Cần chuẩn bị tâm lý cực kỳ vững vàng khi chọn nghề báo
Nghề báo: Đâu phải chỉ ở mỗi việc sáng tạo tác phẩm Nhà giáo nói về nghề báo |
Đó là nhận định của nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô tại chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành khoa học và xã hội”, do Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Trường Đại học Thành đô và các đơn vị tổ chức sáng 9/3, tại Trường THPT Thường Tín, xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Nhà báo Ngô Vương Tuấn cho rằng, sau khi tốt nghiệp ngành báo chí, các bạn trẻ có thể làm tại các cơ quan báo chí của Nhà nước: Báo in, điện tử, phát thanh - truyền hình, media; hay làm MC, truyền thông…
Nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô cùng các chuyên gia, nhà giáo tư vấn, hướng nghiệp tại chương trình |
Theo ông Ngô Vương Tuấn, hiện nay, nước ta có khoảng hơn 700 cơ quan báo chí và hơn 1.000 ấn phẩm khách nhau. Các phóng viên, nhà báo có thu nhập cũng ở mức khá. Ngoài lương, thưởng, các bạn có cơ hội thu nhập từ các nguồn kinh tế báo chí, quảng cáo, truyền thông, theo năng lực của tuỳ từng người.
“Cơ hội nghề nghiệp của ngành báo còn được mở rộng tại các cơ quan quản lý báo chí, xuất bản, tuyên giáo; hay làm truyền thông, công tác chính trị trong lực lượng công an, quân đội; tham gia vào bộ phận quan hệ công chúng, truyền thông của các tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán, các tập đoàn, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học. Thậm chí, các bạn có thể làm các nhà báo tự do, phát triển các kênh Tiktok, mạng xã hội…”, nhà báo Ngô Vương Tuấn cho hay.
Trả lời câu hỏi của học sinh: “Theo ngành báo chí cần có những kỹ năng gì?”, nhà báo Ngô Vương Tuấn, cho biết, nghề báo đòi hỏi chúng ta nhiều kỹ năng.
Nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận định về nghề báo |
Trước hết, nếu ai muốn theo nghề này, cần chuẩn bị tâm lý cực kỳ vững vàng, bởi tính chất công việc có áp lực cao, đòi hỏi làm việc theo sự kiện, sự việc xảy ra mà không quản ngày đêm. Khối lượng công việc nhiều nên người làm báo thường ít thời gian dành cho gia đình; đòi hỏi chúng ta cần có sức khoẻ tốt.
Nghề báo yêu cầu yếu tố tỉ mỉ, cẩn thận trong tác nghiệp, từ việc ghi chép lấy tư liệu đến viết bài… Chúng ta có thể đối diện với những tiềm ẩn rủi ro, lỗi sai trong bài viết có thể ảnh hưởng lớn đến bản thân và xã hội. Chẳng hạn như mảng pháp luật - bạn đọc dễ bị hành hùng, hay mắc lỗi về chính trị thì dễ bị kỷ luật…
“Nghề báo đòi hỏi người làm phải có kiến thức nền tốt, hiểu biết ở nhiều lĩnh vực khác nhau; cần có kiến thức, kỹ năng công nghệ, để làm các thể loại báo chí mới, đa phương tiện.
Giao tiếp cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với người làm báo. Chúng ta cần có những mối quan hệ tốt và thêm nữa là kỹ năng ngoại ngữ rất cần thiết để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, hiện đại”, nhà báo Ngô Vương Tuấn chia sẻ.
Học sinh đặt câu hỏi tới các chuyên gia |
Ông Ngô Vương Tuấn, cho biết, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Trường Đại học Thành đô và các đơn vị đồng hành tổ chức chương trình ý nghĩa: "Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành khoa học và xã hội".
Chương trình là hoạt động thiết thực, đồng hành cùng các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh cấp 3 trên hành trình lập thân, lập nghiệp; giúp học sinh hiểu rõ hơn về các ngành nghề trong khối khoa học và xã hội, từ đó có định hướng nghề nghiệp phù hợp; góp phần giải quyết tình trạng mất cân bằng trong lựa chọn ngành nghề hiện nay, hướng đến sự phát triển cân bằng của các lĩnh vực trong xã hội.
Các em học sinh tham gia gian hàng tư vấn hướng nghiệp |
Tại chương trình, các chuyên gia, nhà giáo dục chia sẻ về xu hướng tuyển sinh, cơ hội việc làm của các ngành khoa học và xã hội. Đại diện doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm, truyền động lực cho học sinh...
Từ buổi tư vấn hôm nay, các em còn có thể lan truyền về những hiểu biết nghề nghiệp của mình cho bạn bè, người thân, những người chưa có dịp tham dự buổi tư vấn trực tiếp này.