Cán bộ không được né tránh, sợ trách nhiệm
Cải cách tiền lương gắn trách nhiệm để cán bộ không “chân ngoài dài hơn chân trong” Cơ sở xem xét quy hoạch, sử dụng cán bộ qua phiếu tín nhiệm |
Ngày 24/10, thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chia sẻ một số ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, trong đó cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ hạn chế, khó khăn của đất nước còn rất nhiều, rất lớn. Trong đó, nhiều công việc cần giải quyết nhưng khả năng của các cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng được.
Đặt vấn đề về thị trường bất động sản, Chủ tịch nước nêu câu hỏi trong 2 năm qua chúng ta đã tháo gỡ được dự án nào lớn hay chưa? "Hay xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, 10 năm qua các ngân hàng 0 đồng vẫn chưa giải quyết được", Chủ tịch nước nêu.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng |
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng nêu vấn đề chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19, kỳ vọng rất lớn, Quốc hội thảo luận “rất hào hứng, quyết tâm cao nhưng triển khai rất chậm”.
Bên cạnh đó, việc đầu tư công tưởng chừng khó nhất là không có tiền nhưng có tiền rồi thì chi tiêu vẫn chậm.
“Ở diễn đàn Quốc hội, có đại biểu cũng nói con đường dài nhất là con đường giữa nói và làm. Trong các kết luận của Đảng vẫn thường nói, tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu.
Chia sẻ nguyên nhân, Chủ tịch nước thẳng thắn chỉ rõ việc phân cấp, phân quyền đạt kết quả chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị.
Theo Chủ tịch nước, kết luận của Đảng có nêu phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch theo hướng từng cấp phải xác định rõ được thẩm quyền và trách nhiệm của mình; làm sao để cấp dưới không đi hỏi cấp trên và để cấp trên không phải với tay xuống làm những việc của cấp dưới.
Ông cho biết, có nhiều việc quyền hạn không rõ, cứ mỗi lần đi hỏi mất tối thiểu là 3 tháng, trung bình là 6 tháng và thậm chí có vấn đề 9 tháng để nhận được một văn bản trả lời là "làm theo quy định của pháp luật".
Bên cạnh đó là tư duy thích ôm đồm quyền trong xây dựng chính sách, lĩnh vực nào cũng muốn mình có quyền trong đó nên nhiều chuyện không chịu phân cấp hoặc kể cả những vấn đề đã thấy rõ nhưng phân cấp rất khó khăn.
Ngoài ra, theo Chủ tịch nước, trách nhiệm trong xây dựng pháp luật bao gồm cả luật, nghị định, thông tư, tức là văn bản quy phạm pháp luật chưa cao.
"Trong hệ thống, chúng ta thấy cán bộ làm sai bị xử rất nặng rồi và cán bộ nói sai đường lối, chủ trương, nghị quyết cũng từng bước xem xét xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, cán bộ ban hành một nghị định, thông tư, thậm chí cao hơn là luật mà khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, rắc rối thì chưa ai bị làm sao", Chủ tịch nước nêu.
Vấn đề nữa là tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm. Theo Chủ tịch nước, là cán bộ thì không thể né tránh, sợ trách nhiệm nhưng sợ sai thì đúng. Làm mà không sợ sai mới nguy hiểm.
"Sợ sai để mình làm kỹ hơn, nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn; để cân nhắc trước sau lợi hại đến quốc kế dân sinh trước khi mình quyết định là một phẩm chất cần thiết của cán bộ", Chủ tịch nước phân tích.