Cần có phương án kiểm soát hiệu quả khí thải phương tiện giao thông
Ô nhiễm không khí đang ở mức đáng báo động
Theo xếp hạng của cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir, năm 2023 Việt Nam là quốc gia ô nhiễm thứ 22 trên thế giới. Ước tính hàng năm tại nước ta, xe máy “đốt” hơn 5 tỷ USD xăng, thải ra một lượng khí thải khổng lồ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe người dân.
Tại Hà Nội, theo kết quả quan trắc cho thấy số ngày chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng lo ngại, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.
Sự gia tăng của các phương tiện giao thông không những gây ra cảnh tắc đường mà còn thải ra môi trường một lượng khí thải vô cùng lớn |
Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu trên, việc quan trọng nhất mà Hà Nội cần làm là giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí. Trong đó, nguồn thải từ giao thông vận tải sẽ là mục tiêu hàng đầu.
Tuy nhiên, với dân số khoảng 9 triệu người; lượng xe mô tô, xe 2 bánh gần 7 triệu phương tiện, xe ô tô 1,1 triệu phương tiện và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương lân cận di chuyển thì việc kiểm soát lượng khí thải từ phương tiện giao thông sẽ rất khó khăn.
Trong khi đó, tăng dân số cơ học ở nội đô đã tạo nên áp lực lớn đối với hạ tầng đô thị và môi trường Hà Nội. Theo số liệu được Sở Giao thông vận tải Hà Nội thống kê gần đây, mỗi năm Thủ đô tăng 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng 32.750 phương tiện; mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện cá nhân. Đáng nói trong số các phương tiện này hiện có rất nhiều xe cũ nát lưu hành nhiều năm.
Thống kê của Công an TP Hà Nội cho thấy, hiện có khoảng hơn 44.000 xe máy có niên hạn 30 năm; trên 10.500 xe niên hạn hơn 40 năm. Những chiếc xe "3 không": Không được chú trọng bảo dưỡng định kỳ; không phải kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không quy định niên hạn sử dụng nên vẫn đang mặc sức thải, phát tán khí độc trong quá trình vận hành.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng thì lại không có căn cứ để xử lý vi phạm ảnh hưởng đến môi trường. Mặc dù đã có nhiều chính sách và chương trình như thu hồi, tái chế được triển khai, nhưng việc xử lý dứt điểm xe cũ nát lưu thông trên đường lại không đơn giản.
Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện xanh
Có thể thấy rằng, khí thải phương tiện giao thông đang trở thành “gánh nặng” cho môi trường. Sự gia tăng của các phương tiện giao thông không những gây ra cảnh tắc đường mà còn thải ra môi trường một lượng khí thải vô cùng lớn.
Theo các nghiên cứu, khí thải độc hại từ ô tô, xe máy bao gồm CO2, Nox và các hạt bụi mịn (PM2.5, PM10) không chỉ gây hại cho môi trường mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Hà Nội với mật độ dân số cao và số lượng phương tiện giao thông khổng lồ, đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng, để kiểm soát hiệu quả khí thải phương tiện giao thông, cần có một chiến lược tổng thể, đồng bộ. Một trong những giải pháp trọng điểm chính là kiểm định khí thải định kỳ.
Cần khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường để giảm nguồn phát thải |
Để thực hiện được điều này, trước tiên Chính phủ cần thiết lập các trạm kiểm định khí thải ở nhiều nơi, đảm bảo mọi phương tiện đều được kiểm tra định kỳ. Đặc biệt, cần chú trọng đến xe máy và ô tô cũ, những nguồn phát thải lớn nhất.
Ngoài ra, việc bổ sung các quy định xử phạt nghiêm khắc đối với các phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ giúp giảm thiểu lượng khí thải độc hại. Quy định này không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo dưỡng phương tiện. Một giải pháp khác là phát triển hệ thống giao thông xanh. Đây được coi là một giải pháp bền vững để giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh việc triển khai xe buýt điện, xe đạp công cộng và mở rộng hệ thống đường sắt đô thị. Những dự án này không chỉ giúp giảm lượng khí thải từ phương tiện cá nhân mà còn thúc đẩy người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư vào các phương tiện giao thông xanh, từ đó tạo ra một mạng lưới giao thông bền vững và hiệu quả.
Ngoài các giải pháp trên, các chuyên gia cho rằng, phải đặc biệt nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng, cụ thể là nhận thức của cộng đồng về việc bảo dưỡng phương tiện định kỳ và tác hại của khí thải là yếu tố then chốt để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Khi người dân hiểu rõ tác hại của khí thải và lợi ích của việc bảo dưỡng phương tiện định kỳ, họ sẽ tự giác thực hiện và ủng hộ các biện pháp kiểm soát khí thải. Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông là một nhiệm vụ cấp thiết để giảm ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Việc kết hợp giữa chính sách kiểm định, khuyến khích sử dụng phương tiện xanh, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế sẽ là những giải pháp khả thi để cải thiện tình hình hiện tại. Chỉ khi mỗi cá nhân, tổ chức và chính quyền cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng một môi trường sống trong lành và bền vững.