“Cầm tay, chỉ việc” bán sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên
Văn hóa ngày càng đa dạng nhờ sự đóng góp của thanh niên |
Ngày 16/9, tại Hà Tĩnh, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn. Đây là một chương trình có ý nghĩa nhằm bồi dưỡng “hạt nhân số” ở vùng sâu, vùng xa vươn lên khởi nghiệp và hỗ trợ người dân tiếp cận với thương mại điện tử.
Dự và chủ trì hội nghị, có chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn cùng hàng trăm đoàn viên, thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị tập huấn cũng thu hút được nhiều chủ thể là những người trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp và tạo ra nhiều sản phẩm tham gia.
Các vị đại biểu tham quan các gian hàng về sản phẩm OCOP |
Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn Nguyễn Thị Thu Vân cho biết, thương mại điện tử ở Việt Nam đã và có cơ hội bùng nổ sau đại dịch và trở thành xu hướng, phương tiện mua sắm, tiêu dùng tiếp cận được đa số người dân từ vùng sâu, vùng xa đến đô thị. Trong thời gian ngắn, các trang thương mại điện tử cũng trở nên phổ biến hơn, xu hướng dịch chuyển sang các trang mạng xã hội được thể hiện qua số lượng người dùng có thói quen mua sắm qua Facebook, Tiktok shop tăng nhanh chóng.
Theo đó, số lượng các nhà sáng tạo nội dung ngày càng đa dạng và lan sang nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Điều này khiến người xem vừa cảm nhận được câu chuyện của sản phẩm, có cảm xúc, vừa kích thích nhu cầu tiêu dùng, mua sắm.
Bạn trẻ liviestream bán hàng |
Trên thực tế, nhiều bạn trẻ chỉ cần xây dựng vài tháng đã có tiềm lực tương đương so với xây dựng cửa hàng truyền thống. “Vì vậy, Trung ương Đoàn mong muốn sẽ trang bị được kỹ năng cho thanh niên vùng sâu, vùng xa để tận dụng ưu việt kinh tế số để xây dựng kênh bán hàng hiệu quả để trả lời câu hỏi: “Bán đi đâu?”, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn Nguyễn Thị Thu Vân chia sẻ.
Đặc biệt, khi có năng lực bán hàng trực tuyến qua các trang thương mại điện tử và mạng xã hội, thanh niên nông thôn sẽ thực hiện được mục tiêu kép, đó là vừa xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp, vừa hỗ trợ được bà con nông dân tiêu thụ nông sản.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được coi là một trong những chương trình trọng điểm trong mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, ra đời nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Chương trình mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế tại mỗi địa phương.
Thanh niên nông thôn thực hành bán hàng qua nền tảng số |
Theo anh Nguyễn Hoài Nam, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, tỉnh đã có gần 240 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm được công nhận đều mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Bưởi Phúc Trạch, nhung hươu Hương Sơn, kẹo cu đơ, trầm hương Phúc Trạch, cam giòn, bánh đa vừng... đã tạo nên những thương hiệu riêng cho vùng đất Hà Tĩnh.
“Với cách tiếp cận mới, đổi mới hình thức, tập huấn trực tiếp, hướng dẫn tận tay, cụ thể từng việc, từng bước, quy trình để hỗ trợ thanh niên, chủ thể sản phẩm OCOP thực hành… hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả cao. Thông qua hội nghị tập huấn, thanh niên nông thông tỉnh Hà Tĩnh cũng hiểu rõ hơn về thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng trực tuyến để quảng bá và giải quyết vấn đề tiêu thụ cho bà con nông dân nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm bớt sự phụ thuộc trung gian”, anh Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.