Cần cụ thể hóa các giải pháp xây dựng đề án “Phát triển thể chất, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”
Nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng đề án trên, ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội cho biết “Thể lực và tầm vóc người Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể trong hơn hai thập kỷ gần đây. Tuy nhiên so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, thể lực và tầm vóc người Việt Nam còn có sự thua kém rõ rệt. Nâng cao thể lực tầm vóc con người là vấn đề rất lớn, cần thời gian dài và cần kết hợp với nhiều giải pháp đồng bộ theo kinh nghiệm đã được tổng kết của các quốc gia, những nhân tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến tầm vóc và thể lực của con người là: dinh dưỡng (31%), di truyền (23%), thể dục thể thao (20%), môi trường và tâm lý xã hội (khoảng 16% và 10%)”.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Dân số trung bình 7,5 triệu người trong đó có khoảng 2,1 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, 1,7 triệu trẻ em (dưới 15 tuổi), 2,4 triệu thanh niên (từ 16-30 tuổi). Nhiều năm nay, Thành phố đã quan tâm chỉ đạo về công tác nâng cao chất lượng dân số thủ đô, phát triển thanh niên trong đó có nội dung về chú trọng phát triển thể chất, tầm vóc.
Kết quả điều tra về dinh dưỡng năm 2010 cho thấy, sau 35 năm người Việt cao thêm 4 cm. Chiều cao trung bình của người Việt là 161,0 cm, với nhóm trẻ em dưới 1 tuổi so với 10 năm trước đã tăng chiều cao thêm 1,4 cm (bé trai) và 1,8 cm (bé gái), ở trẻ em 3 tuổi chiều cao tăng thêm hơn 2 cm. Năm 2015, chiều cao người trưởng thành ở nam đạt 164,4 cm và nữ đạt 153,4 cm. So với 35 năm trước đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm, thấp hơn chiều cao trung bình của thế giới 15,4cm (nam giới cao 176,8cm) và nữ giới thấp hơn 10,3 cm (nữ thế giới cao 163,7cm).
Tầm vóc của thanh niên trên địa bàn thành phố Hà Nội là nhỉnh hơn so với mặt bằng chung của cả nước nhưng vẫn thấp hơn so với những nước phát triển trong khu vực. Theo số liệu điều tra sơ bộ tại 30 quận/huyện của Hà Nội năm 2016, chiều cao trung bình của học sinh lớp 12, nam là 166 cm, nữ là 156 cm, so với báo cáo Quốc gia về Thanh niên Việt Nam năm 2015 thì chiều cao của Thanh niên Hà Nội cao hơn trung bình của cả nước (người trưởng thành ở nam đạt 164,0 cm và nữ đạt 153,0 cm).
Tuy nhiên, thành phố đang đối mặt với gánh nặng kép về tình trạng dinh dưỡng ở học sinh từ 6-14 tuổi tại trường tiểu học và trung học cơ sở của Hà Nội. Trong khi tỷ lệ dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao là 11% nhưng đồng thời tỷ lệ trẻ béo phì cũng tăng cao nhất là các quận nội thành (15,3%).
Theo ông Nguyễn Đình Lân, đề án “Phát triển thể chất, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được thực hiện trong phạm vi toàn Thành phố với đối tượng áp dụng là bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên của Thành phố Hà Nội. Thời gian thực hiện Đề án là 15 năm, chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1, từ năm 2017- 2020 là giai đoạn thí điểm giải pháp đồng bộ về sức khỏe, dinh dưỡng và thể dục thể thao tại 6 quận/huyện (2 quận nội thành, 2 huyện ngoại thành Hà Nội cũ và 2 huyện ngoại thành phía Tây; mỗi quận/huyện chọn 3 trường mẫu giáo, 3 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở và 1 trường trung học phổ thông).
Giai đoạn 2 từ năm 2021 – 2025 mở rộng đến 50% các quận/huyện và các trường học của Thành phố. Giai đoạn 3 từ năm 2026 – 2030 mở rộng trong phạm vi toàn Thành phố, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, đánh giá hiệu quả để triển khai cho những năm tiếp theo.
Theo đại diện các Sở, ngành tham gia góp ý cho đề án, cần xây dựng các chương trình Đề án cần có mục tiêu cụ thể, ví dụ sữa học đường, trẻ em được dùng bao nhiêu, bao nhiêu % được sử dụng, hoạt động thể chất diễn ra bao nhiêu giờ, dinh dưỡng của bà mẹ cụ thể ra sao…
Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội cho biết “Xây dựng đề án cho Thủ đô Hà Nội cần có tính đặc thù so với các địa phương khác nên phải có hệ thống từ lý do, nguyên nhân, giải pháp… Phạm vi đề án là thực hiện phát triển tầm vóc thể chất người Hà Nội trong khi đó, thể chất bao hàm rất rộng, nhiều yếu tố, liên quan đến bệnh tật, sức khỏe. Do đó, đề án nên hướng tới mục tiêu chính là giảm béo phì, nâng cao tầm vóc, chiều cao. Ngoài vấn đề về phát triển tầm vóc, Hà Nội cần giải quyết vấn đề trẻ thừa cân, béo phì. Hiện nay, số lượng trẻ béo phì tăng cao hơn trẻ suy dinh dưỡng”.
Ngoài ra, theo ông Cử, chúng ta cần xây dựng đề án thật chi tiết đi từ nguyên nhân sâu xa, không nên chung chung dựa theo các số liệu từ đó mới đề ra được giải pháp, cụ thể hóa các giải pháp. Không nên chia ra các giai đoạn như 3 năm đầu thực hiện ở đâu, 3 năm sau thực hiện ở đâu. Nhiều vấn đề có thể áp dụng chia ra giai đoạn, thí điểm nhưng một số việc có thể áp dụng đồng bộ ngay. Hoạt động thể chất của nước Mỹ, ngay ở các khu phố 150 hộ là có một bể bơi miễn phí khoảng 300m, trẻ 2 tuổi đã được dạy bơi. Tổ dân phố nào cũng có khu tập thể chất, xà đơn, xà kép, cầu trượt… Cấp quận, cấp phường có cơ sở vật chất hoạt động thể thao lớn hơn. Trong khi đó, ở Việt Nam năm nào cũng có trẻ lớp 12 đuối nước, thậm chí nhiều vụ việc sinh viên ĐH chết đuối… Do đó, chúng ta cần xây dựng các trường nên có bể bơi, khu tập luyện thể thao, nếu diện tích không đủ rộng thì có thể xây dựng mô hình xà đơn, xà kép để trẻ em luyện tập thể thao.