Căn cứ cấp độ dịch để có kế hoạch cụ thể cho học sinh đến trường
Tỷ lệ nhà giáo, nhân viên trường học tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 còn thấp
Hiện đã có 28 tỉnh, thành phố đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh, thành phố với 337 quận, huyện đang học trực tuyến, học trên truyền hình.
Số học sinh đang học trực tuyến là khoảng 6.739.020 (trong đó cấp tiểu học chiếm 42,5%; trung học cơ sở 74,3%; trung học phổ thông 55,2%...). Nhiều địa phương đã có kế hoạch mở cửa trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ ngày 15/11.
Toàn cảnh Hội nghị |
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, diễn biến dịch Covid-19 vẫn đang rất phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục, tới giáo viên, học sinh tất cả các địa bàn trên cả nước. Thời gian qua, các em học sinh đã phải chuyển trạng thái sang học trực tuyến, học qua truyền hình.
Khi có Nghị quyết 128 hướng dẫn tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng thời ban hành các kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể. Bộ đã có văn bản cụ thể gửi các địa phương, với mong muốn cụm từ “thích ứng an toàn” sẽ được các địa phương triển khai mạnh mẽ.
Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn rõ ràng về xác định cập độ dịch, để thầy cô và các em học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng ở một số địa phương. Do đó, một số tỉnh, thành phố có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh đi học trực tiếp trở lại đã phải điều chỉnh kế hoạch.
Thậm chí, một số trường học phải dừng hoạt động dạy học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình do xuất hiện chùm ca bệnh lây nhiễm trong trường học (như ở các tỉnh: Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Nam, Hà Tĩnh...).
Cùng với đó, tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vaccine còn thấp (trung bình toàn quốc khoảng 62%).
An toàn thì mới đi học và đã đi học phải an toàn
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh 3 vấn đề chủ yếu được đưa ra bàn luận tại cuộc họp, đó là tiêm vắc xin cho học sinh, thực hiện "5K" trong lớp (chủ yếu là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách) và xử lý thế nào khi trong trường, lớp có F0.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: "Thế giới cũng như Việt Nam đã trải qua đợt dịch thứ 4, đợt dịch này ảnh hưởng rất sâu, toàn diện các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Hiện nay, tỷ lệ bao phủ vaccine tại nước ta tương đối lớn, đạt 75% cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên toàn quốc, đặc biệt các tỉnh miền Nam độ bao phủ còn cao hơn nữa.
Nhận định của WHO, các nước cho thấy tình hình dịch trong năm 2021 và 2022 vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể kết thúc, chưa thể dự báo thời gian tới có xuất hiện biến chủng mới không".
Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục |
Các nước bắt đầu thay đổi biện pháp phòng chống dịch, từ chỗ quyết tâm không có virus giờ chuyển sang đáp ứng với thời kỳ mới. Từ đó, căn cứ vào tình hình dịch trên thế giới, trong nước, đặc biệt là kết quả tiêm vaccine, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128. Nguyên tắc là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch, không cứng nhắc như trước.
Tương tự với vấn đề giáo dục, hiện nay, thống kê đến tháng 9 có 105 quốc gia trên 134 quốc gia đã mở cửa các trường học trở lại.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, cần thống nhất an toàn thì mới đi học và đã đi học phải an toàn. Từ đó, Thứ trưởng đề nghị, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương phải phối hợp rà soát, yêu cầu tất cả trường học các cấp xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch hiện nay để thích ứng an toàn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Mỗi trường học phải thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, trong đó, Hiệu trưởng phải làm Trưởng ban chỉ đạo.