTTĐ - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 20/9 đến 27/9), toàn thành phố ghi nhận 279 ca mắc sốt xuất huyết; 65 ca tay chân miệng; 7 ca sởi; 1 ca uốn ván; 1 ca ho gà; 1 trường hợp chó dại cắn...
Hà Nội quán triệt học sinh không nhận đồ ăn, uống từ người lạ Chung tay vì an toàn thực phẩm

Hà Nội quán triệt học sinh không nhận đồ ăn, uống từ người lạ

TTTĐ - Trước thông tin một số học sinh ngộ độc nghi do nước uống miễn phí phát ở cổng trường, sáng 1/10, ngành Giáo dục gửi cảnh báo đến các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý học sinh, tuyên truyền nhắc nhở các em không ăn quà vặt ngoài cổng trường và tuyệt đối không nhận đồ ăn, đồ uống từ người lạ.
Phẫu thuật cho bệnh nhân có khối u "khủng" nặng hơn 2kg Sức khỏe

Phẫu thuật cho bệnh nhân có khối u "khủng" nặng hơn 2kg

TTTĐ - Các bác sĩ khoa Ngoại Theo yêu cầu, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội phẫu thuật thành công, cắt bỏ khối u có kích thước lên đến 20 cm choán gần hết lồng ngực cho bệnh nhân 64 tuổi ở Thái Nguyên.
Thu hồi và tiêu hủy sản phẩm RAILEZA không đảm bảo chất lượng Tin Y tế

Thu hồi và tiêu hủy sản phẩm RAILEZA không đảm bảo chất lượng

TTTĐ - Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản thông báo đến phòng y tế các quận, huyện, thị xã, các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn thành phố về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi sản phẩm RAILEZA không đảm bảo chất lượng.
Xác minh sự cố học sinh nhập viện sau khi uống nước miễn phí Chung tay vì an toàn thực phẩm

Xác minh sự cố học sinh nhập viện sau khi uống nước miễn phí

TTTĐ - Sáng 1/10, theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ngay sau khi có thông tin sự cố an toàn thực phẩm của một số học sinh Trường THCS Bình Minh (Huyện Thanh Oai, Hà Nội), Chi cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn điều tra, giám sát có kết quả ban đầu.
Kiểm soát chặt giá thuốc điều trị người bệnh sau mưa bão Tin Y tế

Kiểm soát chặt giá thuốc điều trị người bệnh sau mưa bão

TTTĐ - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc; Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam; Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc cứu chữa người bị thương, bị bệnh sau mưa bão.
Xem thêm