Các địa phương phải chủ động phương án phù hợp ứng phó dịch Covid-19
Hà Nội: 3 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 phòng, chống dịch Covid-19 Đề xuất mở lại đường bay quốc tế thường lệ từ tháng 1/2022 Phòng xét nghiệm Covid-19 lưu động đạt giải thưởng công nghệ quốc phòng |
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, Chính phủ thống nhất nhận định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương; Sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ tham gia tích cực, chủ động Nhân dân cả nước, công tác phòng, chống dịch đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần tạo động lực, niềm tin để phục hồi kinh tế, xã hội.
Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; Số ca tử vong giảm sâu; Số bệnh nhân khỏi bệnh tăng; Tốc độ tiêm vắc xin được đẩy nhanh.
Cả nước từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Các hoạt động kinh tế, xã hội bắt đầu được mở cửa, phục hồi.
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao tính hiệu quả, linh hoạt và sự ưu việt trong cách tiếp cận cũng như các giải pháp phòng chống dịch của Việt Nam.
Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra tại Hà Nội chiều tối 6/11 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; Từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương: Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; Tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền; Kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt.
Các địa phương tiếp tục chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh, tăng cường khả năng thu dung, điều trị, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị trên địa bàn; Chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch.
Các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: Một là, cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất; Có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả. Hai là, xét nghiệm thần tốc, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm. Ba là, điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; Đồng thời thực hiện hiệu quả phương châm "5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác".
Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vắc xin, bảo đảm có vắc xin đầy đủ, nhanh nhất và hướng tới chủ động nguồn cung, song song với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tập trung phân bổ vắc xin để bao phủ 2 mũi cho các địa phương có dịch.
Công tác mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vắc xin... cần bám sát nhu cầu thực tiễn; Thực hiện nghiêm các quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các Bộ, ngành, địa phương cũng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; Ban hành mới hướng dẫn về dịch tễ để tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam về nước; Doanh nhân, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao...; Có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh.
Việc tăng cường tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên nhằm thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân trong phòng, chóng dịch, đặc biệt là các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức thích ứng trong tình hình mới.