Cải cách hành chính - Khâu đột phá để phát triển bền vững
Thành lập Tổ biên tập xây dựng đề án về hành chính công Hướng tới đánh giá chỉ số cải cách hành chính theo tuần, theo tháng Nhiều mô hình, sáng kiến hay để phục vụ cải cách hành chính |
Tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước
Một trong những điểm sáng nổi bật của công tác cải cách hành chính (CCHC) tại Hà Nội là việc tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước. Theo đó, Ban Chỉ đạo Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 30-KH/BCĐ ngày 28/12/2023, trong đó Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo công tác CCHC, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND thành phố và các cơ quan hành chính các cấp.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Đông Anh, Hà Nội |
Năm 2024 là năm thứ tư liên tiếp thành phố xác định chủ đề năm công tác “kỷ cương, trách nhiệm, hành động sáng tạo và phát triển” theo tinh thần 3 “rõ”: Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm; rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ.
Các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt các bước trung gian và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.
Ngày 20/2/2024, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả chỉ số CCHC năm 2023 đối với các Sở, cơ quan tương đương Sở và UBND các quận, huyện, thị xã. Hội nghị đã phân tích, làm rõ các mặt mạnh, mặt yếu trong công tác CCHC của từng cơ quan, đơn vị; đồng thời gửi từng đại biểu tài liệu báo cáo kết quả phân tích Chỉ số của các Sở, cơ quan tương đương Sở, UBND quận, huyện, thị xã, giúp các cơ quan, đơn vị, đại biểu hiểu rõ hơn kết quả CCHC các khối, ngành, địa phương.
Kết quả, chỉ số Cải cách hành chính trung bình cả hai khối Sở, cơ quan tương đương Sở và khối UBND các quận, huyện, thị xã đều tăng so với năm 2022 (lần lượt 2.73% và 1.26% so với năm 2022). Nhiều đơn vị có sự cải thiện về kết quả chỉ số CCHC so với năm 2022.
Thành phố đang tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa, hoàn thiện Bộ Chỉ số CCHC áp dụng đối với các Sở, cơ quan tương đương Sở và UBND các quận, huyện, thị xã, theo đó, dự kiến đánh giá các đợt trong năm, bổ sung một số nội dung điểm thưởng, điểm trừ trong công tác CCHC.
Cùng với đó, thành phố ban hành Khung Chỉ số CCHC cấp xã và phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; nghiên cứu, xây dựng Bộ chỉ số CCHC áp dụng đối với các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại thành phố và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố.
Tính đến ngày 14/6/2024, thành phố (qua Văn phòng UBND thành phố) đã tiếp nhận, xử lý theo quy định 1.525 phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính được gửi đến qua đường dây nóng (số điện thoại 0243.934.6034), địa chỉ: kiemsoatthutuchanhchinh@hanoi.gov.vn và trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. |
Đáng chú ý, về kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023, thành phố Hà Nội đạt 43,9603 điểm (tăng 0,0603 điểm so với năm 2022); xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tiếp tục giữ vị trí nhóm 1 (nhóm Cao - nhóm 16 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất).
Về Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) của thành phố Hà Nội đạt 83,57% (tăng 3,41%); xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2022 (năm 2022 xếp thứ 30/63); đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số CCHC - PAR INDEX năm 2023 của thành phố Hà Nội đạt 91.43 điểm (tăng 1.85 điểm so với năm 2022); giữ vững vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp tục nâng cao dịch vụ công trực tuyến toàn trình
Những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2024 đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng dịch vụ công. Đây là nền tảng vững chắc để thành phố tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính trong những tháng tiếp theo.
TP Hà Nội tiếp tục nâng cao dịch vụ công trực tuyến toàn trình (Ảnh minh họa) |
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, UBND thành phố xác định 3 nguyên tắc xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành: Bám sát, nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, quản trị hiện đại… Trong đó, thành phố tập trung phân công, xây dựng và hoàn thiện quy trình, quy chế, đặc biệt là quy chế phối hợp liên thông; xây dựng đầy đủ đồng bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức…
Thời gian tới, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố sẽ xử lý thay thế ngay các trường hợp vi phạm, không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là không có tinh thần thái độ, tâm thế phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Thành phố cũng sẽ tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Đề án 06 Chính phủ trong mọi mặt của công tác chỉ đạo điều hành.
Cùng với đó, thành phố triển khai quy trình giải quyết công việc theo phương châm “3 rõ, 1 xuyên suốt”, tiếp tục rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết nâng cao dịch vụ công trực tuyến toàn trình và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả ứng dụng Công dân số Thủ đô (iHanoi) theo Chương trình Đề án 06 của Chính phủ, thiết lập kênh tương tác theo thời gian thực giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền để mọi kiến nghị phản ánh của người dân và doanh nghiệp được lắng nghe kịp thời, xử lý nhanh nhất, thuận tiện nhất, hiệu quả nhất.
Đặc biệt vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến về hai Quy hoạch và thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). UBND thành phố sẽ sớm báo cáo Thành ủy, HĐND thành phố để tổ chức triển khai Luật, các quy hoạch kịp thời sớm nhất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách, tiên phong trong cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu - tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội” tạo ra cơ hội mới, giá trị mới với mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh và thông minh, người dân hạnh phúc như Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị.