Cắm sạc điện thoại, bé trai 7 tuổi bị điện giật tử vong và những lời cảnh báo
Những tai nạn thương tâm do sạc điện thoại gây ra
Sáng 12/8, trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ tai nạn thương tâm trên, ông Đào Công Thọ, Chủ tịch UBND xã Hoàng Xá (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) đã xác nhận, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ điện giật chết người thương tâm.
“Tối qua, sau khi sửa mái nhà xong, bố của cháu N.H.L.N (ở khu 11, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), có đưa điện thoại cho cháu bé nhờ cắm sạc pin rồi đi tắm. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, gia đình phát hiện cháu đã tử vong, nghi do điện giật.
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ việc cháu bé cắm sạc điện thoại bị điên giật tử vong thương tâm |
Sau khi phát hiện sự việc, gia đình đã báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương. Lãnh đạo xã và công an ngay lập tức có mặt phong tỏa, bảo vệ hiện trường và báo cáo lên cấp trên”, Chủ tịch UBND xã Hoàng Xá thông tin.
Ông Thọ cho biết thêm, đến khoảng 21 giờ cùng ngày, sau khi xem xét hiện trường, cơ quan điều tra nhận định, cháu bé cắm sạc điện thoại nên bị điện giật tử vong. Hiện, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể cháu bé cho gia đình an táng theo tục lệ của địa phương.
Trước đó vào ngày 22/7, đại diện UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) thông tin về vụ tai nạn điện giật trên địa bàn làm cháu bé học sinh lớp 2 tử vong.
Cụ thể, vào chiều 21/7, cháu T.M.K (SN 2014, ở thôn Quan Điền, Khe Thần, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) được người nhà phát hiện trong tình trạng nằm bất tỉnh trên nền đất đè lên điện thoại đang sạc pin tại phòng ngủ nhà riêng. Kiểm tra trên người cháu K còn có vết bỏng, cháy.
Mặc dù đã gia đình đã tiến hành sơ cứu và nhanh chóng đưa nạn nhân vào bệnh viện nhưng cháu K vẫn không qua khỏi. Bước đầu cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháu K tử vong là do bị điện giật khi sử dụng điện thoại đang cắm sạc pin.
Một bệnh nhi bị dập nát bàn tay vì vừa dùng, vừa sạc pin điện thoại |
Đây không phải là tai nạn đầu tiên có nguyên nhân từ sạc pin điện thoại. Tại Việt Nam trong 2 năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm do vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin. Như trường hợp em Lê Thị X (14 tuổi, ở xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), đã tử vong trên giường khi vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin…
Gần đây nhất là trường hợp xảy ra tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình) vào ngày 15/6/2020 khiến anh Q.V.A (sinh năm 1993) tử vong. Người thân phát hiện anh A tử vong tại phòng khách của gia đình, trên tai còn đeo tai nghe, chiếc điện thoại bị nổ dính vào vùng ngực của nạn nhân. Những vụ việc đau lòng nói trên là lời cảnh báo mất an toàn về tình trạng điện thoại di động dò điện, phát nổ do vừa sạc pin vừa sử dụng.
Tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang cắm sạc
Trao đổi với báo chí về nguyên nhân người dùng bị điện giật, cháy nổ dẫn tới tử vong khi dùng điện thoại đang cắm sạc, TS Đặng Hoài Bắc (Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông) cho biết: Bất kỳ dòng điện thoại nào cũng có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách, hoặc linh kiện của bộ sạc không không rõ nguồn gốc.
Các chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang cắp sạc |
Trong quá trình sạc, nếu các linh kiện điện tử không đảm bảo chất lượng, có thể dẫn tới việc điện áp cao phóng thẳng tới điện thoại liên tục hoặc tức thì, gây ra hiện tượng điện giật nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là điện thoại có vỏ kim loại.
Theo các chuyên gia, bộ sạc đảm bảo chất lượng phải bao hàm thiết bị có vai trò cách ly điện giữa phần đầu vào và đầu ra - tức chuyển đổi nguồn điện áp cao 220V xuống điện áp thấp 5V, được quy định tùy theo hệ thống tiêu chuẩn của từng quốc gia. Thiết bị này chính là phần hộp lớn nhất nằm ở phần đầu vào của bộ sạc. Ngoài ra, thiết bị này cũng cần đảm bảo tiêu chuẩn chống cháy nổ để không gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Nếu đúng chuẩn, điện áp đầu ra rất thấp (5V), không thể gây giật chết người. Khi dùng thiết bị không đảm bảo yêu cầu an toàn cách ly nguồn điện hoặc bị hư hỏng phần cách điện bên trong, phần đầu ra có thể sẽ được nối thông điện với phần đầu vào. Tức điện áp đầu ra cũng chính là điện áp nguồn 220V. Khi đó, ngoài khả năng gây cháy điện thoại do điện áp cao, người dùng có thể bị điện giật nếu chạm vào, nhất là khi tay ướt.
Để hạn chế những rủi ro tương tự, tốt nhất người sử dụng không dùng các bộ sạc giả thương hiệu, không rõ xuất xứ; Đặc biệt, tuyệt đối không vừa dùng điện thoại vừa sạc và chỉ sử dụng khi pin đã đầy.
Về xử lý khi bị điện giật, kể cả trường hợp bị giật từ điện thoại nhiễm điện, theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi thấy có người bị điện giật, không nên lao vào ôm nạn nhân. Trong trường hợp này, cần dùng các vật cách điện như thanh gỗ, củi, que nhựa... gỡ bỏ dây điện và chiếc điện thoại ra khỏi người nạn nhân càng sớm càng tốt và thực hiện các bước sơ cứu tại chỗ.