Cải cách mạnh mẽ, cắt giảm thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: Quốc hội)
Bài liên quan
Hà Nội cần huy động sức mạnh của cộng đồng để bảo vệ môi trường
Tháo gỡ, giải quyết hiệu quả những vướng mắc trong bảo vệ môi trường và quản lý đất đai tại Hà Nội
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014 đã quy định về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đưa ra các nguyên tắc xây dựng, yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh, về chất thải...
Tuy nhiên, để bảo đảm việc quản lý chất thải, quản lý chất lượng môi trường phù hợp với yêu cầu về BVMT trong quá trình hội nhập, với quan điểm lấy con người làm mục tiêu để bảo vệ, dự thảo Luật được xây dựng hướng tới mục tiêu người dân Việt Nam phải được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Quốc hội) |
Theo tờ trình, dự thảo Luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 - 75 ngày; Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường
Về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Luật BVMT 2014 quy định đánh giá tác động môi trường như một công cụ quản lý môi trường cho suốt vòng đời dự án. Tuy nhiên, do chỉ là công cụ có tính dự báo nên quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập bởi thực tế khi triển khai dự án có nhiều thay đổi. Tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để khắc phục vướng mắc, bất cập nêu trên, dự thảo Luật đã xác lập đúng vai trò của công cụ đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn thực hiện dự án. Việc quản lý dự án, cơ sở khi đi vào vận hành được thay thế bằng công cụ giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã quy định rõ dự án đầu tư chỉ phải thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường theo một trong bốn trường hợp sau: Chỉ phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và không phải có giấy phép môi trường; Phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và phải có giấy phép môi trường; Không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng phải có giấy phép môi trường; Không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường.
Vì vậy dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường chỉ bao gồm những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và những dự án có phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Giao Chính phủ quy định những trường hợp được miễn đánh giá tác động môi trường để ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; Bổ sung quy định về lộ trình phù hợp yêu cầu các tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề nhằm nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá, tuy còn có một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và hoàn thiện, nhất là về tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính khả thi của các chính sách nhưng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ và đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.